(GLO)- Trong chiến tranh, Sài Gòn là địa phương “đi trước về sau”; còn trong thời bình, sau 40 năm giải phóng, TP. Hồ Chí Minh là địa phương “đi trước về trước”, liên tục là “đầu tàu kinh tế” và là động lực phát triển của cả nước.
GDP tăng trưởng gấp rưỡi cả nước
Lưu vực kênh Tân Hóa-Lò Gốm đã được chỉnh trang. Ảnh: Hoàng Liêm |
Để khôi phục vị thế và phát triển TP. Hồ Chí Minh tương xứng với tiềm năng, từ sau giải phóng đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành riêng 3 nghị quyết về TP. Hồ Chí Minh: Nghị quyết số 01-NQ/TW ngày 14-9-1982 về công tác của TP. Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 18-11-2002 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2010 và Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020.
Từ những định hướng chiến lược hết sức quan trọng này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực không ngừng, kiên trì, quyết tâm thực hiện và đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân tự hào: Qua 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, 30 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, TP. Hồ Chí Minh luôn giữ vững ổn định về chính trị, có nhiều bước tiến về kinh tế-xã hội kể cả trong những thời điểm tình hình trong nước có nhiều khó khăn và thế giới diễn biến phức tạp; quy mô nền kinh tế đã tăng lên gấp nhiều lần, hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, người dân ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vị thế và uy tín trên trường quốc tế được nâng cao…, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Trong đó, kinh tế TP. Hồ Chí Minh không ngừng tăng trưởng, đóng vai trò là đầu tàu, động lực phát triển của cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,63% diện tích và 8,8% dân số so với cả nước nhưng 40 năm qua, bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, chung lòng của các tầng lớp nhân dân, kinh tế TP. Hồ Chí Minh luôn giữ mức tăng trưởng hợp lý với quy mô ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Từ mức tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân 2,7%/năm trong giai đoạn 1976-1985, bước sang giai đoạn đổi mới, nhiều năm liền tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh duy trì tốc độ bình quân 10-12%/năm, cao hơn 1,5 lần so với cả nước, là một trong số ít thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số liên tục trong khoảng thời gian dài; đặc biệt giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh ước đạt 9,6%, cao hơn 1,6 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã cho thấy nỗ lực to lớn của chính quyền TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm lớn về nhiều mặt và là một trong các động lực phát triển kinh tế của cả nước.
Điểm sáng FDI
Nhiều công trình hạ tầng vừa được đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả tích cực. Ảnh: Hoàng Liêm |
Trong 40 năm qua, quy mô kinh tế của TP. Hồ Chí Minh chiếm hơn 1/5 quy mô kinh tế của cả nước; đóng góp trên 30% nguồn thu ngân sách quốc gia... Đạt được những kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của thành phần kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2014, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có 5.310 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 36,28 tỷ đô-la Mỹ. Như vậy, so với cả nước, TP. Hồ Chí Minh chiếm 14,4% số vốn đăng ký và 30,1% số dự án đăng ký còn hiệu lực, thể hiện rõ vai trò quan trọng của TP. Hồ Chí Minh trong việc thu hút vốn FDI. Còn trong 3 tháng đầu năm 2015, TP. Hồ Chí Minh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 100 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 571,1 triệu đô-la Mỹ. Đồng thời, có 35 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm khoảng 163,7 triệu đô-la Mỹ. Như vậy, tổng vốn FDI còn hiệu lực trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện đạt hơn 37 tỷ đô-la Mỹ. Với sự đầu tư mạnh mẽ như trên, khu vực FDI đã đóng góp 23,8% trong tổng GDP của TP. Hồ Chí Minh; góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành kinh tế theo chiều hướng tích cực. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào những ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp sử dụng hàm lượng khoa học-công nghệ cao, như công nghiệp phần mềm, điện tử tin học, công nghiệp dược phẩm… Tốc độ phát triển công nghiệp của khối FDI trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh luôn cao hơn tốc độ phát triển chung của toàn ngành, chiếm 35,48% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh.
Trong lĩnh vực dịch vụ, nguồn vốn FDI vào hệ thống bán lẻ như cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại (Metro Cash&Cary, Lotte, BigC…) đã từng bước hiện đại hóa hệ thống bán lẻ, mở rộng quy mô, khả năng phục vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Đối với thị trường nước ngoài, tỷ trọng xuất khẩu của khối FDI cũng chiếm tới 38,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh. Khối doanh nghiệp FDI không chỉ góp phần đáng kể trong việc tạo ra việc làm với 22,5% trong tổng lực lượng lao động của TP. Hồ Chí Minh mà còn góp phần nâng cao trình độ lao động trong nước thông qua việc chuyển giao trình độ khoa học-công nghệ tiên tiến, thu hút lực lượng chuyên gia nước ngoài có trình độ cao, có kinh nghiệm trong công tác quản lý (số lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ cao đẳng, đại học trở lên là 12.330 người)… Với những thành tựu đó, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho rằng: Quá trình phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước thông qua các hoạt động đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Đặc biệt, xuất phát từ thực tiễn trong công tác lãnh đạo điều hành, kết hợp với tính năng động, sáng tạo của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách giúp xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp. Nhiều cơ chế, sáng kiến của TP. Hồ Chí Minh đã được nhân rộng ra cả nước và được triển khai hiệu quả tại các địa phương như: ban hành các quy định tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý; hình thành nền sản xuất hàng hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia; đề xuất Trung ương cho phép xây dựng các khu chế xuất-khu công nghiệp tập trung trên địa bàn; gần đây là chương trình bình ổn thị trường, chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp…
Hoàng Liêm