(GLO)- Học sinh khối 12 của các trường THPT trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang được ôn luyện hình thức thi trắc nghiệm để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Kỳ thi học kỳ I tới đây được coi là một cuộc tập dượt quan trọng khi các em được làm bài trắc nghiệm 100% đối với các môn: Toán, Tiếng Anh, Sử, Địa và Giáo dục công dân.
Xây dựng bộ đề trắc nghiệm
Kỳ thi học kỳ I diễn ra từ ngày 19 đến 23-12 tới đây sẽ là một cột mốc quan trọng để các trường đánh giá lại cách dạy và học theo hình thức trắc nghiệm dành cho học sinh khối 12. Từ kết quả thu được của kỳ thi này, các trường sẽ có sự điều chỉnh phù hợp ở học kỳ II và giai đoạn ôn tập nước rút. Ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) xác định kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017 sẽ khó hơn nhiều so với những kỳ thi trước. Hình thức thi trắc nghiệm đòi hỏi kiến thức sâu rộng, yêu cầu học sinh học thực, thi thực. “Đối với những môn thi trắc nghiệm, mỗi em sẽ có một mã đề thi riêng, nội dung mỗi mã đề khác nhau tới 85% nên các thí sinh không thể copy bài của nhau và cũng không có đủ thời gian để trao đổi dù giám thị có coi thi lỏng lẻo. Điều này đòi hỏi mỗi thí sinh phải tự lực, tập trung cao độ mới có thể hoàn thành được bài thi”-ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết.
Học sinh lớp 12 ở tất cả các trường THPT được ôn luyện và tập dượt hình thức thi trắc nghiệm. Ảnh: N.G |
Cũng theo ông Lê Duy Định, để chuẩn bị tốt cho công tác dạy, ôn tập và ra đề kiểm tra, đề thi trắc nghiệm đối với các môn: Toán, Tiếng Anh, Sử, Địa và Giáo dục công dân, Sở GD-ĐT đã có nhiều văn bản hướng dẫn các trường đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và truyền thông trong quá trình giảng dạy, đồng thời đưa những vấn đề thực tiễn đời sống vào kiểm tra, đánh giá để giáo dục toàn diện cho học sinh, góp phần trau dồi kiến thức, nhân cách cho người học. Ngoài giờ học ở trường, các thầy-cô giáo khuyến khích học sinh tự học tập ở nhà, hướng dẫn các em tìm tài liệu tham khảo phù hợp.
Đến nay, Sở GD-ĐT đã xây dựng bộ đề trắc nghiệm theo phương pháp “chia sẻ chất xám”. Cụ thể, Sở GD-ĐT yêu cầu 10 cụm trường (mỗi cụm gồm 4 trường THPT) gửi về Sở 2 bộ đề các môn thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017, cấu trúc đề theo đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT. Sau đó, Sở tổng hợp các bộ đề này và gửi về cho 40 trường THPT trên địa bàn tỉnh. “Thay vì chỉ có một bộ đề của cụm trường mình sinh hoạt thì với cách làm này, mỗi trường sẽ nhận lại 10 bộ đề của 10 cụm trường để tham khảo vận dụng”-ông Mai Văn Sơn-Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT) phân tích.
Năm học 2016-2017, Sở GD-ĐT đăng ký nâng tỷ lệ tốt nghiệp trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017 là trên 92% đối với hệ Giáo dục Trung học và trên 65% đối với hệ Giáo dục Thường xuyên, cao hơn năm 2016 khoảng 2%. |
Tập dượt qua các bài kiểm tra
Theo tìm hiểu của P.V tại các trường THPT, đến thời điểm này, các học sinh khối 12 đã được làm quen với dạng đề thi trắc nghiệm thông qua các bài kiểm tra 15 phút và một tiết. Thầy Nguyễn Chương-Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku (TP. Pleiku) cho biết: “Ngay từ khi Bộ GD-ĐT chốt phương án, hình thức thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017, nhà trường đã có sự thay đổi trong việc tổ chức các bài kiểm tra cho học sinh. Tuy nhiên, kết quả ban đầu vẫn chưa thể đánh giá được mà phải chờ kết quả của các em qua kỳ thi học kỳ I sắp tới”.
Về phía học sinh, đa số các em cho rằng dù đã được luyện tập hình thức thi trắc nghiệm qua các bài kiểm tra nhưng chưa đủ để nắm bắt hết các dạng câu hỏi trắc nghiệm. Em Nguyễn Hoàng Trà Mi (lớp 12A3, Trường THPT Pleiku) nói: “Vì sự thay đổi hình thức thi quá nhanh nên nhà trường cũng như chúng em không có sự chuẩn bị. Đặc biệt đối với những môn trong tổ hợp xã hội, chúng em gặp nhiều khó khăn trong việc nhận biết toàn bộ kiến thức môn học”.
Học sinh lo một thì các thầy cô lo hai, nhất là môn thi Giáo dục công dân trong tổ hợp bài thi Khoa học Xã hội. Bộ môn này trước kia vốn bị coi là môn phụ, học sinh không để tâm, đội ngũ giáo viên giảng dạy còn hạn chế về mặt chuyên môn nên nay gặp nhiều khó khăn. “Để giúp học sinh thay đổi nhận thức về một môn học là rất khó, mà chúng tôi lại có quá ít thời gian, bên cạnh đó tài liệu tham khảo của bộ môn này ít. Mặc dù chúng tôi đã tăng tiết cho bộ môn Giáo dục công dân, thường xuyên tổ chức kiểm tra 15 phút dưới hình thức trắc nghiệm, thảo luận nhóm với hình thức trắc nghiệm nhưng học sinh vẫn còn rất lơ mơ”-cô La Thị Phượng-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Anh hùng Núp (huyện Kbang), người tham gia giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân bày tỏ.
Theo quy định tại quy chế thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017, thí sinh bị điểm liệt ở bất kỳ môn thi nào trong 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và một trong các môn của bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên hay Khoa học Xã hội thì coi như rớt tốt nghiệp. Vì vậy, các trường THPT đang dồn hết sức ôn luyện cho học sinh khối 12 hình thức thi trắc nghiệm để đạt được kết quả cao nhất.
Nguyễn Giang