Dịch COVID-19 sáng 1-4: Dịch tại Ý đạt đỉnh, thế giới hơn 42.000 ca tử vong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Ý ngày 31-3 cho rằng dịch COVID-19 tại nước này đã lên đến đỉnh điểm với hơn 105.000 ca nhiễm và hơn 12.000 ca tử vong. Cùng ngày, Pháp và Canada ghi nhận số ca tử vong tăng cao.

 

 


*  Bản tin cập nhật lúc 7h30 ngày 1-4

Tính đến 6h ngày 1-4, toàn thế giới đã ghi nhận 854.307 ca nhiễm virus corona chủng mới, bao gồm 42.016 ca tử vong và 176.906 người hồi phục, theo trang worldometers.info.

Myanmar có ca tử vong đầu tiên

Phát ngôn viên chính phủ Myanmar ngày 31-3 cho biết nước này đã có ca tử vong đầu tiên vì COVID-19. Bệnh nhân là một người đàn ông 69 tuổi, mắc ung thư và qua đời tại bệnh viện ở Yangon.

Trước đó, bệnh nhân từng sang Úc và Singapore để điều trị bệnh trước khi về nước.

Cho đến nay Myanmar đã ghi nhận 14 ca nhiễm virus corona, hầu hết đều là những người từ nước ngoài về, theo Bangkok Post.


 

 



Dịch tại Ý đạt đỉnh

Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Ý Silvio Brusaferro ngày 31-3 cho rằng dựa vào đường cong dịch COVID-19 thì dịch tại nước này đã lên đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, ông Brusaferro khẳng định đây không phải là điểm kết thúc và cần phải thận trọng bởi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu Ý ngừng các biện pháp ngăn chặn và cách ly tại chỗ.

Cùng ngày, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý công bố nước này ghi nhận thêm 4.023 ca dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 105.792 ca, trong đó có 12.428 ca tử vong (tăng 837 ca). Số bệnh nhân chữa trị thành công tăng 1.109 ca lên 15.729 ca.Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 28.192 ca nhập viện với các triệu chứng, 4.023 ca phải điều trị tích cực và 45.420 trường hợp phải cách ly tại nhà.

Tại vùng tâm dịch Lombardy, số ca nhiễm tăng 1.047 ca và số ca tử vong tăng 381 ca, nâng tổng số ca COVID-19 toàn vùng lên 43.208 ca và 7.199 ca tử vong. Lần đầu tiên vùng Lombardy ghi nhận số ca điều trị tích cực giảm trong 24h, với 1,330 ca (giảm 6 trường hợp).

Cậu bé 13 tuổi ở Anh chết sau khi dương tính với virus corona

Hãng tin AFP dẫn lời các quan chức bệnh viện và gia đình ngày 31-3 cho biết một cậu bé 13 tuổi người Anh đã qua đời sau khi dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) và không có bệnh nền nào.

Cậu bé qua đời tại Bệnh viện ĐH King ở London, được cho là người trẻ tuổi nhất nước Anh chết trong mùa dịch COVID-19 tính đến nay.

Gia đình cho biết cậu bé "bắt đầu có các triệu chứng và cảm thấy khó thở" trước khi được đưa vào bệnh viện. Cậu được thở máy nhưng rơi vào tình trạng hôn mê và không qua khỏi vào sáng 31-3.

Trước đó, cũng trong ngày 31-3, một cô bé 12 tuổi ở Bỉ đã trở thành nạn nhân trẻ tuổi nhất của COVID-19 tại châu Âu tử vong.

Anh ngày 31-3 đã ghi nhận 381 ca tử vong trong vòng 24h, con số tử vong cao nhất ở nước này kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số người không qua khỏi trong mùa dịch này lên 1.789 người.


 

 



New York chuẩn bị cho tình huống xấu nhất

Với số ca nhập viện tăng nhanh chóng và hệ thống y tế gần hết công suất, các bác sĩ tại các bệnh viện ở New York đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong những ngày sắp tới, theo hãng tin AFP.

Bác sĩ Shamit Patel của bệnh viện Beth Israel, một trong các bệnh viện Núi Sinai ở Manhattan, hy vọng ông không phải rơi vào tình huống phải chọn bệnh nhân để chữa trị.

Pháp ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục

Giới chức y tế Pháp tối 31-3 thông báo số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên đến 499 người trong 24h qua, cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca tử vong tại các bệnh viện là 3.523 người kể từ khi bùng phát dịch. Như vậy, Pháp vượt qua Mỹ và Trung Quốc trở thành nước đứng thứ 3 thế giới về số người tử vong do COVID-19, sau Italy và Tây Ban Nha.

Số ca nhiễm virus được xác định qua xét nghiệm là 52.128 bệnh nhân. Trong số 22.757 người hiện đang nhập viện, có 5.565 trường hợp nghiêm trọng cần được chăm sóc đặc biệt, 34% bệnh nhân nặng dưới 60 tuổi và 62% trong khoảng từ 60 đến 80 tuổi, 9.444 người đã được chữa khỏi và ra viện.


 

 Mọi người xếp hàng chờ lên xe buýt sau khi Mexico tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và ban hành các quy định chặt chẽ hơn nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan vào ngày 31-3-2020 - Ảnh: REUTERS
Mọi người xếp hàng chờ lên xe buýt sau khi Mexico tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và ban hành các quy định chặt chẽ hơn nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan vào ngày 31-3-2020 - Ảnh: REUTERS



Số ca tử vong tại Canada tăng 35% trong 1 ngày

Cơ quan Y tế công cộng Canada cho biết, tính đến 9h sáng 31-3 (giờ địa phương), tổng số ca được chẩn đoán nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại Canada trong vòng chưa đầy 1 ngày đã tăng 15% lên 7.708 ca so với 6.671 ca của ngày trước đó. Một dấu hiệu đáng quan ngại là số ca tử vong đã tăng 35% lên thành 89 ca so với 66 ca của ngày hôm trước.

Cơ quan Y tế công cộng Canada bày tỏ lo ngại khi virus corona đã lan tới nơi ở của bộ phận dân cư dễ bị tổn thương như nhà dưỡng lão, nhà tù và cộng đồng thổ dân.

Cùng ngày, Thủ tướng Justin Trudeau thông báo Ottawa sẽ đầu tư 2 tỷ CAD (1,42 tỷ USD) để hỗ trợ công tác xét nghiệm và mua máy thở cùng các trang thiết bị bảo hộ như mặt nạ, áo bảo hộ, nước sát khuẩn… nhằm đối phó với dịch bệnh.

Chính phủ Nga được trao quyền áp đặt tình trạng khẩn cấp

Trong phiên họp bất thường ngày 31-3, Thượng viện Nga đã thông qua dự luật cho phép chính phủ Nga áp đặt tình trạng khẩn cấp và chế độ cảnh báo cao trên toàn quốc hoặc các vùng riêng lẻ. Trước đó vài giờ, dự luật đã được Duma Quốc gia tức Hạ viện thông qua trong cả ba lần xem xét.

Theo AFP, dự luật được soạn thảo để cải thiện khả năng ứng phó với đại dịch COVID-19. Trước đây, tình trạng khẩn cấp có thể do Tổng thống Nga áp đặt trong trường hợp khẩn cấp ở quy mô quốc gia, trong khi chính quyền khu vực và địa phương có quyền áp đặt ở một số vùng lãnh thổ. Với dự luật mới, chính phủ có thể thiết lập các quy tắc bắt buộc khi áp đặt tình trạng khẩn cấp hoặc cảnh báo cao. Chính phủ cũng có thể điều phối công việc của hệ thống nhà nước thống nhất để ngăn ngừa và loại bỏ tình trạng khẩn cấp.


 

 



Chứng khoán Mỹ lao dốc

Chốt phiên giao dịch 31-3, cả 3 chỉ số chứng khoán chính ở Wall Street đều lao dốc, trong đó chỉ số Dow Jones đã ghi nhận mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ năm 1987, trong khi chỉ số S&P 500 có mức giảm theo quý sâu nhất kể từ khủng hoảng tài chính.

Theo các chuyên gia, đây là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy mức thiệt hại kinh tế to lớn mà dịch COVID-19 đang gây ra với kinh tế Mỹ và thế giới.

Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 410,32 điểm, tương đương 1.84%, xuống còn 21.917,16, chỉ số S&P 500 giảm 42,06 điểm, tương đương 1.60%, xuống còn 2.584,59 và chỉ số Nasdaq giảm 74,05 điểm, tương đương 0.95%, xuống còn 7.700,10. Tính theo quý, cả S&P 500 và Dow Jones đều mất hơn 20% giá trị so với thời điểm cuối năm 2019.

Oman, El Salvador có ca tử vong đầu tiên

Đài truyền hình nhà nước Oman thông báo trên Twitter rằng Bộ Y tế quốc gia Trung Đông này vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 trong ngày 31-3, bệnh nhân là một người đàn ông 72 tuổi. Đến nay, Oman đã ghi nhận 192 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới, theo Reuters.

Tổng thống El Salvador Nayib Bukele ngày 31-3 thông báo trên Twitter rằng nước này đã có ca tử vong đầu tiên vì COVID-19, theo Reuters.

 

Theo ANH THƯ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.