Khi dịch bệnh COVID-19 bùng nổ cũng tạo theo nhiều xu hướng du lịch mới, trong đó du lịch chuyển đổi số được coi là hướng đi phù hợp với bối cảnh hiện tại.
|
Du khách check-in tại một điểm du lịch nổi tiếng ở Phú Thọ. Ảnh: Hải Nguyễn |
Doanh nghiệp cần hỗ trợ
Tại Diễn đàn “Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - ông Vũ Thế Bình có những trao đổi thẳng thắn rằng, dịch bệnh COVID-19 cho thấy ngành Du lịch cần có những thay đổi để theo kịp những xu hướng mới. Sự nguy hiểm, khó lường của COVID-19 đã làm hành vi của khách du lịch thay đổi theo chiều hướng cảm tính, khó phán đoán, thay đổi liên tục, bất thường… Vì thế, chỉ khi doanh nghiệp có hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ đầy đủ thì việc đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách. Điều đó cũng cho thấy chỉ các doanh nghiệp du lịch triển khai chuyển đổi số mới tận dụng được những lợi thế của cách mạng 4.0 mới có thể phục vụ tốt hơn khách hàng. “Ai đi trước trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ, người đó sẽ thành công” - ông Vũ Thế Bình khẳng định.
Được biết, hiện tại có khoảng 30% doanh nghiệp du lịch đã đóng cửa hoàn toàn và con số này còn tiếp tục tăng, dự báo lên đến 55-60% trong năm 2021. Trong bối cảnh các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có thể tiếp tục vận hành bằng số lượng nhân lực ít ỏi, chi phí con người giảm xuống nhưng hiệu quả lại tăng lên. Vậy có nghĩa là, khi thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch sẽ có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tối đa hơn, giảm chi phí và đồng thời tăng hiệu quả kinh doanh. Chuyển đổi số cũng sẽ làm tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đại dịch COVID-19 sẽ giống như một cú huých giúp doanh nghiệp chuyển đổi nhanh hơn nếu họ biết cách tận dụng nó. Tuy nhiên, việc này lại được nhình nhận là không hề đơn giản khi các doanh nghiệp hầu như đã kiệt sức, nguồn nhân lực giảm, dòng vốn cạn kiệt, chỉ còn lại bộ khung sau khi chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh kéo dài. Chính vì thế, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ, những hành lang pháp lý chuẩn chỉ của Nhà nước, Chính phủ trong việc chuyển đổi số, xây dựng hệ thống dữ liệu (big data), tăng cường quỹ đào tạo…
Về việc chuyển đổi kinh tế số, quan điểm của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ được nhấn mạnh trong việc thiết kế các khung chính sách, tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo để phát triển ngành kinh tế tổng hợp, mang nội hàm văn hóa sâu sắc này. Bằng các văn kiện đại hội, Nghị quyết chuyên đề, các đề án, chương trình hành động, Đảng và Nhà nước đã định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển nhanh và bền vững; chuyển đổi phát triển kinh tế số gắn liền với phát triển kinh tế du lịch. Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó “du lịch số” được xác định là một trong các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao. Ngoài ra, mới đây, vào ngày 3.6.2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về phát triển du lịch ở Trung ương, hiện nay, Bộ VHTTDL chỉ đạo Tổng cục Du lịch đẩy mạnh marketing du lịch; quản lý du lịch thông minh; tích hợp dữ liệu số của ngành; kêu gọi doanh nghiệp hưởng ứng, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch. Làm sao để công nghệ thông tin đến với mọi cấp, mọi ngành, thuận tiện cho khách du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch. “Trong bối cảnh bình thường mới, chúng tôi mong rằng các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội sẽ cùng đoàn kết, tạo thành sức mạnh tổng hợp, biến nguy thành cơ, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội, tiếp tục khẳng định điểm đến Việt Nam an toàn, thu hút khách du lịch. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ hành động nhanh hơn, khẩn trương hơn, quyết liệt hơn việc chuyển đổi số để phát triển du lịch” - ông Nguyễn Văn Hùng - Thứ trưởng Bộ VHTTDL nêu quan điểm.
Giải quyết bài toán khó
Theo thống kê của Hiệp hội DLVN, trong năm 2020, dịch COVID-19 đã làm cho khách quốc tế đến Việt Nam giảm ít nhất 70% so với năm 2019, khách nội địa giảm 50%, khách đi nước ngoài giảm 85%, doanh thu (inbound lẫn outbound) giảm trên 61%. Trước kết quả này, bà Nguyễn Lê Hương - Phó Tổng GĐ Vietravel - cho rằng, đại dịch COVID-19 làm thay đổi tâm lý của hành khách. Và việc COVID-19 quay lại lần thứ hai đem lại không ít sự e ngại cho mọi người, đặc biệt khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến ngành Du lịch như hiện tại. Trước tình hình như hiện tại, du lịch nước ta vừa phải kích cầu, vừa nghĩ giải pháp tốt hơn nhằm giải quyết ảnh hưởng, ví dụ như chuyển đổi công nghệ số chứ không phải chỉ áp dụng “lá bùa” giảm giá đối với các đợt kích cầu.
“Nếu chỉ dùng giải pháp thông thường như giảm giá, yêu cầu hỗ trợ đã không còn phù hợp, thay vào đó hãy tư duy theo cách mới, sử dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp cận công nghệ mới để phát triển. Doanh nghiệp nên chuyển đổi số để khắc phục nhanh hậu quả do dịch bệnh để lại” - ông Vũ Thế Bình nói. Theo đó, chuyển đổi số sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại bộ máy theo tính gọn nhẹ, vận hành tối ưu cơ sở dữ liệu, xây dựng mô hình quản lý theo hướng hiện đại, từng bước tự động hoá. Đồng thời, chuyển đổi số còn giúp đổi mới nhân sự, tăng cường liên kết giữa các bộ phận, đơn vị trong doanh nghiệp, xây dựng được cơ sở dữ liệu để tăng khả năng phân tích, bảo mật (dữ liệu về khách hàng, về đối tác, về sản phẩm...).
Ông Robert Duglin - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Mỹ (ASTA) - cho biết, Mỹ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, các doanh nghiệp lữ hành phải đối diện với khủng hoảng khi khách hàng yêu cầu hoàn tiền, hủy tour, đền bù… Đây cũng là lần đầu tiên các doanh nghiệp lữ hành của Mỹ cần sự hỗ trợ và cho vay của Chính phủ để tồn tại, vượt khó khăn. Tuy nhiên, khi đã thích ứng với các khó khăn, các doanh nghiệp Mỹ lại tận dụng thời điểm này để tái cấu trúc, đẩy mạnh việc ứng dụng số trong hoạt động kích cầu du lịch nội địa, bán tour, quảng bá vẻ đẹp của các điểm du lịch…
Từ bài học của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành Mỹ, có thể thấy rằng đây bước đi đúng đắn và là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp du lịch Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi công nghệ số, tích cực liên kết, hợp tác, chia sẻ với những nước có công nghệ tiên tiến, hiện đại như Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phục hồi và phát triển khi dịch bệnh được kiểm soát.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam”. Tới tham dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL - Nguyễn Văn Hùng cùng hơn 200 đại biểu đến từ sở, ban, ngành, các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc. Tại diễn đàn, các bên liên quan có thêm cơ hội hiểu rõ hơn về việc ứng dụng các công nghệ vào quá trình hoạt động, đổi mới sáng tạo, trải nghiệm cho khách hàng; phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng du lịch hậu đại dịch. Các nội dung chi tiết của Diễn đàn này cũng sẽ được thực hiện nối tiếp tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020 tổ chức từ ngày 18 - 21.11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. |
NGUYỄN HỒNG (LĐO)