"Đánh thức" danh trà Bàu Cạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO) Nằm chếch về phía Tây Nam TP. Pleiku, mang trong mình dấu ấn về những đồi chè cổ thụ gần trăm năm tuổi, Bàu Cạn đã trở thành địa danh nổi tiếng của Gia Lai. Gần 100 năm kể từ những ngày người Pháp mở đồn điền chè, danh trà Bàu Cạn đang ngày càng khẳng định chất lượng, đồng thời tìm kiếm chỗ đứng trên thương trường quốc tế.
Dấu ấn thuở đồn điền
Nằm ở độ cao 700 m so với mực nước biển, Bàu Cạn có địa hình bằng phẳng với đất bazan màu mỡ, nguồn nước dồi dào, khí hậu ôn hòa, do vậy đã trở thành “điểm hút” của các nhà tư sản Pháp trong “cơn sốt” lập đồn điền chè, cà phê và các loại cây trồng có nguồn gốc cận nhiệt đới.
Công nhân thu hoạch tại vườn chè được trồng từ năm 1927. Ảnh: Khánh Toàn
Công nhân thu hoạch tại vườn chè được trồng từ năm 1927. Ảnh: Khánh Toàn
Từ năm 1923, người Pháp đã thành lập Công ty Nông nghiệp chè và cà phê tỉnh Kon Tum-Compagnie Agricole Des Thés Et Cafés Du Kon Tum (gọi tắt là CATECKA). Cũng từ đây, cây chè “bén duyên” với vùng đất này. Sinh trưởng tốt, diện tích ngày càng mở rộng, cây chè đã mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các ông chủ đồn điền người Pháp khi cho ra những sản phẩm chất lượng không chỉ từ khí hậu cùng nguồn nước tinh khiết mà còn từ nguồn đất khác biệt ngay dưới ngọn núi lửa Hàm Rồng.
Những điều kiện tự nhiên cực kỳ thuận lợi đó đã đưa đồn điền này ngày càng phát triển. Dù cả khu vực Bắc Tây Nguyên thời điểm đó thành lập khá nhiều đồn điền nhưng đây là đồn điền làm ăn phát đạt nhất thời Pháp thuộc. Từ diện tích chè 680 ha với 4,8 triệu cây (vào năm 1928), chỉ sau một năm, diện tích chè tại đồn điền này tăng lên đến 900 ha với 5,8 triệu cây. Theo tư liệu của người Pháp vẫn còn lưu giữ, những sản phẩm từ cây chè Bàu Cạn nhanh chóng được giới quý tộc châu Âu và châu Á ưa chuộng. Từ đó, nhiều nhà đầu tư đã tham gia hợp tác phát triển vào đồn điền này.
Giờ đây, Bàu Cạn vẫn còn lưu giữ những vết tích về một thời “ăn nên, làm ra”, từ những ngôi biệt thự, văn phòng làm việc, nhà ở đến cả hệ thống thủy điện được xem là thủy điện thứ 2 được xây dựng tại Việt Nam. Thủy điện này dù chỉ có công suất 0,172 MW nhưng không chỉ phục vụ cho đồn điền, công nhân sinh hoạt mà còn cung cấp cho cả đô thị Pleiku thời bấy giờ. Dù được khởi công từ năm 1950 nhưng đến nay thủy điện này vẫn hoạt động với toàn bộ máy móc từ thời Pháp thuộc đến nay, chỉ có một số bộ phận nhỏ phải sửa chữa hoặc thay thế.
Thậm chí, nơi đây từng có một sân bay tư nhân đầu tiên của khu vực Bắc Tây Nguyên. Khoảng cuối thập niên 50 của thế kỷ XX, một chủ đồn điền người Pháp đã mua cả máy bay tư nhân không chỉ để tự mình bay quanh đồn điền kiểm tra việc sản xuất mà còn bay về Sài Gòn nghỉ ngơi cuối tuần. Trước năm 1961, khi chưa có Sân bay Cù Hanh (Sân bay Pleiku ngày nay), các máy bay muốn hạ cánh xuống Pleiku đều phải nhờ đến đường băng của ông chủ đồn điền này.
“Đánh thức” danh tiếng trăm năm
Ông Đặng Trường Sanh-Giám đốc Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn-cho biết: Công ty đang quản lý trên 400 ha chè, trong đó có 100 ha chè cổ thụ gần trăm năm tuổi. “Dù trải qua nhiều biến cố, thăng trầm nhưng thương hiệu chè Bàu Cạn vẫn tồn tại đến ngày nay, chất lượng chè có thể sánh ngang với những thương hiệu chè nổi tiếng khác. Do vậy, Công ty đang tính toán giải pháp để đánh thức một danh trà tồn tại cả trăm năm nay”-ông Sanh chia sẻ.
Từ năm 2017, sau khi cổ phần hóa, ngoài giữ ổn định những vườn chè giống thuần chủng, Công ty còn đầu tư cải tạo những vườn chè, đưa cơ giới vào sản xuất cũng như áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo nên những sản phẩm có uy tín đối với ngành chè trong và ngoài nước. Công ty cũng đã thay đổi mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm nhưng vẫn giữ thương hiệu trà Bàu Cạn-CATECKA, trong đó có sản phẩm hồng trà vốn rất nổi tiếng từ thời Pháp thuộc giờ cũng đã được Công ty nghiên cứu, chế biến đưa ra thị trường sau nhiều năm vắng bóng và được người tiêu dùng đón nhận. Từ đó, năng suất và chất lượng chè của Công ty ngày càng được nâng lên lên; đời sống người lao động được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người 6 triệu đồng/người/tháng. Nhiều sản phẩm từ cây chè đã xuất đi các thị trường lớn như Trung Đông, Đài Loan với 60 tấn chè khô/năm.
Cùng với những sản phẩm từ cây chè, để đa dạng hóa sản phẩm và khai thác tốt nguồn tài nguyên nơi đây, Công ty còn phát triển thêm cây cà phê và bơ booth. Giám đốc Công ty phân tích: “Biên độ dao động nhiệt giữa ngày và đêm của vùng đất này từ 12 đến 14OC, thích hợp cho quá trình tích lũy gluxit và hợp chất thơm trong củ quả, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Chúng tôi đang hướng đến sản phẩm các loại cà phê cao cấp với diện tích 400 ha, cho sản lượng 1.500 tấn/năm. Với việc thực hiện công nghệ chế biến ướt là công nghệ mới ở Việt Nam khi đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn đầu vào là 90% quả chín, tỷ lệ vỡ tạp chất hầu như không có, sản phẩm cà phê của Công ty đã được Công ty Golden Beans của Singapore bảo đảm việc bao tiêu đầu ra. Từ đó, nâng giá trị hạt cà phê vươn ra thị trường thế giới”.
Ông Đặng Trường Sanh tâm sự: “Chúng tôi đang ấp ủ nhiều dự định để không chỉ gầy dựng lại một thương hiệu chè đã có gần trăm năm qua mà còn biến vùng đất này thành điểm đến của du khách trong thời gian tới. Bởi không chỉ có vườn chè mà Bàu Cạn còn chứa đựng trong mình những giá trị lịch sử cùng nhiều thắng cảnh như: suối Mơ, thác Bàu Cạn hay khoảng đồi vàng rực hoa muồng thu hút du khách tới tham quan... Tuy nhiên, đó là việc lâu dài và đòi hỏi cần có sự chung tay của các cấp chính quyền địa phương”. 
Khánh Toàn

Có thể bạn quan tâm

Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.