Độc đáo lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đua ghe Ngo là môn thể thao mang đậm nét văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ.

Chiếc ghe Ngo bắt đầu hạ thủy sau các nghi thức khấn nguyện
Chiếc ghe Ngo bắt đầu hạ thủy sau các nghi thức khấn nguyện

Vào dịp trước lễ hội Ok Om Bok (một trong những lễ hội quan trọng nhất của người Khmer), các ngôi chùa Khmer tại khu vực ĐBSCL bắt đầu tất bật chuẩn bị cho lễ hạ thủy ghe Ngo, nhằm chuẩn bị chu đáo cho một mùa giải sôi nổi, hấp dẫn. Lễ hạ thủy ghe Ngo là nghi lễ văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer đã tồn tại từ lâu đời. Chính vì vậy, lễ hạ thủy ghe Ngo luôn được tổ chức trang nghiêm, ẩn chứa nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của đồng bào Khmer.

Thông thường, ghe Ngo chỉ được hạ thủy 1 lần trong năm, chính là thời điểm trước lễ hội Ok Om Bok. Thời gian hạ thủy không cố định, thường là trước ngày thi đấu khoảng từ 1 tuần đến hơn 1 tháng, tùy thuộc vào kế hoạch tập luyện của từng đội ghe.

Nghi lễ hạ thủy ghe Ngo được tiến hành bởi chủ lễ là các vị sư, achar - người có uy tín trong bổn chùa. Buổi lễ hạ thủy cũng thu hút đông đảo các vận động viên, bà con Phật tử trong phum sóc tham dự. Vì với đồng bào Khmer, lễ hạ thủy ghe Ngo vừa mang nét truyền thống, vừa mang yếu tố văn hóa tín ngưỡng. Trong ý niệm của đồng bào Phật tử Khmer, chiếc ghe Ngo được xem như là vật thiêng, được bảo hộ bởi các vị thần.

Để chuẩn bị cho lễ hạ thủy ghe Ngo, ngoài việc trang hoàng tươm tất thì không thể thiếu các lễ vật. Tùy vào điều kiện của các chùa, địa phương mà lễ vật được chuẩn bị có thể khác nhau. Thông thường trong lễ hạ thủy ghe Ngo sẽ có các vật lễ như: đầu heo luộc, gà vịt luộc, heo quay, bánh, trái cây, hoa, rượu và nhang đèn…

Sau khi các lễ vật được bày trí, chủ lễ là các vị sư, achar sẽ thực hiện một số nghi thức để khấn nguyện các vị thần bảo hộ ghe Ngo. Việc khấn nguyện này mang ý nghĩa cầu mong các vị thần giúp sức để ghe Ngo của chùa giành chiến thắng trong cuộc đua sắp tới.

Kế đó, những vận động viên tham gia chèo sẽ đứng 2 bên ghe để nghe các vị sư tụng kinh chúc phúc, cầu sự bình an và sức mạnh. Tất cả kỳ vọng đội ghe Ngo của chùa tham gia lễ hội sẽ chiến thắng, đạt thành tích cao, mang về vinh dự cho bổn chùa và địa phương.

Sau các nghi thức khấn nguyện sẽ là hoạt động hạ thủy ghe Ngo. Trong tiếng nhạc ngũ âm truyền thống rộn ràng, các vận động viên đồng loạt hợp sức di chuyển ghe từ nơi bảo quản (nhà chứa ghe, có mái che) xuống nước (thường là con sông ở cạnh chùa). Kế đó, chiếc ghe Ngo được kiểm tra tổng thể, đặc biệt là kiểm tra đòn dong hay còn gọi là “cần câu”, một bộ phận đóng vai trò quan trọng để ghe có thể hoạt động tốt. Sau cùng, chiếc ghe sẽ được đưa đến địa điểm tập dượt để chuẩn bị sẵn sàng cho giải đua.

Đua ghe Ngo cùng với các lễ hội như cúng trăng, thả hoa đăng, thả đèn trời… là hình thức mà người Khmer muốn bày tỏ lòng tri ân của mình đối với các vị thần Nước, thần Đất, cầu xin sự “tha thứ” của thần về những hành động của con người đã làm tổn hại đến môi trường xung quanh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.

Với những nét độc đáo, lễ hạ thủy ghe Ngo là minh chứng cho quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam bộ, đồng thời góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong nền văn hóa đậm đà bản sắc của các cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Theo TUẤN QUANG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Vùng đất Bình Châu (Bình Sơn) được ví như viên ngọc bên bờ Biển Đông. Nơi đây không chỉ có cảnh đẹp, mà còn sở hữu nhiều di sản lịch sử - văn hóa, địa chất, địa mạo độc đáo.

Khách tây 'mê' tết ta

Khách tây 'mê' tết ta

Không chỉ người Việt nôn nao, rất nhiều doanh nhân, du khách, sinh viên nước ngoài cũng bị quyến rũ bởi không khí tết cổ truyền của VN đang đến từng ngày.

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.