Phút 94 ở trận chung kết AFF Cup bóng đá nữ, Huỳnh Như ghi bàn thắng mang về chức vô địch cho đội tuyển Việt Nam.
Sau pha bóng ấy, cô nhận thẻ vàng thứ 2. Đó là tình huống dẫn đến tấm thẻ đỏ lãng xẹt của người hùng tuyển Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn sang tuyển Thái Lan, họ còn không có cơ hội "được" nhận những tấm thẻ kiểu như vậy. Đã bao lâu một cầu thủ Thái Lan cởi áo ăn mừng đầy cảm xúc như vậy ở nhiều cấp độ, đội tuyển? Họ không muốn hay không thể?
Thái Lan thất bại ngay trên sân nhà trước tuyển nữ Việt Nam. Ảnh: Kitti Tupmalai. |
Thái Lan mất vị trí số một Đông Nam Á
Trận thua của tuyển nữ Thái Lan trước Việt Nam chỉ là một trong nhiều nỗi thất vọng của bóng đá xứ chùa Vàng thời gian qua. Từ chỗ là kẻ thống trị bóng đá khu vực, niềm hy vọng của Đông Nam Á khi bước ra những giải đấu lớn, người Thái bỗng cảm thấy họ nhỏ bé trong chính ao làng nơi họ vẫy vùng tìm cách thoát ra.
Các đội tuyển Thái Lan cứ ra trận là nhận thất bại, kéo dài gần 2 năm trở lại đây. Họ bị loại ở vòng bảng U23 châu Á tại Thường Châu, đội Olympic thất bại ê chề ở ASIAD, còn tuyển quốc gia thua xấu hổ Ấn Độ tại Asian Cup.
Thua đấu trường châu lục, người Thái trở về nơi họ vẫn cho là "ao làng" để hạ những bại tướng quen thuộc, nhưng thất bại liên tiếp ở AFF Cup và King's Cup. "Biển lớn" châu lục đã quá tầm với người Thái, giờ đây nơi họ vẫn thống trị cũng chẳng còn thế độc tôn.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở đội tuyển nữ Thái Lan. Họ tiến tới World Cup với đầy hy vọng, nhưng nhanh tỉnh giấc mộng với những thất bại mà số bàn thua có trận lên tới hơn 10. Họ về lại Đông Nam Á để tìm lại niềm vui chiến thắng, nhưng tuyển nữ Việt Nam không để chuyện ấy dễ xảy ra như vậy.
Bóng đá Thái Lan thua liên tiếp ở các giải gần đây. Ảnh: Minh Chiến. |
Ở các cấp độ trẻ, Thái Lan cũng liên tiếp thất bại trong thời gian qua. U15 thua trận, bất lực tới nỗi đấm đối thủ. U18 lần đầu trong lịch sử bị loại ở giải khu vực, trong khi U22 thảm bại 0-4 trên sân Mỹ Đình.
Quá nhiều thất bại của bóng đá Thái Lan trong gần 2 năm qua, khiến người Thái phải tự hỏi họ liệu còn phải là những kẻ thống trị khu vực Đông Nam Á nữa hay không. Bằng chứng là sau những thất bại của bóng đá Thái Lan, báo chí nước này không thiếu những bài viết thể hiện sự mất niềm tin.
Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "báo Thái Lan", những bài viết thừa nhận bóng đá Thái đã không còn là quyền lực trong khu vực. Các CĐV xứ chùa Vàng hoang mang, thậm chí không còn tin vào chiến thắng của đội nhà. Trên tờ Matichon, 45% CĐV được hỏi không tin tuyển Thái Lan thắng được Việt Nam ở trận sắp tới.
Bóng đá Việt Nam vươn lên rất nhanh
Đã bao lâu người Thái mới có cảm giác bất an như vậy khi một đội bóng nào đó của họ ra trận dù ở đấu trường khu vực, thứ cảm giác mà lâu nay vốn thuộc về Việt Nam - bại tướng của người Thái trong nhiều năm liền?
Người Thái hoàn toàn có lý do để lo lắng khi nhìn vào những thành tích đối nghịch giữa họ và các đội tuyển Việt Nam trong thời gian qua. Ở Đông Nam Á, tuyển nam và tuyển nữ Việt Nam lần lượt vô địch AFF Cup. King's Cup tổ chức trên đất Thái, thầy trò HLV Park Hang-seo hạ gục chính đội chủ nhà. U22 Thái Lan như đã nói, thua toàn diện trước U22 Việt Nam.
Bóng đá khu vực đang nằm dưới quyền lực của Việt Nam? Ảnh: Minh Chiến. |
Ở nơi gọi là "biển lớn" như người Thái vẫn mơ ước, tuyển Việt Nam đã làm được gì trong khoảng thời gian Thái Lan liên tiếp thất bại. U23 Việt Nam vào chung kết giải châu Á, trong khi Thái Lan bị loại từ vòng bảng. Đội Olympic thậm chí suýt nữa có tấm huy chương tại ASIAD. Tới Asian Cup, tuyển Việt Nam chỉ thua sát nút người Nhật ở tứ kết.
Những kết quả trái ngược của bóng đá Thái Lan và Việt Nam là bằng chứng rõ ràng nhất cho sự thay đổi cán cân quyền lực tại bóng đá khu vực. Thái Lan từng là số một, nhưng thua mãi cũng phải lùi xuống chấp nhận xếp thứ 2. Việt Nam liên tiếp thành công ở châu lục, xưng vương Đông Nam Á thì đơn giản xứng đáng trở thành lá cờ đầu.
Nếu người Thái lo âu khi các đội tuyển của họ ra trận, cổ động viên Việt Nam chưa khi nào tự tin như thời gian qua.
Có lẽ cũng chẳng còn cầu thủ Việt Nam nào e ngại Thái Lan nữa dù tâm lý sợ Thái đã đeo đẳng nhiều thế hệ bóng đá Việt Nam. Chi tiết thú vị là các cầu thủ trong buổi trả lời phỏng vấn hay nhận được câu hỏi có ngại hay sợ Thái Lan không. Không một ai tỏ ra e sợ.
Câu nói mới đây của đội trưởng tuyển Việt Nam Quế Ngọc Hải lý giải tất cả: "Đã đối đầu với Iran hay Nhật Bản, thì việc gì phải ngại Thái Lan".
Phúc Long (zing)