Dân dã nộm rau dớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở vùng Tây Bắc, rau dớn là loài rau mọc tự nhiên bên bìa rừng, ven suối, quanh năm xanh tốt; là nguồn thực phẩm xanh tự nhiên, sạch và bổ dưỡng. Mỗi khi đi vào rừng hay ra suối, người Tày đều hái những ngọn rau dớn xanh non mơn mởn về chế biến món ăn.

Rau dớn hái về, muốn ngon và giòn thường sẽ phơi qua nắng cho rau héo sơ rồi mới chế biến. Các món ăn thường ngày từ rau dớn như rau dớn xào lẫn với lá rau đắng, lá đu đủ và mẻ chua; rau dớn xào thịt trâu... và đặc biệt là món nộm (gỏi) rau dớn.

Dân dã nộm rau dớndd.jpg
Nộm rau dớn là món ăn dân dã của người Tày vùng Tây Bắc.

Để có đĩa nộm rau dớn ngon, người Tày thường vặt bỏ cọng già, lấy phần non rồi phơi héo để rau có được độ giòn. Trước khi chế biến, rau dớn được rửa sạch, ngâm vào nước lạnh để rau tươi và xanh trở lại sau đó chần qua nước nóng chừng 5 phút cho rau vừa chín tới rồi vớt ra rổ, để ráo nước.

Gia vị dùng để chế biến món nộm rau dớn gồm chanh, đường, bột canh, bột ngọt, ớt, lạc rang giã nhỏ hoặc vừng rang để cả hạt. Rau dớn sau khi để ráo nước thì nêm đường, bột canh, bột ngọt, nước chanh rồi trộn đều cho rau ngấm gia vị. Sau đó, cho rau ra đĩa rồi rắc lạc hay vừng trên trên, khi ăn sẽ dùng đũa đảo đều. Đĩa rau dớn nộm cho thêm lên bề mặt vài miếng ớt thái lát để tạo nên màu sắc tươi tắn, hấp dẫn, vừa tạo độ cay nhẹ cho đĩa nộm.

Nộm rau dớn thưởng thức ngay sau khi chế biến sẽ tươi ngon hơn. Khi ăn, nộm rau dớn có độ giòn sần sật của rau hòa vào vị chua thanh của nước chanh, vị ngọt nhẹ của đường, vị thơm của lạc, vừng và vị cay cay của ớt. Tất cả gia vị hòa vào màu xanh tươi của rau dớn sẽ làm nên dư vị đậm đà, lạ miệng và ấn tượng.

Theo Nguyễn Thế Lượng (baodaklak.vn)

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.