Du lịch Ninh Bình đa dạng hóa tour, tuyến để 'níu chân' du khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngành Du lịch Ninh Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ, lượng khách tham quan và doanh thu từ du lịch đều tăng. Cùng với việc nâng cao chất lượng các dịch vụ đi kèm, ngành Du lịch Ninh Bình đang nỗ lực nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch để
Du khách thăm quan tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham (Hoa Lư, Ninh Bình). Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Du khách thăm quan tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham (Hoa Lư, Ninh Bình). Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Nhiều tour, tuyến mới

Đầu năm 2023, UBND huyện Gia Viễn giới thiệu tour du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa địa phương chủ đề "Tìm về cội nguồn". Tour du lịch này gồm 2 tuyến. Trong đó, tuyến số 1 chủ đề "Theo dấu chân Vua Đinh Tiên Hoàng" sẽ đưa du khách tham quan tại các điểm di tích: Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng - lăng Phát Tích, chùa Kỳ Lân - động Hoa Lư. Tuyến 2 chủ đề "Tìm về cội nguồn Đức Thánh Nguyễn", du khách sẽ tham quan tại di tích đền Thánh Nguyễn và trải nghiệm hoạt động sản xuất dược liệu tại Hợp tác xã Sinh Dược, xã Gia Sinh.

Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết, địa phương có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: Đầm Vân Long - Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ; chùa Địch Lộng với danh xưng Nam thiên đệ tam động; chùa Bái Đính - quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam; Kênh Gà - một trong top 5 suối nước khoáng nóng lộ thiên đẹp nhất Việt Nam. Cùng với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, địa chất địa mạo và chiều sâu văn hóa, huyện Gia Viễn còn là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, được coi là vùng đất "sinh vương sinh thánh", nơi đã sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng - vị vua đầu tiên trong lịch sử phong kiến của dân tộc gắn sự kiện lịch sử oai hùng, trọng đại của đất nước. Đây là nơi ghi đậm dấu ấn của tứ trụ triều đình nhà Đinh: Định Quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Thái sư Lưu Cơ và Thượng thư Trịnh Tú.

Bên cạnh đó, Gia Viễn là quê hương của Thiền sư Nguyễn Minh Không - người có nhiều công lao to lớn với dân, với nước. Ông đã chữa khỏi bệnh cho nhà vua và được phong làm Quốc sư - vị cao tăng đứng đầu tổ chức Phật giáo của triều đại nhà Lý trong lịch sử, được nhân dân tôn sùng là Đức Thánh Nguyễn. Các giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên luôn được các thế hệ gìn giữ, lưu truyền, tôn tạo, hiện hữu trong đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Gia Viễn, trở thành nguồn lực vô giá. Tour du lịch trải nghiệm là chuỗi hoạt động phát triển du lịch của huyện trong những năm tới, hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên nhằm giáo dục thế hệ trẻ về giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của quê hương, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững.

Hiện nay, Ninh Bình đang khảo sát, nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch mới, thí điểm để khách du lịch trải nghiệm tuyến xe buýt 2 tầng tham quan thành phố Ninh Bình và một số khu, điểm du lịch trong tỉnh. Tuyến xe buýt 2 tầng với lịch trình xuất phát từ phố cổ Hoa Lư, thành phố Ninh Bình đưa du khách qua cung đường thành phố Ninh Bình, đến các điểm du lịch nổi tiếng tại địa phương như Tam Cốc, Tràng An, chùa Bái Đính với thời gian khoảng 1 giờ 30 phút.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, việc khảo sát đưa tuyến xe buýt 2 tầng phục vụ khách du lịch nhằm đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, đặc biệt là tạo thêm sản phẩm du lịch mới để giúp du khách có thêm thời gian trải nghiệm tại địa phương.

Phấn đấu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, hiện nay, mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo thêm nhiều sản phẩm mới mang nét đặc trưng riêng có của vùng đất Cố đô Hoa Lư đang là một trong những chiến lược phát triển của du lịch địa phương trong những năm tiếp theo. Năm 2023, du lịch Ninh Bình phấn đấu đón 4,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 200.000 lượt. Khách lưu trú qua đêm đạt 865.000 lượt. Doanh thu du lịch đạt 4.365 tỷ đồng.

Theo thống kê của ngành Du lịch, hiện toàn tỉnh có 1.821 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 81 di tích cấp quốc gia (3 di tích cấp quốc gia đặc biệt), 301 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ năm 2014 đã có những tác động trực tiếp đến phát triển du lịch của tỉnh. Những tài nguyên này là tiền đề để ngành du lịch từng bước đầu tư khai thác, phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, bước đầu đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, trên cơ sở các tiềm năng du lịch của tỉnh, ngành Du lịch đã xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch chủ yếu gồm: Du lịch sinh thái tập trung vào các khu hang động Tràng An, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Vườn Quốc gia Cúc Phương.... Du lịch Văn hóa tập trung ở Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, các di tích lịch sử văn hóa thời Đinh, Lê, Nhà thờ đá Phát Diệm... Du lịch tâm linh tập trung ở chùa Bái Đính, đền Dâu, đền Quán Cháo...; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao như chơi golf, leo núi; du lịch kết hợp hội thảo.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị kinh doanh du lịch nghiên cứu, xây dựng, đưa vào khai thác một số tuyến, điểm và sản phẩm du lịch mới như mở thêm tuyến 2, tuyến 3 Khu du lịch sinh thái Tràng An, điểm du lịch Tuyệt Tịnh Cốc; xây dựng khu du lịch Tam Cốc - Bích Động trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và an toàn; du lịch làng nghề truyền thống. Ngoài ra, Sở Du lịch đang khảo sát xây dựng và phát triển mô hình du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn tại làng hoa Ninh Phúc, cánh đồng dứa Đồng Giao, nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc...

Ngành Du lịch phối hợp với các ngành liên quan tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề truyền thống, đẩy mạnh phát triển du lịch kết hợp hội thảo, du lịch thể thao; bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An để tạo ra sản phẩm đặc thù, hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao.

Với mục tiêu nâng cao tỷ trọng đóng góp của ngành Du lịch trong GRDP của tỉnh, định hướng đến năm 2025, du lịch Ninh Bình cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho người dân, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và du lịch Ninh Bình trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước, thời gian tới, bên cạnh đa dạng hóa sản phẩm du lịch, ngành Du lịch đẩy mạnh nâng cấp cơ sở vật chất, cơ sở dịch vụ ở các khu, điểm du lịch. Bên cạnh đó, ngành Du lịch tiếp tục làm mới sản phẩm, trong đó chú trọng khai thác giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất địa linh nhân kiệt. Ngành xác định, đây là một trong những chiến lược trọng tâm, chuyển từ hướng phát triển chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng tiêu chí chất lượng, phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước.

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.