Du lịch từ góc nhìn của người mê khám phá - Kỳ 1: Du lịch... cây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, du lịch đã được nhiều địa phương trên cả nước xem là ngành kinh tế mũi nhọn đem lại nguồn thu nhập cho cộng đồng và ngân sách nhà nước.

Hơn thế, ngành này còn giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động trong các ngành dịch vụ “ăn theo”, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội; quảng bá và lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Trên bìa ấn phẩm Tết Giáp Thìn 2024, Báo Gia Lai sử dụng ảnh cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ)-Cây di sản Việt Nam cùng cô gái Bahnar xinh đẹp. Trang bìa báo xuân đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc. Nhiều người nhìn ảnh bìa lại muốn được một lần đến nơi này để tham quan và tận mắt, tận tay nhìn và sờ cây đa di sản.

Mong có nhiều cây... du lịch

Ngày 29-11-2016, người dân làng Ghè tràn ngập niềm hân hoan khai hội “ăn mừng” khi cây đa trăm tuổi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là “Cây di sản Việt Nam”. Được công nhận là cây di sản, niềm vui mừng, phấn khởi của người làng Ghè là đương nhiên. Vậy còn với những người làm du lịch của tỉnh nhà thì sao?

Cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) là điểm tham quan thú vị của nhiều người dân và du khách. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) là điểm tham quan thú vị của nhiều người dân và du khách. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Người viết bài này tin rằng, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, xứ sở của rừng, của cây, nếu tận tâm và yêu cây, chắc chắn ngành chức năng sẽ còn tìm ra nhiều cây di sản. Mới đây, một lần nữa tôi về thăm thôn Cửu Đạo (xã Tú An, thị xã An Khê), cây sộp năm xưa vẫn sừng sững tỏa bóng.

Theo ông của tôi kể lại: Những năm 50 của thế kỷ trước, khi ông còn nhỏ, cây sộp đã to rồi. Nếu tính từ đời ông cố tôi tới nay cũng đã 4 đời người cây sộp tồn tại. Trải qua bao thăng trầm, dâu bể, cây sộp vẫn hiên ngang đứng đó với bao câu chuyện huyền bí truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Phía bên kia là cánh đồng hoa màu của người dân, là hòn Bùn sừng sững. Ở đó cũng để lại trong dân gian những câu chuyện khó mà lý giải được, vì thế mà cây, đá trên hòn Bùn trải qua bao đời vẫn tồn tại.

Giá mà cây, mà núi ở nơi ấy được các nhà chức trách để mắt tới, có những nghiên cứu khoa học nghiêm túc, khách quan, tôn trọng lịch sử của nó thì có lẽ những nơi này sẽ ngày càng thu hút thêm nhiều người muốn tham quan tìm hiểu, trải nghiệm.

Ngay trong lòng TP. Pleiku, chắc chắn còn đang tồn tại hàng trăm loài cây từ rừng tự nhiên còn sót lại, cùng với nó là cây được di thực trồng trong đường phố từ thời khai sinh lập địa của nhiều thế hệ.

Người viết bài này từng đề xuất rằng, cũng như con người, cây cũng cần có sơ yếu lý lịch, chứ không chỉ có cái tên. Gọi là “hàng thông trăm tuổi” ở Biển Hồ trà, nhưng người đến đây cũng chỉ nhìn và thấy vậy, chứ còn muốn hiểu biết về “trăm tuổi” của cây thì chịu. Nhân đây, cũng nói thêm rằng, ngày nay, cũng có thể trồng, tạo ra những vườn cây, đồi cây, hàng cây có quy hoạch, tạo không gian xanh, góp phần cải thiện môi trường và phục vụ du lịch... cây trong tương lai.

Du lịch... cây, không chỉ có nhìn cây, cây gắn liền với lịch sử văn hóa, chính trị. Như cây trắc trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết được Ban Liên lạc những người kháng chiến tỉnh di thực từ Kbang về trồng đã khá lâu, cây phát triển tốt, được Ban Quản lý Quảng trường chăm sóc cẩn thận.

Chúng tôi được biết, nhiều lần, Ban Liên lạc những người kháng chiến tỉnh đề nghị cơ quan chức năng cần có một cuộc hội thảo để có tư liệu chính thống cho những ai có nhu cầu tìm hiểu về nguồn lịch sử của cây và cho đời sau.

Đấy là cây trắc mọc lên từ gốc của một trong hàng trăm cây trắc mẹ đã được quân và dân xã Krong (huyện Kbang) khai thác, vận chuyển ra Hà Nội, góp phần xây dựng Lăng Bác hồi năm 1974.

Chuyện lịch sử chính trị ấy liệu có mấy người trong chúng ta ngày nay đã biết, nếu cây không có lý lịch, trong khi, những người trong cuộc khi đó giờ chỉ còn rất ít và sự nhớ quên bởi tuổi già của họ đã thường trực.

Di tích lịch sử về... cây

Chúng tôi được biết, ở rừng Kbang còn có hàng trăm cây giáng hương có đường kính trên 1 m, được ngành Kiểm lâm quản lý bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng thỉnh thoảng lâm tặc cũng ghé thăm. Không khó đối với khoa học ngày nay khi xác định tuổi của cây để có cách bảo vệ và biến nó thành... cây du lịch.

Đặc biệt, ở Kbang còn có một di tích lịch sử về... cây: Vườn mít cô Hầu (Yă Đố) được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1991.

Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê) nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Minh

Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê) nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Minh

Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo bao gồm 6 cụm di tích nằm ở thị xã An Khê và các huyện: Kbang, Kông Chro, Đak Pơ. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xếp hạng Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt, trong đó bổ sung 3 cụm di tích nữa là Gò Đồi-Gò Trại-Vườn lính-Mễ kho; cụm núi Hoàng Đế; cụm đình Cửu An-dinh Bà (thị xã An Khê).

Cần điểm qua vài nét về Vườn mít cô Hầu. Tuy trong chính sử mà chúng tôi tìm hiểu, người ta nhắc đến công trạng Yă Đố còn khá mờ nhạt; chỉ biết bà là người vợ thứ của Nguyễn Nhạc, thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đã giúp đỡ nghĩa quân buổi ban đầu nhiều voi, ngựa và lương thảo.

Nhưng đến khi Nguyễn Nhạc xưng đế, phong trào Tây Sơn lớn mạnh, chinh Nam phạt Bắc thì hình ảnh của Yă Đố không còn xuất hiện. Nhưng người dân Bahnar trong vùng rất công bằng đối với những ai có công với nước, họ luôn tôn vinh và gìn giữ ký ức tốt đẹp của người phụ nữ Bahnar ấy, trong các lễ cúng của làng, lời khấn thần linh luôn có tên của Yă Đố là điều chứng minh cho ý kiến nói trên.

Trong vai trò là người buôn trầu, người đời bấy giờ vẫn gọi Nguyễn Nhạc là Hai Trầu, ông đã giao lưu rộng rãi với các bộ tộc miền núi và đem lòng mến thương người con gái tù trưởng Bahnar giàu có ở Đê H'Mâu có tên Yă Đố.

Vườn mít xưa giờ còn lại khoảng 30 cây nằm rải rác, xen kẽ với các loài cây khác trong khu rừng già nhiều cổ thụ, có gốc 2-3 người ôm không xuể, da xù xì, u sần nhưng vẫn còn khả năng cho quả hàng năm, có nghĩa là sức sống di truyền của cây còn tốt, có khả năng cho chúng ta nhân giống, có thể làm dịch vụ... kinh tế, thương mại.

Người dân thỉnh thoảng đến mùa vẫn hái mít chín trong rừng. Như vậy, vườn mít của Yă Đố xứng đáng được xác lập, công nhận vườn cây di sản lắm chứ! Và khi đó, cùng với Quần thể di tích lịch sử đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, nơi này sẽ là điểm du lịch... cây.

Có thể bạn quan tâm

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Vùng đất Bình Châu (Bình Sơn) được ví như viên ngọc bên bờ Biển Đông. Nơi đây không chỉ có cảnh đẹp, mà còn sở hữu nhiều di sản lịch sử - văn hóa, địa chất, địa mạo độc đáo.

Khách tây 'mê' tết ta

Khách tây 'mê' tết ta

Không chỉ người Việt nôn nao, rất nhiều doanh nhân, du khách, sinh viên nước ngoài cũng bị quyến rũ bởi không khí tết cổ truyền của VN đang đến từng ngày.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.