(GLO)- Vì yêu mến con người, đất nước Việt Nam nên 4 lưu học sinh của tỉnh Champasak (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) đã quyết định sang Gia Lai du học. Sau 3 năm theo học ở Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai, các bạn trẻ này đều có những ấn tượng tốt đẹp và tình cảm sâu đậm với mảnh đất, con người phố núi Pleiku.
“Chúng em cảm ơn rất nhiều!”
Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai những ngày hè khá vắng vẻ. Khu ký túc xá cũng chỉ ít sinh viên lưu lại, trong đó có 4 du học sinh đến từ tỉnh Champasak gồm: Vanhthavy Thephachanh, Cheaboy Sihavong (cùng học năm 3 ngành Thú y) và Toukmang Borlommavong, Chenly Xayalath (học năm 3 ngành Kế toán). Nữ sinh viên Vanhthavy Thephachanh bộc bạch: “Tiếng Việt hay nhưng khó học nên nhiều lúc các bạn sinh viên Việt Nam nói chuyện, chúng em không nghe kịp, hiểu kịp. Vì vậy, ngày hè, chúng em lưu lại để ôn luyện thêm tiếng Việt”. Gia đình Vanhthavy có một cửa hàng tạp hóa ở huyện Bachieng. Ở đây có nhiều người Việt sinh sống nên cô có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, từ đó nảy sinh thiện cảm với đất nước và con người Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp THPT, Vanhthavy quyết định chọn dải đất hình chữ S để du học, vừa để được đào tạo kiến thức chuyên ngành, vừa hiểu thêm về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.
2 sinh viên: Vanhthavy Thephachanh (bàn đầu bên phải) và Cheaboy Sihavong (bàn đầu bên trái) trong giờ ôn tập. Ảnh: Phương Dung |
Nói về lý do chọn ngành Thú y, Vanhthavy giải thích: “Người dân huyện Bachieng đang tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại. Em lựa chọn ngành học này và cố gắng học thật tốt, nắm chắc kiến thức và kỹ năng để sau này trở về giúp ngành chăn nuôi của địa phương phát triển ổn định, bền vững”.
Đối với sinh viên Toukmang, trước khi du học, bạn đã tự trang bị tiếng Việt bằng cách tham gia khóa học ngắn hạn tại quê nhà. Mặc dù chương trình đào tạo có 1 năm học tiếng Việt tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai trước khi học chuyên ngành nhưng Toukmang vẫn chủ động học tiếng Việt để tránh bỡ ngỡ khi sang Việt Nam.
3 năm gắn bó với phố núi Pleiku, gặp không ít khó khăn do khác biệt ngôn ngữ, văn hóa, lại phải thay đổi thói quen sinh hoạt song các lưu học sinh Lào đều nỗ lực để hòa nhập với môi trường mới. Sinh viên Cheaboy chia sẻ: “Em và các bạn đều cài đặt ứng dụng chuyển đổi ngôn ngữ Việt-Lào và ngược lại trên điện thoại để dịch nghĩa những từ khó; thường xuyên nghe nhạc, trò chuyện với các bạn sinh viên Việt Nam và đọc tài liệu trước để hôm sau lên giảng đường chỗ nào chưa hiểu có thể trao đổi ngay với giảng viên. Thật tốt vì em được học tập trong môi trường mà thầy cô, các bạn sinh viên Việt Nam đều nhiệt tình, chu đáo”.
Hơn 2 năm chưa về nước thăm gia đình do dịch bệnh Covid-19 cũng là khoảng thời gian các lưu học sinh Lào cảm nhận đầy đủ tình cảm ấm áp nơi mình đang sống, học tập. “Chúng em đều mắc Covid-19 nên gia đình, người thân rất lo lắng. Trong thời gian ấy, mỗi ngày, chúng em đều nhận được sự động viên, thăm hỏi của cán bộ Sở Ngoại vụ, Ban Giám hiệu nhà trường. Thầy cô thì chăm lo từng bữa ăn, viên thuốc và thường xuyên hướng dẫn sát khuẩn, kiểm tra, theo dõi sức khỏe... Nhờ có sự chăm sóc ân cần, chu đáo như người thân ấy mà chúng em sớm khỏi bệnh. Chúng em cảm ơn rất nhiều!”-sinh viên Cheaboy trải lòng.
Ấn tượng với nhiều cảnh đẹp
Trong thời gian gắn bó với phố núi Pleiku, các sinh viên Lào có cơ hội đi lại, gặp gỡ nhiều người, thử những món ăn đặc trưng, làm quen với văn hóa truyền thống Việt Nam. Sinh viên Chenly vui vẻ cho hay: “Em quen rồi nên có thể chạy xe máy vòng quanh thành phố mà không sợ bị lạc đường. Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ, em và các bạn rủ nhau đi tham quan danh lam thắng cảnh như: Quảng trường Đại đoàn Kết, Biển Hồ chè, Biển Hồ nước, Công viên Đồng Xanh, chùa Minh Thành... Em thấy lựa chọn Việt Nam để du học là đúng đắn. Nơi đây khí hậu mát mẻ, nhiều cảnh đẹp và con người thì thân thiện. Em cũng muốn một lần đưa gia đình qua TP. Pleiku xinh đẹp du lịch”.
4 sinh viên Lào chụp ảnh cùng giảng viên (thứ 2 từ trái sang) trong khuôn viên Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai. Ảnh: Phương Dung |
Thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa chính quyền 2 tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tỉnh Gia Lai đang hỗ trợ đào tạo 20 sinh viên tỉnh Champasak. Trong đó, 4 sinh viên theo học Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai, 2 sinh viên đang học tiếng Việt tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai và 14 sinh viên học ở Phân hiệu Trường Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. |
Ngồi cạnh bên, Toukmang nhẹ nhàng tiếp lời: “Chúng em được nhiều người cảm thông, yêu thương, giúp đỡ. Đi ăn cơm sinh viên cũng được ưu tiên thêm món. Ẩm thực Việt Nam rất phong phú, cũng có những món chua, cay, mặn, công thức chế biến như của người Lào nên phù hợp với chúng em”.
Trong quá trình học, các sinh viên Lào đều tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của trường, của khoa; tham gia giao lưu văn hóa, giới thiệu những bài hát, điệu múa truyền trống, nét đẹp trong phong tục tập quán, ngày Tết cổ truyền Bunpimay, các món ăn ngon của nước Lào với thầy cô, bè bạn. Ở cùng phòng ký túc xá với 2 nữ sinh viên Lào, bạn Đoàn Thị Ánh Hiệp-sinh viên năm 2 ngành Thú y-cho hay: “Thời gian đầu, do bất đồng ngôn ngữ, văn hóa nên 3 chị em cũng gặp một chút khó khăn. Nhưng sau đó, mọi chuyện đều ổn thỏa. Các chị học khóa trên nên hỗ trợ em về kiến thức chuyên ngành, ngược lại, em giúp các chị học thêm tiếng Việt, một vài phần mềm trên máy tính. Gần gũi các chị, em đã biết một số câu chào hỏi bằng tiếng Lào, món ăn và phong tục đặc sắc của người Lào”.
Trao đổi với P.V, ông Lê Minh Sơn-Trưởng ban Công tác sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai-cho biết: Nhà trường luôn quan tâm hỗ trợ các lưu học sinh Lào tối đa từ nơi ăn, ở đến việc học tập. Biết các em gặp khó khăn trong giao tiếp do rào cản ngôn ngữ, nhà trường đã trao đổi với giảng viên và Ban cán sự lớp hỗ trợ ngoài giờ, giúp nắm vững kiến thức. Bên cạnh đó, các em được khuyến khích tham gia các hoạt động hướng về cộng đồng, giao lưu văn hóa do Đoàn trường tổ chức. Hai năm các em không về nước do dịch bệnh Covid-19, nhà trường tạo điều kiện để lưu học sinh Lào đón Tết cổ truyền Việt Nam; tổ chức thăm hỏi, động viên các em vào ngày lễ, Tết cổ truyền dân tộc Lào giúp các em vơi đi nỗi nhớ nhà, gắn bó với trường lớp, phấn đấu hoàn thành chương trình đào tạo.
PHƯƠNG DUNG