Gia Lai: Hứa hẹn làn sóng đầu tư mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giai đoạn 2015-2020, Gia Lai đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ với hàng trăm dự án được triển khai trên địa bàn. Với những tiềm năng, lợi thế đang được đánh thức, công tác thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục hứa hẹn có nhiều bứt phá trong thời gian tới.
Tăng mạnh số lượng dự án
Dự án đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE (xã Thành An, thị xã An Khê) có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng với công suất 1.000 tấn/ngày do Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi làm chủ đầu tư vừa hoàn thành đi vào hoạt động. Theo ông Võ Thành Đàng-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi: “Sản phẩm đường tinh luyện RE được sản xuất từ dây chuyền này có chất lượng cao hơn đường bình thường và được sử dụng để sản xuất bánh kẹo hay chế biến nước ngọt. Khi dây chuyền đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng doanh thu và lợi nhuận cho Công ty. Bên cạnh đó, với việc mở rộng, nâng công suất Nhà máy Đường An Khê lên 18.000 tấn mía/ngày, Công ty sẽ tiêu thụ hết sản lượng mía nguyên liệu cho nông dân trong vùng, góp phần nâng cao giá trị cây mía, giúp bà con an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống”. 
Trang trại Bò sữa NutiMilk. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp
Trang trại Bò sữa NutiMilk. (Ảnh doanh nghiệp cung cấp)
Tại huyện Mang Yang, với lợi thế như: khí hậu mát mẻ, trong lành, nguồn nước tinh khiết chính là những điều kiện vô cùng thuận lợi để Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood quyết định tiếp nhận và tiếp tục đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa tại xã Đak Yă từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Theo đó, ngày 19-8, Trang trại Bò sữa NutiMilk của Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood chính thức ra mắt với quy mô trên 1.000 ha, nuôi hơn 7.000 con bò sữa.
Theo ông Trần Thanh Hải-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood, nhờ áp dụng khẩu phần ăn do Viện Nghiên cứu dinh dưỡng NutiFood tại Thụy Điển xây dựng cho giống bò, cộng với điều kiện thổ nhưỡng lý tưởng, sữa tươi được sản xuất tại Trang trại NutiMilk có chất lượng tốt đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện NutiMilk đã có tiêu chuẩn VietGAP và đang tiến hành làm GlobalGAP.
Điện mặt trời Krông Pa. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp
Thi công dự án điện mặt trời tại huyện Krông Pa. (Ảnh doanh nghiệp cung cấp)
Phát triển năng lượng tái tạo vẫn luôn là lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư bởi tiềm năng về nắng và gió vô cùng to lớn. Nhiều dự án thuộc lĩnh vực này đã đi vào hoạt động, như Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa có công suất 49 MW với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 70,23 ha đất đồi thuộc xã Chư Gu (huyện Krông Pa). Với 209.100 tấm pin năng lượng mặt trời có công suất 330Wp/tấm, Nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng 103 triệu kWh/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tương đương của khoảng 47.000 hộ dân, làm giảm phát thải CO2 khoảng 29.000 tấn/năm.
Hay dự án phong điện có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng tại huyện Chư Prông do Tập đoàn HBRE hợp tác với Tập đoàn Super Energy Corporation (Thái Lan) đầu tư dự kiến tháng 12-2020 hòa lưới 110 kV. Giai đoạn 2 của dự án cũng triển khai vào tháng 11-2021, có tổng công suất là 100 MW...
Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 231/515 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký là 66.500 tỷ đồng (hiện có 110 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng số vốn 12.000 tỷ đồng, 121 dự án còn lại đang triển khai các thủ tục cần thiết để tiến hành xây dựng); 108 dự án đang được các nhà đầu tư lập thủ tục với số vốn khoảng 50.928 tỷ đồng. 176 dự án còn lại thuộc lĩnh vực điện mặt trời, điện gió được các nhà đầu tư quan tâm đăng ký đầu tư với quy mô 24.313,5 MWp, dự kiến vốn đầu tư trên 715.497,5 tỷ đồng.
Đa dạng các lĩnh vực đầu tư
Nếu như giai đoạn 2011-2015 tỉnh chỉ có 104 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 23.948 tỷ đồng thì giai đoạn 2016-2020 có đến 515 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 832.925 tỷ đồng (số dự án tăng 5 lần và số vốn tăng 36 lần). Điều này là minh chứng rõ nét nhất cho những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đang từng bước được các nhà đầu tư có tầm nhìn “đánh thức”.
Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Công tác thu hút đầu tư của tỉnh trong những năm qua không chỉ tăng mạnh về số lượng dự án mà còn đa dạng các lĩnh vực đầu tư, từ nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến đến phát triển năng lượng tái tạo... Đó là nhờ vào những tiềm năng và thế mạnh sẵn có của tỉnh, cộng với nỗ lực cải cách hành chính, công khai minh bạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính ở các cơ quan công quyền đã tạo nên một môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, các nhà đầu tư ngày càng hài lòng khi thực hiện đầu tư tại Gia Lai”. 
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành (bìa phải) trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành (bìa phải) trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy
Thông qua các dự án đầu tư, tỉnh đã huy động được nguồn lực rất lớn góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội không ngừng phát triển. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tính riêng năm 2019 đạt 26.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,16%, kim ngạch xuất khẩu đạt 500 triệu USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 49,8 triệu đồng/năm, giảm 3% hộ nghèo. Với những kết quả đó, Gia Lai được coi là địa phương có sự phát triển nhanh và bền vững của khu vực.
Nói về công tác thu hút đầu tư thời gian tới, ông Hồ Phước Thành thông tin, tỉnh sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh còn dư địa lớn, như nông nghiệp công nghệ cao, mà cụ thể là các dự án trồng cây ăn quả trên diện tích đất trồng cao su, trồng mía không hiệu quả; các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản.
“Tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng. Chắc chắn với dư địa lớn, ngoài việc cung cấp các sản phẩm tiêu dùng cho thị trường Gia Lai thì các doanh nghiệp còn có cơ hội mở rộng thị trường sang các tỉnh lân cận, thậm chí thị trường các nước lân cận. Bên cạnh đó, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án dịch vụ logistics như cảng cạn, kho lạnh...”-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.