(GLO)- Cuộc tranh luận về sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 phổ thông giữa chương trình Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại và chương trình áp dụng đại trà (còn gọi là chương trình cải cách năm 2000) dường như chưa đến hồi kết và đằng sau nó còn có nhiều vấn đề phức tạp mà dư luận cho rằng cơ bản đó không phải là vấn đề liên quan đến học thuật hay phương pháp, nội dung giáo dục.
Ảnh nguồn LĐO |
Từ trước ngày khai giảng năm học mới đến nay, các cơ quan thông tin đại chúng và cộng đồng mạng đã đưa vấn đề này ra mổ xẻ khá nhiều, trong đó có các nhà giáo, nhà khoa học với các luận điểm trái ngược nhau, thậm chí xúc phạm nhau không thương tiếc, khiến nhiều phụ huynh học sinh hoang mang, chưa thể phân định đúng-sai. Điều đó có nguyên nhân của nó, nếu ngay từ lúc đầu, các nhà khoa học, nhà giáo dục cũng như cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực này có sự giải thích rõ ràng, minh bạch thì đã không gây ra “loạn dư luận” mà ai cũng cho là mình đúng. Những bài báo theo kiểu chỉ trích khiến nhiều người nghi ngại rằng: Hình như có điều gì đó không ổn trong việc tranh giành quyền lợi ở đây, chứ không phải vì tương lai con em chúng ta (!?).
Ở đây, chúng ta cần khách quan để nhìn nhận đúng vấn đề. Chủ trương của Quốc hội từ năm 2015 là thống nhất một chương trình giáo dục quốc gia nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa ở các cơ sở trường học trong hệ thống giáo dục quốc dân, qua đó nhằm tạo “sân chơi bình đẳng” và nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Hiện nay, cả nước đang tồn tại nhiều bộ sách giáo khoa phổ thông như: sách cải cách giáo dục áp dụng từ năm 2000 đến nay; sách Công nghệ giáo dục do GS. Hồ Ngọc Đại chủ biên, áp dụng ở trường thực nghiệm từ năm 1978 và đến năm 2008 thì có chủ trương dừng. Nhưng đến năm 2010, chương trình này được mở rộng trên tinh thần tự nguyện của các địa phương và đến nay đã có 49 tỉnh, thành áp dụng với gần 800 ngàn học sinh theo học. Với chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, trong chương trình mới sắp đến, ngoài nhóm biên soạn chính của GS. Nguyễn Minh Thuyết, TP. Hồ Chí Minh đang cho biên soạn bộ sách giáo khoa mới các cấp học, nếu được phê duyệt cho lưu hành thì sẽ mở ra triển vọng cho học sinh tự chọn bộ sách nào thích hợp và hay hơn để học.
Liên quan đến sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại, mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho hay: Hội đồng thẩm định quốc gia đã đánh giá về cơ bản sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đảm bảo yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng. Bộ chủ quản đã hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tài liệu phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường, đồng thời không mở rộng để giữ sự ổn định cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Như vậy, chúng ta không còn băn khoăn gì về cách đánh vần theo sách Công nghệ giáo dục và sách đại trà hiện nay, tuy có khác nhau về phương pháp tiếp cận tiếng Việt nhưng không xa rời mục tiêu giáo dục. Trong thực tế, các em học theo phương pháp, sách giáo khoa Tiếng Việt nào cũng đạt được kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ thành thạo, tất nhiên chưa có đánh giá so sánh chính xác phương pháp nào ưu việt hơn. Còn về phần học thuật liên quan đến cách phát âm, đánh vần, các nhà ngôn ngữ học cũng đã thẩm định các kiểu “đọc”, “đánh vần lạ” như dư luận phản ánh thì không có gì sai, chẳng qua đa số phụ huynh chưa quen với phương pháp mới mà thôi. Với một số tồn tại ở sách này, Hội đồng thẩm định quốc gia đã góp ý và nhóm biên soạn sẽ sớm khắc phục, hoàn chỉnh.
Bùi Quang Vinh