Du lịch Nam Bộ: Kỳ vọng đà phục hồi với những mô hình linh hoạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao; đa dạng hóa các loại hình du lịch trải nghiệm; Kiên Giang tiếp tục khai thác các điểm đến độc đáo, hấp dẫn để thu hút du khách.

Không gian nghỉ dưỡng cao cấp ở Bãi Dài, xã Gành Dầu, thành phố Phú Quốc. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Không gian nghỉ dưỡng cao cấp ở Bãi Dài, xã Gành Dầu, thành phố Phú Quốc. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Năm 2021 là khoảng thời gian khó khăn chưa từng có đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Nam Bộ nói riêng.
Một số địa phương là trọng điểm du lịch của vùng và cả nước đã trở thành “điểm nóng” của dịch COVID-19, phải thực hiện giãn cách kéo dài.
Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, thích ứng với trạng thái bình thường mới, phục hồi kinh tế-xã hội gắn với kiểm soát dịch, các địa phương triển khai nhiều giải pháp để tạo đà phục hồi cho ngành “công nghiệp không khói” và từng bước phát triển trở lại trong năm mới 2022.
Nỗ lực "phá băng"
Đề cập về du lịch Nam Bộ trong năm 2021, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ cho rằng du lịch phương Nam quanh năm ấm áp, không có mùa Đông, có lợi thế thu hút khách suốt bốn mùa nhưng giờ đây đang phải nỗ lực "phá băng" bởi những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố hầu như “tê liệt” từ cuối quý 2 và cả quý 3 năm 2021.
Thời điểm cuối tháng Chín, đầu tháng Mười, với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, từng bước phục hồi kinh tế-xã hội gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, du lịch là một trong những lĩnh vực sớm được Thành phố Hồ Chí Minh khởi động trở lại với một số tour du lịch ngắn dành cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch, tham quan vùng xanh Cần Giờ, Củ Chi.
Tiếp đó, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động khảo sát, kết nối, phát triển tuyến, điểm an toàn với các tỉnh, thành như Tây Ninh, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, các tỉnh vùng Tây Bắc như Điện Biên, Hà Giang.

Khách quốc tế Hàn Quốc tham quan Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl Safari Phú Quốc ngày 21/11/2021. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Khách quốc tế Hàn Quốc tham quan Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl Safari Phú Quốc ngày 21/11/2021. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Nhiều doanh nghiệp du lịch đã sớm đưa du khách tới các điểm đến đảm bảo các tiêu chí an toàn kiểm soát dịch bệnh tại các tỉnh Hà Giang, Bến Tre, Long An, Phú Quốc (Kiên Giang).
Ngoài ra, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang tổ chức cuộc vận động hiến kế khôi phục du lịch thành phố; trong đó chú trọng các nội dung hướng đến là giải pháp để hồi phục, cơ chế chính sách phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch và quảng bá hình ảnh du lịch Thành phố Hồ Chí Minh an toàn, hấp dẫn, đa dạng về văn hóa, thân thiện và cởi mở trong lối sống với nhịp sống sôi động và hiện đại.
Cùng thuộc khu vực Đông Nam Bộ, từ giữa tháng Mười, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cho phép một số cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng thí điểm đón khách đến tham quan nghỉ dưỡng theo mô hình khép kín, đánh dấu bước trở lại của ngành du lịch ở một địa phương trọng điểm về du lịch của cả nước, có nhiều thế mạnh về du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dự án Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, trong ngày đầu mở cửa trở lại, doanh nghiệp chỉ đón chưa đến 10 du khách nhưng việc tái khởi động, đón khách trở lại là rất cần thiết để dần phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Mới đây nhất, ngày 17/12, doanh nghiệp này đã tiếp tục khánh thành tòa tháp khách sạn thứ 2 với các phòng tiện nghi, đẳng cấp, đầy đủ tiện ích khép kín, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị) cho du khách khi đến Bà Rịa-Vũng Tàu.
Với tỉnh Kiên Giang - địa phương thuộc khu vực Tây Nam Bộ, ước tính năm 2021 toàn tỉnh đón khoảng 3,13 triệu lượt du khách, giảm gần 42% so với năm 2020.
Những tháng cuối năm, cùng với nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19, các hoạt động khôi phục du lịch đang được triển khai. Trong đó, bên cạnh việc đón du khách nội địa trở lại, đáng chú ý là sự kiện đón, phục vụ thành công hơn 200 du khách Hàn Quốc đến du lịch tại thành phố Phú Quốc theo chương trình du lịch trọn gói, sử dụng “hộ chiếu vaccine” vào dịp cuối tháng 11, đang tạo đà cho những bước phục hồi tiếp theo của du lịch ”Đảo Ngọc” - một trong những điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Phục hồi và phát triển
Bên cạnh các biện pháp mang tính cấp bách để khởi động, tạo đà phục hồi du lịch, tùy theo tình hình cụ thể, từng địa phương cũng đề ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược, góp phần phục hồi và phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới.
Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tên cơ sở tài nguyên du lịch đa dạng, năm 2022 thành phố tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch theo hướng mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách, chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn và sản phẩm du lịch chủ lực mang thương hiệu của thành phố, nâng chất để mỗi sự kiện sẽ là một sản phẩm quảng bá và thu hút du khách, tăng độ dài lưu trú, tăng mức chi tiêu bình quân của du khách và tăng tỷ lệ du khách quay trở lại thành phố.

Khu phức hợp The Grand Ho Tram Strip. Ảnh: TTXVN phát
Khu phức hợp The Grand Ho Tram Strip. Ảnh: TTXVN phát
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết tỉnh đang tập trung triển khai việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, các nội dung về quy hoạch du lịch sẽ được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch hệ thống du lịch thời gian tới tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành du lịch trên cơ sở khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong tương lai.
Bà Rịa-Vũng Tàu định hướng phát triển nhanh ngành du lịch theo hướng bền vững, chất lượng cao, đưa du lịch là một trong bốn trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh.
Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng, củng cố thương hiệu du lịch; đa dạng hóa các loại hình du lịch trải nghiệm, mời gọi đầu tư cảng tàu khách du lịch quốc tế; phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp thuộc các loại hình như du lịch nghỉ dưỡng; du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử-tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe, du lịch thể thao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin.
Trong khi đó, Kiên Giang là địa phương có nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn như thành phố biển đảo Phú Quốc được ví tựa “viên ngọc” trên vùng biển Tây Nam đất nước, quần đảo Nam Du như “Hạ Long ở phương Nam” hay thành phố Hà Tiên như địa hình đất nước Việt Nam thu nhỏ, bởi có cả đồng bằng, sông, biển, đầm, hồ, hang, động và núi đồi.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh, năm 2022, tỉnh Kiên Giang xác định lấy nông nghiệp là nền tảng, phát triển dịch vụ du lịch là bứt phá, thúc đẩy công nghiệp xây dựng để góp phần đảm bảo tăng trưởng.
Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, đối với lĩnh vực du lịch, tỉnh tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá thương hiệu du lịch Kiên Giang là điểm đến văn minh, sạch đẹp, an toàn và thân thiện.
Tỉnh tăng cường liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phát triển sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch.
Tỉnh cũng tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới để phục hồi và phát triển du lịch. Kiên Giang phấn đấu năm 2022, đón khoảng 5,6 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch.
Năm 2021 sắp kết thúc, thích ứng với trạng thái “bình thường mới,” trong bối cảnh dịch COVID-19 ở một số nơi trong nước cũng như trên thế giới vẫn còn diễn biến khó lường, với việc nỗ lực vượt khó, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng linh hoạt, đảm bảo an toàn, phù hợp thị hiếu du khách, du lịch các địa phương khu vực Nam Bộ kỳ vọng sẽ có bước phục hồi rõ nét trong năm 2022.
Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Vùng đất Bình Châu (Bình Sơn) được ví như viên ngọc bên bờ Biển Đông. Nơi đây không chỉ có cảnh đẹp, mà còn sở hữu nhiều di sản lịch sử - văn hóa, địa chất, địa mạo độc đáo.

Khách tây 'mê' tết ta

Khách tây 'mê' tết ta

Không chỉ người Việt nôn nao, rất nhiều doanh nhân, du khách, sinh viên nước ngoài cũng bị quyến rũ bởi không khí tết cổ truyền của VN đang đến từng ngày.

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.