(GLO)- Ngày 18-10-1978, Hội chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh được thành lập theo Quyết định số 79 của UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ). Ra đời vào thời điểm còn nhiều khó khăn, nhưng với sự tâm huyết, tinh thần đoàn kết khắc phục khó khăn, Hội CTĐ không ngừng trưởng thành, có nhiều hoạt động nhân đạo thiết thực theo kịp sự phát triển chung của xã hội.
Nhiều hoạt động thiết thực
Trong 35 năm qua, các hoạt động của Hội ngày càng được mở rộng và chuyên nghiệp hơn trong cách tiếp cận những trường hợp cần được giúp đỡ. Vì thế, đây trở thành địa chỉ nhân đạo tin cậy, giúp đỡ hàng ngàn lượt người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Các hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc của Hội đã và đang góp phần tích cực cùng với tỉnh thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội tại địa phương.
Tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Ảnh: H.N |
Từ nguồn tài trợ nhân đạo xã hội, Hội đã triển khai kịp thời nhiều hoạt động thiết thực đến tận các đối tượng cần giúp đỡ. Trung bình hàng năm Hội kêu gọi và tổ chức cứu trợ cho khoảng 25.000 đối tượng, trị giá hoạt động trên 10 tỷ đồng. Tổng giá trị hoạt động trong 35 năm qua ước đạt 115 tỷ đồng. Đã có trên 500 công trình nhân đạo như “Nhà chữ thập đỏ”, đường giao thông nông thôn, trường học, hệ thống nước sinh hoạt được thực hiện trong nhiều năm qua. Kết quả này rất đáng trân trọng, có ý nghĩa xã hội và mang tính nhân văn sâu sắc, đặc biệt với một tỉnh còn nghèo như Gia Lai.
Những hoạt động nhân đạo của Hội CTĐ mang tính nhân văn sâu sắc. Điển hình như công tác cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai với số tiền vận động cứu trợ hàng tỷ đồng tiền mặt, cấp hàng ngàn tấn gạo, lúa giống, phân bón cho đồng bào để giúp họ sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai. Đây không chỉ là hoạt động mang tinh thần “tương thân tương ái”, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, mà còn mang ý nghĩa xã hội to lớn. Ngoài ra, các hoạt động hướng về nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bệnh nhân phong, người nghèo, học sinh nghèo hiếu học… được Hội triển khai thường xuyên, kịp thời động viên những người không may mắn vượt lên số phận, có niềm tin vào cuộc sống.
Thời gian qua, Hội đã triển khai có hiệu quả “Dự án giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin” với hình thức đa dạng, như hỗ trợ họ trong phát triển kinh tế, phương tiện đi lại, phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật chức năng. Sự năng động, tìm tòi phương cách hay, thiết thực của Hội đã giúp cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin có thêm niềm tin trong cuộc sống. Điều đó cho thấy các hoạt động nhân đạo ngày càng đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của những người không may mắn. Những năm gần đây, Hội còn làm tốt công tác tham mưu về hoạt động hiến máu nhân đạo, đưa phong trào này phát triển rộng khắp, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngành y tế về nhu cầu máu điều trị cho bệnh nhân.
Các hoạt động nhân đạo của Hội không chỉ giới hạn tại địa phương mà còn hướng ra bên ngoài. Đó là hướng về đồng bào các địa phương trong nước bị thiên tai bão lũ; hướng về các nước bạn Cu Ba, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines… trong những trận thiên tai động đất, sóng thần… với số tiền vận động cứu trợ hàng tỷ đồng. Đây là biểu hiện sinh động cho tinh thần “Tương thân tương ái” của dân tộc đã được Hội CTĐ hiện thực hóa trong các hoạt động nhân đạo những năm qua.
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Để trở thành địa chỉ nhân đạo tin cậy của mọi người, các thế hệ cán bộ, nhân viên Hội CTĐ đã cống hiến, nỗ lực gầy dựng bằng sự tâm huyết, vô tư. Nhằm phát huy những thành quả ấy, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian tới Hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các giá trị nhân đạo, truyền thống nhân ái của dân tộc để đây không chỉ là hoạt động riêng của Hội mà trở thành hoạt động để “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện”. Bên cạnh đó, cần phổ biến, quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác nhân đạo thành nội dung hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Hội.
Hội CTĐ cũng cần làm tốt công tác phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Phối hợp tốt với các ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện tốt dự án “Ngân hàng bò”, “Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam” giai đoạn 2011-2015. Chủ động trong công tác tham mưu, nâng cao chất lượng tham mưu với cấp ủy đảng và chính quyền về công tác nhân đạo trên địa bàn, đề xuất cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Ngoài ra, Hội CTĐ cần đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển tổ chức Hội, hội viên, đổi mới phương thức hoạt động, phát huy tốt vai trò nòng cốt của Hội trong công tác nhân đạo trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Hội phải thực hiện công tác cứu trợ nhân đạo đúng đối tượng, kịp thời và có hiệu quả để tạo được lòng tin nơi người cần giúp đỡ. Cùng với đó, Hội cần chú trọng đến công tác vận động sự ủng hộ giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đối với hoạt động nhân đạo bởi đây là nguồn lực quan trọng để thực hiện có hiệu quả các hoạt động nhân đạo.
Măng Đung
Phó Chủ tịch UBND tỉnh