Du lịch làng nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước xu thế phát triển chung của ngành công nghiệp không khói, ở Tây Nguyên mấy năm gần đây đã nổi lên một số buôn làng làm du lịch dựa trên cơ sở cảnh quan và đời sống văn hóa dân tộc bản địa sẵn có, hầu như chưa có sự đầu tư chuyên ngành để tôn tạo thêm, quảng bá rộng rãi hơn sản phẩm du lịch của địa phương.

Ở các tỉnh miền Tây Nam bộ thì khác. Những năm qua các tỉnh này đã biết đầu tư xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch tại địa phương, đặc biệt là khuyến khích các gia đình, các doanh nghiệp tư nhân làm du lịch, tạo nên phong trào xã hội hóa về du lịch, mang lại nhiều thành công, góp phần nâng cao đời sống cho người dân đồng thời quảng bá được hình ảnh đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của cư dân trong vùng ra các tỉnh thành trong nước và cả quốc tế.

 

Đờn ca tài tử tại Cồn Thới Sơn. Ảnh: T.P
Đờn ca tài tử tại Cồn Thới Sơn. Ảnh: T.P

Dựa trên đặc điểm của toàn vùng là hệ thống sông rạch chằng chịt và phương tiện đi lại chủ yếu bằng xuồng, ghe, đồng thời là xứ sở của các loại cây ăn quả nổi tiếng, các tỉnh miền Tây đã liên kết chặt chẽ với các công ty du lịch ở các thành phố lớn trong nước như TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, Đà Nẵng... để đưa du khách đến thưởng ngoạn phong cảnh trong vùng và tìm hiểu đời sống văn hóa đặc sắc của người miền Tây. Không những thế, ngay cả khối cơ quan nhà nước mỗi khi có các đoàn khách ghé thăm, họ cũng biết tranh thủ đưa khách đến tham quan các danh thắng, các làng nghề truyền thống qua đó giới thiệu cho bạn bè gần xa hiểu biết thêm về tiềm năng du lịch của địa phương.

Một trong những địa chỉ gây chú ý cho chúng tôi khi tiếp cận với miền Tây Nam bộ trong chuyến tham quan gần đây là làng nghề làm piza, hủ tiếu ở thành phố Cần Thơ: cơ sở Sáu Hoài ở gần cầu Rau Răm, phường An Bình, quận Ninh Kiều. Dựa trên nguyên liệu sẵn có ở địa phương, Sáu Hoài đã “biến tấu” hủ tiếu thành món piza nổi tiếng ở các nước Âu Mỹ: sợi hủ tiếu chiên xong cho vào dĩa, rắc lên một ít rau thơm và sau đó là thịt khìa hoặc chả chiên, sau cùng rưới nước cốt dừa lên và cho thêm vào đậu phộng rang giã giập giập ăn kèm với nước mắm chua cay hoặc tương cay. Vị mặn mặn, beo béo, chua chua, cay cay của món ăn khá lạ lẫm này làm thực khách ăn đến căng bụng!

Không chỉ vậy, tại đây du khách có thể tận mắt quan sát các công đoạn làm hủ tiếu truyền thống từ khâu xay bột, tráng bánh, phơi khô, cắt sợi, đóng gói thành phẩm. Riêng công đoạn cắt sợi, khách có thể được chủ nhân hướng dẫn để làm từ máy cắt tại chỗ. Đồng thời du khách còn có thể tham quan vườn cây ăn trái, uống nước dừa xiêm và tất nhiên sau khi thưởng thức xong món piza hủ tiếu không thể không mua về làm quà cho người thân. Một điều thích thú nữa là nếu du khách đến đây vào mùa nước nổi, khi vào cơ sở Sáu Hoài thì đường đi khô ráo nhưng ra về phải lội lõm bõm vì nước đã lên.

Điểm du lịch thứ hai tạo được sự chú ý của chúng tôi là làng nghề trên cồn Thới Sơn, Mỹ Tho, Tiền Giang. Cồn Thới Sơn còn gọi là Cồn Lân, đây là cồn lớn nhất trong 4 cồn trên sông Mỹ Tho (một đoạn của sông Tiền), dân cư trên cồn sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng cây ăn quả, nuôi ong, đánh bắt và nuôi thủy sản. Đây cũng có thể coi như một điểm tham quan du lịch đại diện cho cả miền Tây Nam bộ với các loại hình miệt vườn: trái cây, làng nghề thủ công, sinh hoạt đờn ca tài tử.

Sau khi rời thuyền, đặt chân lên đất cồn du khách đã có thể ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng của hoa nhãn và sa pô chê trong các khu vườn mát rượi tỏa ra. Con đường bê tông nhỏ quanh co đưa ta đến một cơ sở du lịch, tại đây du khách được thưởng thức sản phẩm trà pha mật ong Thới Sơn (đàn ong ở đây chủ yếu lấy mật từ hoa nhãn trong các vườn), sữa ong chúa. Rồi cũng đi trên con đường bê tông men theo con mương nhỏ, qua các sạp hàng bày bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ chế biến từ dừa, du khách đến cơ sở làm kẹo dừa thủ công, tận mắt theo dõi quy trình làm kẹo dừa qua các công đoạn: lột vỏ dừa, bào cơm, cho vào máy ép, lấy nước cốt, trộn với mạch nha, sên kẹo, phối mùi và màu, cho kẹo lên khuôn rồi làm khô, cắt và đóng thành phẩm.

Rồi không thể lưu luyến mãi với mùi vị hấp dẫn của kẹo dừa, âm thanh du dương của tiếng nhạc vọng ra từ một ngôi nhà gần đó thúc giục bước chân du khách đến gần. Một nhóm khoảng 6-7 nghệ sĩ bán chuyên nghiệp, họ vừa là nhạc công vừa là ca sĩ, nam mặc áo dài chữ Thọ, nữ áo dài màu, nhóm sử dụng các nhạc cụ truyền thống như đàn kìm, đàn bầu, đàn cò, guitar phím lõm, song lan để biểu diễn. Tại đây du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi, dùng các loại trái cây của Nam bộ như thanh long, chôm chôm, nhãn, sầu riêng... vừa thưởng thức loại di sản văn hóa phi vật thể phổ biến ở 21 tỉnh thành phía Nam: đờn ca tài tử.

Chiếc xuồng ba lá đưa du khách len lỏi trên con rạch nhỏ giữa hai hàng dừa nước để ra sông. Sau lưng tiếng nhạc, lời ca vẫn còn văng vẳng như lưu luyến tiễn ta trên hành trình trở về. Một tour du lịch ngắn nhưng đầy dấu ấn sông nước miệt vườn miền Tây!

Trở lại với tiềm năng du lịch của các buôn làng Tây Nguyên, một vấn đề đặt ra là cần có tầm nhìn chiến lược để đầu tư, giữ đúng nét văn hóa bản địa. Chẳng hạn như nghệ nhân không thể mặc sơ mi, quần tây đánh cồng chiêng, nghe nhạc điện tử trong nhà rông... hoặc làm cơm lam, gà nướng trên bếp gas... Có vậy chúng ta mới có thể góp phần đưa nền công nghiệp không khói ở các buôn làng hội nhập với bên ngoài mà vẫn giữ được sắc thái riêng của mình!

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.