(GLO)- Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ nhằm mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng thiệt thòi khác. Tại Gia Lai, dự án đã được triển khai hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Kinh phí của dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2” là 76,6 triệu USD, trong đó vốn ADB là 70 triệu USD và vốn đối ứng 6,6 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2014 đến 2020. Tại Gia Lai, dự án được triển khai với kinh phí 13,6 triệu USD.
Dự án có 3 hợp phần chính gồm: Tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến huyện, xã; cải thiện chất lượng và tiếp cận dịch vụ y tế tại bệnh viện; tăng cường năng lực quản lý tại các tuyến. Đến tháng 6-2020, dự án đã hỗ trợ nâng cấp sửa chữa 3 Trung tâm Y tế huyện (Chư Pah, Chư Prông, Chư Sê) và 2 công trình xử lý nước thải y tế tại huyện Chư Sê và Chư Prông; xây dựng mới Trạm Y tế xã Ia Le (huyện Chư Pưh), Ia Pếch (huyện Ia Grai) và Ia Kla (huyện Đức Cơ). Nâng cấp, sửa chữa Trạm Y tế xã Ia Broăi (huyện Ia Pa) và Ia Blang (huyện Chư Sê).
Bên cạnh cơ sở vật chất, dự án còn cung cấp trang-thiết bị y tế cho 40 trạm y tế xã nhằm giải quyết thực trạng thiếu trang-thiết bị y tế, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y tế, nhất là tuyến huyện, xã.
Khám-chữa bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Ảnh: Như Nguyện |
Dự án triển khai đã cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân như dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn; khám-chữa bệnh phụ khoa/bệnh lây truyền qua đường tình dục; thực hiện các đợt khám và điều trị các bệnh phụ khoa lưu động tại cộng đồng (ưu tiên các xã, thôn nghèo và người dân tộc thiểu số); hỗ trợ tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi với sự phối hợp của y tế tuyến huyện và tuyến xã. Qua đó, có 27.451 phụ nữ (trong đó có 23.851 phụ nữ dân tộc thiểu số) được chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Từ sự hỗ trợ của dự án, tháng 11-2019, trụ sở Trạm Y tế xã Ia Le đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ông Nguyễn Thanh Anh-Trạm trưởng Trạm Y tế xã-chia sẻ: Trạm được đầu tư xây dựng mới với kinh phí 2,5 tỷ đồng, ngoài ra còn được hỗ trợ gói trang-thiết bị y tế 500 triệu đồng. Từ đó đến nay, tỷ lệ người dân đến khám-chữa bệnh tăng khoảng 40% so với trước. Riêng trong tháng 6-2020, Trạm đã tiếp nhận khám-chữa bệnh cho gần 600 người. Trụ sở mới khang trang, lại có bác sĩ thăm khám nên người dân đến khám bệnh rất phấn khởi, yên tâm.
Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2” đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Như Nguyện |
Tương tự, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê cũng đã sửa chữa, cải tạo lại Khoa Khám, Khoa Đông y và xây mới Khu Hồi sức cấp cứu. Bác sĩ Trương Minh Cẩn-Giám đốc Trung tâm-cho biết: Không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất, dự án còn hỗ trợ xây dựng hệ thống thu chất thải lỏng, máy xử lý rác thải hấp, nghiền, tiệt trùng bằng hơi nước hiện đại không gây ô nhiễm môi trường và đầu tư 32 danh mục trang-thiết bị y tế. Nhờ vậy, chất lượng khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được nâng cao. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận khám cho 600-700 bệnh nhân. Cơ sở vật chất khang trang, thiết bị đầy đủ, người dân được hưởng lợi rất nhiều từ dự án.
Giám đốc Sở Y tế Mai Xuân Hải: “Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất và trang-thiết bị, dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2” đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế, giảm số lượng bệnh nhân chuyển tuyến, giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh, đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân, đáp ứng nguyện vọng khám-chữa bệnh của người dân”. |
NHƯ NGUYỆN