Du khách ưu tiên chọn du lịch xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Xu hướng du lịch xanh, bảo đảm sức khỏe đang được đề cao và trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều du khách.

Nhấn mạnh tại diễn đàn "Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ngày 12-4 với sự tham dự của 300 đại biểu trong nước và quốc tế, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho rằng xanh ở đây không phải là việc phủ sóng màu sắc.

Chuyển đổi xanh

Ông Siêu nói đó là quá trình xanh hóa trong tư duy, thói quen, nếp sống, ứng xử và hành động để các cá nhân và tập thể hình thành văn hóa xanh. Chỉ khi nhận thức rõ điều này, ngành du lịch mới có những điểm đến xanh, sản phẩm xanh và dịch vụ xanh.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Mọi thay đổi của xã hội, tự nhiên đều tác động đến du lịch.

Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu, sự suy thoái của môi trường đã gây hưởng nặng nề và tác động tiêu cực đến du lịch. Song, đồng thời nó cũng tạo động lực cho du lịch Việt Nam chuyển mình xanh hóa các loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người.

Du lịch xanh là xu hướng được nhiều du khách lựa chọn. Ảnh: QUANG ANH

Du lịch xanh là xu hướng được nhiều du khách lựa chọn. Ảnh: QUANG ANH

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, dự kiến đóng góp khoảng hơn 6,4% cho tổng sản phẩm kinh tế quốc nội (GDP) trong năm nay.

Du lịch Việt Nam đạt được những thành công này cũng nhờ phần lớn vào việc sở hữu những vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng đối mặt với những thách thức hiện nay như tình trạng mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang hướng phát triển bền vững là điều tất yếu.

Chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường, giúp thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học mà còn nâng cao chất lượng đời sống cho các cộng đồng phụ thuộc vào du lịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cạnh tranh quốc gia

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng trước những biến động khó lường của khí hậu, dịch bệnh, du khách cần xanh nên du lịch phải xanh.

Hơn nữa, chuyển đổi xanh, du lịch xanh là câu chuyện của cạnh tranh quốc gia, gắn với các hệ sinh thái.

"Trước kia, chúng ta nhìn du lịch là con người, là cái tôi đi du lịch, là trải nghiệm, khám phá, thụ hưởng dịch vụ. Đến nay, 90% khách du lịch muốn đóng góp cho cộng đồng, cho văn hóa cộng đồng khi đi du lịch. Đây là sự thay đổi rất lớn của cộng đồng đối với xã hội" - ông Thành nói.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh 5 trụ cột then chốt trong khung khổ phát triển du lịch bền vững ASEAN: Tăng trưởng kinh tế bền vững; bao trùm xã hội, việc làm và giảm nghèo; hiệu quả nguồn lực, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; đa dạng giá trị văn hóa và di sản; hiểu biết lẫn nhau, hòa bình, sức khỏe, an ninh, an toàn.

Ông Hà Văn Siêu kỳ vọng tín hiệu tích cực của du lịch xanh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn, trở thành phong trào, dấu mốc thành tựu của ngành du lịch.

Sau giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, du lịch xanh, du lịch chất lượng và du lịch đi vào những giá trị thiết thực cho con người, bảo đảm sự an toàn, có lợi cho sức khỏe con người luôn được đề cao. Xu hướng này đang tiếp tục là một trong những lựa chọn của du khách. Vì vậy nhà cung cấp dịch vụ, nhà quản lý đều hướng tới nhằm đáp ứng nhu cầu này.

"Cần tìm ra những giải pháp thiết thực, giải được bài toán từ câu chuyện đầu vào của doanh nghiệp, từ tư duy du lịch xanh để du khách hài lòng" - ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho rằng quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần tập trung vào một số vấn đề như quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả; du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp; du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.

Cũng theo ông Patrick Haverman, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý điểm đến du lịch. Cần có sự vào cuộc và dẫn dắt bởi các cấp chính quyền địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương, để tiếng nói và quan điểm của các thành phần quan trọng này được lắng nghe và phản ánh trong các giải pháp quản lý du lịch của mỗi địa phương.

Nâng cao nhận thức, hành động

"Hiệp hội Du lịch đã chủ động vận động các doanh nghiệp du lịch cả nước thực hiện chuyển đổi xanh để chung tay bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế xanh trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch xanh, dịch vụ xanh và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức, hành động của hệ thống các doanh nghiệp du lịch Việt Nam theo hướng chuyển đổi xanh để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả" - ông Vũ Thế Bình nói.

Có thể bạn quan tâm

Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

(GLO)- Vào những chiều hè nắng rực, khi ánh hoàng hôn dần buông soi chiếu xuống mặt nước, hồ Ia Mua (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) trở thành một tấm gương khổng lồ, tạo nên khung cảnh yên bình và lãng mạn.
Một lần đến thác 50

Một lần đến thác 50

(GLO)- Đã từng có dịp đến tham quan nhiều ngọn thác trong và ngoài nước nhưng chưa ngọn thác nào để lại cho tôi cảm giác vừa hồi hộp lo lắng lại vừa phấn khích như thác 50 (Hang Én) trong chuyến đi vào trung tuần tháng 4 năm nay.
Săn mây ở Tu Thó

Săn mây ở Tu Thó

Mỗi lần đến khu tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), tôi đều mang một cảm xúc mới.