(GLO)- Tuy không phải là địa bàn tập trung các đầu mối lớn về sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng cấm và hàng nhập lậu, song vị trí địa lý của Gia Lai cũng khá thuận lợi để các đối tượng đầu nậu lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, thời gian qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại luôn được các ngành chức năng dành nhiều sự quan tâm.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Với đặc điểm địa bàn có 2 tuyến quốc lộ 14 và 19 đi qua, cộng thêm Cảng Hàng không Pleiku và Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nên các đối tượng đầu nậu đã lợi dụng để vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu vào tiêu thụ tại địa bàn tỉnh hoặc vận chuyển đi các địa phương khác tiêu thụ theo tuyến Bắc-Nam và ngược lại cũng như tuyến từ Campuchia về Việt Nam. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là gỗ, động vật hoang dã, thuốc lá, nước giải khát…
Mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực tăng cường kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý vi phạm nhưng các hành vi gian lận thương mại và các hành vi vi phạm khác về nhãn, điều kiện kinh doanh, đăng ký kinh doanh, an toàn thực phẩm… vẫn còn tiếp diễn. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý Thị trường đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra và xử lý 626 vụ. Trong đó, vi phạm về buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu 17 vụ; gian lận thương mại 3 vụ; nhãn hiệu hàng hóa 3 vụ; nguồn gốc xuất xứ 1 vụ; vi phạm trong kinh doanh 592 vụ; vệ sinh an toàn thực phẩm 10 vụ. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước là hơn 1,8 tỷ đồng.
Riêng ngành Hải quan, qua công tác kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện 36 vụ vi phạm (tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2013). Trong đó, buôn lậu và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới 4 vụ (giảm 3 vụ so với cùng kỳ năm 2013); vi phạm ngoài lĩnh vực thuế 32 vụ (tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm 2013). Ngành đã xử phạt hành chính và nộp ngân sách nhà nước hơn 188 triệu đồng, tịch thu 38,5 kg pháo nổ, pháo hoa các loại, 11 thanh dao, kiếm các loại và 1 chiếc roi điện TW-09.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng-chống buôn lậu, gian lận thương mại còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt so với yêu cầu đề ra. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai công tác này chưa thật chặt chẽ và đồng bộ; lực lượng quản lý thị trường phụ trách địa bàn khá mỏng…
Trăn trở về hàng giả, kém chất lượng
Vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… đã được nhiều đại biểu đem ra bàn luận tại kỳ họp thứ 7-HĐND tỉnh khóa X diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16-7 vừa qua. Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ, ông Nguyễn Văn Thắng-Phó ban Nội chính Tỉnh ủy (đại biểu HĐND tỉnh đơn vị thị xã An Khê)-trăn trở: “Tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn vào tỉnh ta hiện nay khá nhiều, dân mua gì, ăn gì cũng chẳng an tâm. Vậy công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát của các ngành chức năng rõ ràng là vẫn còn thiếu nghiêm ngặt!”.
Một vấn đề nữa thuộc lĩnh vực vật tư nông nghiệp khiến dư luận bức xúc trong thời gian gần đây, đó là tình trạng phân bón giả, kém chất lượng xuất hiện trên thị trường. “Việc quản lý vật tư nông nghiệp, giống trên địa bàn tỉnh ta còn yếu kém. Thời gian gần đây vấn đề phân bón giả, kém chất lượng được các phương tiện truyền thông đại chúng nêu nhưng các cơ quan chức năng không nắm được, gây thiệt hại thường xuyên và liên tục cho người dân. Đề nghị các cơ quan chức năng có các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này”- ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, bày tỏ quan điểm.
Lý giải về những khó khăn trong quản lý phân bón, ông Huỳnh Ngọc Tục-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Về quản lý nhà nước, theo Nghị định 202/2013 ngày 27-11-2013 (có hiệu lực từ ngày 1-2-2014), quản lý sản xuất, kinh doanh và chất lượng phân bón vô cơ thuộc trách nhiệm của ngành Công Thương; quản lý sản xuất, kinh doanh và chất lượng phân bón hữu cơ và phân bón khác thuộc trách nhiệm của ngành Nông nghiệp và PTNT. Tuy nhiên cho đến nay chưa có một Thông tư hướng dẫn chi tiết nào về các tiêu chuẩn kỹ thuật của phân bón vô cơ cũng như điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phân bón, kiểm nghiệm phân bón… Mặt khác, tại Nghị định 163/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp thì lực lượng Quản lý Thị trường không có thẩm quyền xử phạt; hơn nữa cũng không quy định chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm về kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng, kém chất lượng. Tuy vậy, thời gian qua, lực lượng Quản lý Thị trường cũng đã phối hợp với các ngành chức năng, tiến hành kiểm tra đồng loạt 103 cơ sở kinh doanh phân bón trên toàn tỉnh và phát hiện 32 cơ sở vi phạm, phạt tiền trên 80 triệu đồng.
Cũng theo ông Tục, để tăng cường quản lý chất lượng phân bón, Sở Công thương sẽ đề nghị UBND tỉnh ban hành Chỉ thị theo hướng yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón phải tuân thủ các điều kiện theo Nghị định 202/2013; đồng thời nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh phân bón giả, phân bón đã cấm sử dụng, phân bón không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, không có nguồn gốc rõ ràng…
Hồng Thi