(GLO)- 7 công trình thủy lợi được Dự án giảm nghèo đầu tư tại huyện Kbang trong năm 2015, với tổng mức hỗ trợ 5,628 tỷ đồng, giúp cho hàng ngàn người dân hưởng lợi. Các công trình này hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sản xuất mà còn góp phần ổn định lương thực, xóa nghèo bền vững trên địa bàn.
Công trình thủy lợi làng Lơ Vi, xã Lơ Ku (huyện Kbang) chuẩn bị được khởi công do dự án đầu tư. Ảnh: Hồng Thương |
Từ trước đến nay, cánh đồng Lơ Vi, rộng 20 ha của xã Lơ Ku phải trông vào nước trời mới canh tác được 5 ha lúa 1 vụ. 15 ha còn lại vì thường xuyên bị thiếu nước nên đã được người dân sử dụng để trồng rau màu nhưng năng suất thấp vì rau màu hay bị úng nước vào mùa mưa. Vì vậy, khi nghe thông báo Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên sẽ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Lơ Vi, người dân trong xã rất phấn khởi. Các công trình này dù đang trong bước thẩm duyệt hồ sơ, chưa triển khai thi công nhưng ai cũng háo hức chờ đợi ngày công trình được hoàn thiện.
Chị Đinh Thị Khen, làng Tờ Pơng (xã Lơ Ku) vui vẻ chia sẻ: Năm vừa rồi, dân làng mình đã đào một kênh mương để dẫn nước vào trồng lúa 2 vụ cho 5 ha trên, nhưng vì không có nước, nên ruộng lúa nứt nẻ, lúa trổ bông, nhưng không ngậm được sữa. Mỗi sào lúa vì vậy thu chưa được 2 bao. Giờ nghe tin sắp được dự án xây công trình thủy lợi Lơ Vi, mọi người mừng lắm. Vì không chỉ dân làng mình mà người dân ở các làng Tơ Tưng và thôn 1 trên địa bàn xã cũng sẽ chuyển đổi những diện tích đang được trồng rau màu sang trồng lúa. Hy vọng, mùa màng sẽ bội thu hơn.
Tương tự, 123 hộ dân ở xã Đak Rong cũng đang rất phấn khởi khi sắp tới đây, 2 công trình thủy lợi Kon Lốc 1 và Kon Lanh 2 của xã sẽ được dự án thực hiện để phục vụ sản xuất. “Thời gian qua, lượng nước tưới tiêu cho 2 cánh đồng làng Kon Lốc 1 và Kon Lanh 2 vẫn luôn đảm bảo. Song vì nước đi qua kênh đất thường bị thất thoát do kênh mương bị hư hỏng nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển cũng như năng suất cây trồng. Nếu 2 công trình này được kiên cố hóa, sẽ không chỉ đem lại hiệu quả về tưới tiêu, tăng năng suất mà còn giúp xã mở rộng thêm diện tích để tạo điều kiện cho nhiều hộ khác được tham gia trồng lúa”-ông Đinh Văn Miên-Bí thư Đảng ủy xã Đak Rong cho biết. Theo anh Hà Văn Phúc-hướng dẫn viên cộng đồng xã Đak Rong thì hiện tại người dân chỉ mới sản xuất được 23 ha lúa nước. Công trình này nếu được kiên cố hóa bằng bê tông sẽ có công suất tưới lên đến 37 ha. Đây là một trong những thông tin vui để người dân có thể mở rộng thêm diện tích lúa nước trong thời gian tới.
Theo anh Võ Thanh Tùng-cán bộ đấu thầu Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Kbang, thì trong hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng cấp xã năm 2015, huyện Kbang tập trung xây dựng 7 công trình thủy lợi với tổng kinh phí trên 5,628 tỷ đồng. Trong đó, Đak Rong 2 công trình, Kon Pne 2 công trình, Krong 2 công trình và Lơ Ku 1 công trình. Anh Tùng cho biết: Việc xây dựng công trình thủy lợi là để phù hợp với hợp phần 2-phát triển sinh kế bền vững đã được triển khai với 2 nội dung chính là sản xuất lúa và cải tạo vườn hộ. Tất cả các công trình này đều được kiên cố hóa bằng bê tông để đảm bảo tuổi thọ lâu dài và phục vụ tốt nhu cầu tưới tiêu trên địa bàn. Hiện tại, các công trình đang được lập hồ sơ, sau đó sẽ tổ chức thẩm định và thi công. Dự kiến đến cuối năm 2015, các công trình sẽ được hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, việc tiến hành thi công các công trình này gặp một số khó khăn. Bởi 5 xã được chọn xây dựng các công trình thủy lợi đều nằm dàn trải và cách khá xa so với trung tâm huyện. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là việc kiên cố hóa kênh mương thủy lợi Đak Tờ Kat và Đak Trút của xã Kon Pne. Vì đơn vị thi công phải đi hơn 85 km từ trung tâm huyện vào xã (trong đó có 2 km đường đèo) để tập kết vật liệu xây dựng 2 công trình này.
Hồng Thương