Hình ảnh những mái nhà tranh thưa thớt nằm lúp xúp nơi vùng biên giới huyện Đức Cơ (Gia Lai) ngày nào nay đã được thay thế bằng những căn nhà kiên cố khang trang, thậm trí đã có rất nhiều “ngôi biệt thự đắt tiền” của công nhân mọc lên nằm đan xen với màu xanh bạt ngàn cao su, hồ tiêu, cà phê… Sự trù phú của một vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có sự góp công đáng ghi nhận của những cán bộ, chiến sĩ công nhân viên Công ty Cao su 74 (Binh đoàn 15).
Anh bạn ngồi sau con “ngựa sắt” của tôi bỗng phân bua: “6 năm rồi mới quay lại vùng biên giới Tây Nguyên, cuộc sống của người dân nơi đây thay đổi nhiều quá”. Vâng! Chỉ mới có 6 năm mà bạn tôi đã cảm nhận sự phát triển nhanh đến chóng mặt ở vùng biên này, nhưng có lẽ để hiểu được hết ngọn ngành về cái “vì sao” ấy thì phải hỏi hàng trăm chiến sĩ Công ty Cao su 74.
Đóng gói mủ cao su. Ảnh: Đức Thụy |
Đại tá Trần Quang Hùng- Giám đốc Công ty Cao su 74 nhớ lại “Năm 1975 tôi được điều động vào địa bàn biên giới huyện Đức Cơ nhận nhiệm vụ. Khi ấy mình là lính binh nhì. Từ ngoài đường đất muốn vào được địa điểm (khu vực trụ sở Công ty bây giờ) phải đi mất hai ngày, dùng rựa phát lối mà đi. Ngày ấy, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây chỉ biết trồng cây lúa một vụ, đời sống luân canh, khốn khổ tứ bề. Qua những buổi giao lưu văn nghệ, đồng bào rất vui họ đã quen dần với chúng tôi. Ban ngày đi làm, tối đến anh em đơn vị đốt đuốc đi vận động bà con vào làm cao su. Đắp đập lấy nước tưới họ không cho, xây trường học họ cũng phản đối, lũ trẻ cũng không được đến trường vì họ cho rằng: “Lâu nay đói cái bụng thì mới chết chứ đói cái chữ thì chưa thấy ai chết cả?!”. Miệng nói, tay hướng dẫn họ làm. Miết rồi họ cũng quen. Tình cảm của người dân tộc thiểu số đối với chúng tôi thật chân chất và rất sâu sắc, đã để lại nhiều kỷ niệm thật đẹp”.
Muốn thay đổi tập quán, trình độ sản xuất lạc hậu, manh mún của những người dân tộc thiểu số Jrai nơi đây quả là không hề đơn giản, không thể giải quyết trong ngày một ngày hai được mà đó là cả một “quá trình”. Bắt đầu từ thay đổi cách sống, xây dựng niềm tin rồi đến cải thiện dần cách nghĩ, cách làm, cách quản lý… Kiên trì, cần mẫn, nhiệt tình, lo toan, không ngại khó khăn, làm gương, thậm chí nhiều khi phải động viên họ đi làm đều, ổn định. Và cái gốc của vấn đề xuất phát từ vấn đề kinh tế, làm cho họ hiểu được âm mưu thâm độc của kẻ thù để họ yên tâm sản xuất. Nhiều gương điển hình như Rơ Mah Byên- công nhân Đội 7A (làng Sung Tung, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã thực hiện vượt 150% kế hoạch trong năm 2009. Mà khi năng suất lao động cao thì thu nhập cũng tăng lên với mức lương bình quân trên 5 triệu đồng/tháng. Đội 7A có 252 công nhân (100% là người dân tộc thiểu số), người thấp nhất cũng đạt 3 triệu đồng/người/tháng. Hay như công nhân Rơ Mah Tuyn ngoài thu nhập làm công nhân, hàng năm gia đình còn có nguồn thu từ 250 trụ hồ tiêu, 2 ha cao su… ; Rcom Ngak cũng làm công nhân, ngoài ra còn trồng được 1,5 ha cao su tiểu điền, 2 ha điều đang cho thu hoạch… thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.
Chị Dương Thị Tình-Bí thư Đoàn cơ sở Công ty vui vẻ: “Trình độ chuyên môn tăng, kinh tế gia đình phát triển, họ hăng say tham gia các phong trào do Đoàn phát động. Đến nay đã thu hút 215/635 đoàn viên là người dân tộc thiểu số”. Cầm bảng lương của Đội sản xuất số 11 trên tay, anh Hoàng Văn Tứ- Đội trưởng phấn khởi: “Tôi đã có mặt tại đây cách nay hơn 30 năm. Ngày xưa nhớ nhà muốn về thăm quê thì phải cuốc bộ hơn 30 km đường rừng ra đón xe. Mất mấy ngày mới ra Bắc thăm nhà được. Bây giờ đường xá phẳng lỳ, điện kéo vào tận nhà, 100% công nhân có ti vi, xe máy. Năm nay lương của công nhân người dân tộc thiểu số cao lắm. Có hộ người dân tộc thiểu số có mức thu 11,5 triệu đồng/tháng. Trung bình đạt 6-7 triệu đồng/hộ/tháng.
Đã 35 mùa xuân về “cắm làng”, làng đã thay đổi quá nhiều. Cuộc sống người dân vùng biên nơi đây ngày càng ấm no, ổn định, phát triển đi lên. Những đổi thay ấy có sự góp phần của những người “lính” Công ty 74 góp sức, chung tay xây dựng một vùng biên ấm no, giàu đẹp.
Văn Thư- Vũ Năm