(GLO)- Luật Thanh niên được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2005, đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên phát huy được sức trẻ trong lao động và học tập, ra sức phấn đấu và rèn luyện để đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Những kết quả đạt được
Theo đánh giá của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, qua gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh niên đã có những bước tác động tích cực, góp phần phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bằng hình thức tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh-truyền hình, báo chí, tài liệu tuyên truyền, tranh ảnh, panô, áp phích... Luật Thanh niên đã được phổ biến sâu rộng tới đối tượng thanh niên và quần chúng nhân dân. Cụ thể, đã tổ chức 3.590 diễn đàn “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”, duy trì hoạt động của 186 câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”, thành lập được 322 đội tuyên truyền xung kích thanh niên, 176 đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn an toàn giao thông.
Ảnh: Phan Lài |
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức và tạo điều kiện cho thanh niên tham gia giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và các nhiệm vụ cấp bách tại địa phương như: tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự; xây tặng nhà nhân ái, tặng quà, giúp đỡ nâng cao đời sống cho nhân dân khu vực biên giới và chiến sĩ các đồn biên phòng với kinh phí trên 3,5 tỷ đồng; vận động được 406 triệu đồng ủng hộ chương trình “Góp đá xây Trường Sa”; Tỉnh đoàn đã tổ chức phát động trong toàn Đoàn đăng ký đảm nhận thực hiện gần 1.114 công trình, phần việc thanh niên (cấp tỉnh, huyện và cơ sở), trị giá trên 30,268 tỷ đồng.
Thực hiện đề án “Dạy nghề, giải quyết việc làm đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương; thanh niên nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thanh niên dân tộc thiểu số”, tính từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 60.711 lượt thanh niên; giải quyết việc làm cho 213.055 lượt người; tổ chức 445 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật cho 14.631 đoàn viên thanh niên; thông qua nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, đến nay tổng dư nợ do Đoàn Thanh niên quản lý là 186 tỷ đồng, cho 11.429 đoàn viên thanh niên vay phát triển kinh tế, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Ngoài ra, việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm. Giai đoạn 2008-2015 toàn tỉnh đã cử đi đào tạo được 405 thạc sĩ (trong đó, độ tuổi thanh niên chiếm 60%). Từ năm 2009 đến 2014, Tỉnh ủy đã có chính sách thu hút 165 sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại 165 xã vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, quyền và nghĩa vụ của thanh niên được bảo vệ và thực hiện theo pháp luật; đời sống vật chất, tinh thần của thanh niên từng bước được nâng lên, phần lớn thanh niên được tập hợp vào các tổ chức hội, đoàn thể chính trị ở cơ sở đều có tư tưởng chính trị và lối sống tích cực, luôn đi đầu trong phát triển kinh tế-xã hội; từ đó, xuất hiện nhiều mô hình thanh niên giúp nhau làm kinh tế, thanh niên sản xuất giỏi.
Chưa sát với thực tế
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai luật vẫn còn một số bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, cụ thể: Công tác tuyên truyền phổ biến Luật Thanh niên và các văn bản có liên quan vẫn còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, sâu rộng, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa-thể thao, các địa điểm sinh hoạt cộng đồng, các loại hình vui chơi, giải trí lành mạnh cho thanh niên tuy đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thanh niên địa phương. Một bộ phận không nhỏ thanh niên chưa được tập hợp vào các tổ chức hội, đoàn thể chính trị ở cơ sở; nhận thức về chính trị còn hạn chế, lười học tập, lười lao động, có lối sống thực dụng hoặc bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật. Tỷ lệ thanh niên được đào tạo nghề còn thấp, chất lượng chưa cao, đa số thanh niên thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết trước yêu cầu hội nhập và phát triển…
Qua phân tích cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn, hạn chế trên là do nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thanh niên của một số cấp ủy, chính quyền và các cơ quan nhà nước các cấp chưa đầy đủ, do vậy chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh niên.
Song song với phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa nhanh khiến các giá trị văn hóa truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một, trong khi đó những giá trị văn hóa mới chưa định hình rõ; hiện tượng thanh niên thiếu hiểu biết về văn hóa, đua đòi, suy thoái về đạo đức, lối sống đang là vấn đề đáng quan tâm. Một số tổ chức Đoàn, Hội thanh niên thiếu chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo; chưa sáng tạo trong công tác tập hợp thanh niên và công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản có liên quan đến thanh niên còn hạn chế…
Trao đổi với P.V, ông Dương Văn Tuấn-Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh cho biết: Sau giám sát, HĐND tỉnh sẽ gửi đề xuất, kiến nghị với Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh niên sao cho phù hợp, trong đó, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với thanh niên; công tác thanh niên giao cho Bộ Nội vụ và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh làm nòng cốt. Đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường hỗ trợ nguồn vốn để tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên các địa phương… Đây sẽ là những điều chỉnh hết sức cần thiết để Luật Thanh niên phù hợp với thực tế và được triển khai một cách thuận lợi và có hiệu quả.
Phan Lài