Tính từ ca ghép gan đầu tiên vào tháng 6/2018 đến nay, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM đã thực hiện thành công 11 ca ghép gan, trong đó đặc biệt có 2 ca gần đây nhất, bệnh viện đã thực hiện không có sự hỗ trợ từ chuyên gia nước ngoài.
Một ca ghép tạng tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM |
Trong suốt 2 năm qua, 11 ca ghép gan là 11 câu chuyện cảm động và đầy tính nhân văn từ người hiến và người nhận.
Anh H.V.L (37 tuổi, ngụ tại TP.HCM), ca ghép gan thứ 10 của bệnh viện, đã may mắn được nhận trọn vẹn lá gan từ một người cho chết não tại Hà Nội. Từ năm 2013, anh L. đã phát hiện bị viêm gan siêu vi B. Tình trạng bệnh diễn tiến nặng, biến chứng thành xơ gan giai đoạn cuối. Trong những ngày chờ có gan để ghép, anh L. phải liên tục nằm viện, dùng các biện pháp để khống chế tạm thời các khối u trong gan để duy trì sự sống.
Khi nhận được thông tin có lá gan phù hợp, anh L. đã được ghép ngay trong đêm khi lá gan được chuyển vào từ Hà Nội. Sức khỏe của anh L. hồi phục thần kỳ. 5 ngày sau ca phẫu thuật, anh được chuyển từ phòng Hồi sức sau ghép đến khoa Ngoại Gan Mật Tụy để tiếp tục theo dõi. 2 tuần sau đó, anh L. đã được xuất viện.
Anh L., người được nhận gan từ người cho chết não xúc động bày tỏ sự cảm ơn. |
Anh L. xúc động chia sẻ: "Chẳng lời nào có thể diễn tả hết cảm xúc của tôi lúc này. Tôi muốn gửi lời cảm ơn người đã hiến gan, cảm ơn các y bác sĩ đã hồi sinh sự sống cho tôi. Tôi đã có thể sống khỏe mạnh như một người bình thường, có thể báo hiếu cha mẹ, cùng vợ nuôi 2 con thơ, đối với tôi không có gì hạnh phúc hơn thế. Đó là một điều kỳ diệu, một sự may mắn quá lớn".
Nở nụ cười rạng rỡ, bà H.T.P (61 tuổi, ngụ tại TP.HCM) là trường hợp ghép gan thứ 11. Bà có tiền sử viêm gan C dẫn đến xơ gan giai đoạn nặng. Một tháng trước khi ghép, bà P. vài lần rơi vào hôn mê, tình trạng nhiễm trùng, rối loạn trong máu tăng và nguy cơ xuất huyết não có thể dẫn đến tử vong.
Các bác sĩ đánh giá, nếu không được ghép gan, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân trong vòng 3 tháng có thể lên đến 50%. Trước tình trạng đó, cả 3 người con của bà P. đều mong muốn được hiến gan cho mẹ, nhưng chỉ có anh N., người con út phù hợp nhất.
Ngày 15/6, ca ghép gan thứ 11 diễn ra thành công. 5 ngày sau phẫu thuật, anh N. đã có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường. Anh N. đã cùng các anh chị mình lên thăm mẹ tại phòng Hồi sức sau ghép, cùng mẹ tổ chức kỷ niệm sinh nhật của người cha đã mất 16 năm trước, đồng thời lấy ngày này làm ngày sinh nhật thứ 2 của mẹ.
Sau phẫu thuật 1 tuần, anh N. được xuất viện, sức khỏe bà P. ngày càng ổn định, có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường. Chia sẻ về việc hiến gan cho mẹ, anh P. nói giản dị: "Vì đó là mẹ mình nên việc tôi có thể cho gan để mẹ khỏe hơn là việc làm rất bình thường, là việc mà bất kỳ người con nào cũng sẵn lòng để báo hiếu mẹ".
TS.BS Trần Công Duy Long – Phó trưởng khoa Ngoại Gan Mật Tụy cho biết, ghép gan là biện pháp triệt để cho các trường hợp người bệnh xơ gan, ung thư gan giai đoạn sớm và chức năng gan kém. Đối với người hiến, các tế bào gan có thể tái tạo, phục hồi để đảm bảo chức năng hoạt động của gan giống với người bình thường.
Đặc biệt, 2 ca 10 và 11 diễn ra trong tình huống dịch bệnh Covid-19 phức tạp, các chuyên gia bệnh viện Asan Hàn Quốc không thể đến hỗ trợ, bệnh viện đã nỗ lực tự thực hiện 2 ca này thành công.
Ban giám đốc bệnh viện cho biết, từ thành công này, trong thời gian tới, bệnh viện ngoài triển khai ghép thận, ghép gan sẽ tiến tới ghép tim.
Theo Bạch Dương (Dân Việt)