Du lịch đường sông Đồng Nai phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tỉnh Đồng Nai giao Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành thủ tục đấu giá đất ở các vị trí để doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch. Tỉnh yêu cầu rà soát nhu cầu xây bến tàu phát triển du lịch đường sông.

Khách du lịch đường sông ghé tham quan chùa Ông ở cù lao Phố, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Nguồn: baodongnai.com.vn)
Khách du lịch đường sông ghé tham quan chùa Ông ở cù lao Phố, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Nguồn: baodongnai.com.vn)
Trên địa bàn Đồng Nai có nhiều con sông lớn như Đồng Nai, La Ngà, Thị Vải. Trong đó, sông Đồng Nai và các nhánh của nó là tuyến đường thủy huyết mạch, kết nối các tỉnh Đông Nam bộ với Đồng bằng sông Cửu Long; dọc sông có nhiều cù lao, di tích và những vùng phong cảnh đẹp.
Những năm qua, Đồng Nai đã khai thác du lịch đường sông, nhưng đến nay, ngành này vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Đầu năm 2017, Đồng Nai chấp thuận cho Công ty Hoàng Gia Bảo triển khai dự án du lịch dọc tuyến sông Đồng Nai. Sau đó, doanh nghiệp đã đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất tại bến tàu Nguyễn Văn Trị, cù lao Ba Xê, bến đò Bửu Long (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và bến phà Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai); mua sắm nhiều trang thiết bị. Đến tháng 9/2018, dự án chính thức đi vào hoạt động.
Sau gần 3 năm triển khai, Công ty Hoàng Gia Bảo tổ chức được gần 300 chuyến du lịch với khoảng 3.300 khách về thượng nguồn và hạ nguồn sông Đồng Nai, thu về hơn 1 tỷ đồng từ bán vé du lịch.
Tuy nhiên, để tổ chức các chuyến du lịch trên, doanh nghiệp phải trả chi phí khoảng 3 tỷ đồng cho việc phục vụ khách. Tại bến tàu Nguyễn Văn Trị, từ năm 2018 đến nay, Công ty Hoàng Gia Bảo đã đón tiếp, phục vụ khoảng 112.000 lượt khách, thu về gần 10 tỷ đồng từ việc bán thức ăn, nước uống.
Cùng thời gian này, công ty bỏ ra gần 12 tỷ đồng để phục vụ khách. Sau cân đối thu, chi việc kinh doanh tại bến phà Nguyễn Văn Trị thua lỗ hàng tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Vân, ngụ thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, chị cùng gia đình đã một lần tham gia du lịch đường sông do Công ty Hoàng Gia Bảo tổ chức. Theo chị Vân, cù lao Ba Xê dù được giới thiệu là điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí song nơi đây gần như chưa được đầu tư bất cứ thứ gì.
Khách đến bến tàu Nguyễn Văn Trị chỉ để ăn, uống. Khi về thượng nguồn sông Đồng Nai, du khách chủ yếu ngồi trên cano ngắm cảnh vật. Tuyến du lịch đường sông Đồng Nai đơn điệu, không có điểm nhấn.
Công ty Hoàng Gia Bảo cho hay, đến nay, doanh nghiệp chưa xây dựng được các khu vực thể thao, vui chơi giải trí dưới nước và các điểm vui chơi phục vụ du khách tại cù lao Ba Xê, bến phà Hiếu Liêm. Nguyên nhân là trước đây doanh nghiệp gặp vướng mắc về các thủ tục thuê đất, thuê mặt nước.
Hiện nay, cơ quan chức năng đã có chủ trương thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu vực trên nên việc đầu tư càng không thể thực hiện. Công ty Hoàng Gia Bảo kiến nghị ngành chức năng sớm tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất tại các thửa đất trong dự án tuyến du lịch đường sông; đưa toàn bộ tài sản của Công ty Hoàng Gia Bảo đã đầu tư vào việc phát triển tuyến du lịch vào đấu giá cùng với quyền sử dụng đất tại các thửa đất chuẩn bị đấu giá.
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai Lê Kim Bằng cho rằng, đoạn sông Đồng Nai chảy qua tỉnh dài hơn 200km, phía thượng nguồn của sông là hồ Trị An, nơi đây có những phong cảnh rất độc đáo, nhiều khu vực trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản.
Ở hạ nguồn, ven sông Đồng Nai có những cù lao và nhiều phong cảnh đẹp. Đồng Nai có tiềm năng lớn phát triển du lịch đường sông, song đến nay cơ bản vẫn chưa khai thác được. Nguyên nhân do doanh nghiệp chưa có một đề án tổng thể về du lịch đường sông.
Ông Lê Kim Bằng cho biết để du lịch đường sông phát triển, thu hút du khách, doanh nghiệp cần thuê chuyên gia tư vấn khảo sát thực tế, xây dựng ý tưởng. Đồng thời, doanh nghiệp phải nghiên cứu, tính toán để xây dựng một đề án về du lịch dọc tuyến sông Đồng Nai.
Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đối với người dân Đồng Nai, sông Đồng Nai là con sông có ý nghĩa về nhiều mặt, sông này cũng là tuyến đường thủy huyết mạch kết nối các tỉnh Đông Nam bộ với Đồng bằng sông Cửu Long.
Sông Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là về giao thông thủy và du lịch. Đến nay, dự án du lịch dọc sông Đồng Nai do Công ty Hoàng Gia Bảo triển khai chưa có những ý tưởng đột phá.
Do đó, công ty cần nghiên cứu, xây dựng các mối liên kết trong du lịch, qua đó cung cấp cho du khách những chuyến thăm quan, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa, lịch sử Đồng Nai cũng như mua sắm các sản vật địa phương.
Theo ông Cao Tiến Dũng, chính quyền Đồng Nai rất trăn trở, mong muốn du lịch đường sông phát triển xứng tầm. Để tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy du lịch đường sông, tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các đơn vị liên quan hoàn thành thủ tục đấu giá đất tại các vị trí để doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch. Việc đấu giá sẽ được thực hiện công khai, các doanh nghiệp đều có thể tham gia. Tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố rà soát nhu cầu xây dựng bến tàu.
“Quan điểm của Đồng Nai là sẽ dùng ngân sách xây dựng bến tàu, bởi nếu giao cho doanh nghiệp làm thì sau này doanh nghiệp sẽ khai thác, tạo ra sự độc quyền. Tương lai có nhiều người dân mua phương tiện giao thông thủy về sử dụng, dân cần có chỗ đậu cano, thuyền. Bến tàu do nhà nước xây dựng là để phục vụ nhu cầu của người dân” - ông Cao Tiến Dũng khẳng định.
Công Phong (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.