“Đại sứ” văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 1. Cuối tháng 4 vừa qua, Gia Lai có 1 đại diện tham gia Lễ hội Văn hóa-Ẩm thực Việt Nam 2023 với món phở 2 tô. Sự kiện do Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức nhằm tôn vinh sự đa dạng, đặc sắc của nền ẩm thực Việt Nam trong chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch. Đây cũng là lần đầu tiên món ăn được công nhận “Giá trị ẩm thực châu Á” được quảng bá tại một sự kiện văn hóa ẩm thực.


Chị Lương Vũ Thảo Nguyên-Chủ quán Phở Nhớ Phố núi (10 Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku) chia sẻ, khi được mời tham gia sự kiện này, chị ý thức rất rõ vai trò đại diện phở khô Gia Lai chứ không phải thương hiệu cá nhân. Chủ quán Phở Nhớ Phố núi tự hào khi gian hàng phở 2 tô trở thành tâm điểm trong số 83 gian hàng ẩm thực vùng miền và luôn đông kín thực khách. Sức hút của gian hàng ẩm thực Gia Lai khiến bạn bè các tỉnh, thành tham gia lễ hội cũng rất hiếu kỳ, đến để giao lưu, thưởng thức món ngon đến từ thành phố cao nguyên.

Trong 3 ngày lễ hội diễn ra, gian hàng của tỉnh Gia Lai đã phục vụ trên 1 ngàn tô phở. Ngoài ra, gần 100 kg bánh phở khô và tương đen-2 nguyên liệu “linh hồn” của phở 2 tô cũng hết sớm. “Để giúp thực khách lần đầu tiên thưởng thức món phở 2 tô, chúng tôi đã chuẩn bị bảng hướng dẫn ăn phở đúng cách. Việc nhỏ này khiến nhiều thực khách rất thích thú”-chị Nguyên kể.

Thực khách thưởng thức phở 2 tô tại Lễ hội Văn hóa-Ẩm thực. Ảnh NVCC

Thực khách thưởng thức phở 2 tô tại Lễ hội Văn hóa-Ẩm thực. Ảnh NVCC

Từ thành công của sự kiện, Chủ quán Phở Nhớ Phố núi cho rằng, phở khô Gia Lai cần được quảng bá mạnh mẽ hơn nữa thông qua các sự kiện văn hóa-du lịch bởi đây sẽ là chỉ dẫn cho ẩm thực, du lịch Gia Lai. “Thực khách rất hiếu kỳ bởi danh hiệu “Giá trị ẩm thực châu Á” của món phở 2 tô. Danh hiệu này mang đến sức hút rất lớn cho phở khô Gia Lai tại Lễ hội Văn hóa-Ẩm thực Việt Nam 2023. Nhưng để nâng tầm giá trị phở 2 tô thì cần có chiến lược quảng bá và sự chung tay góp sức của các quán phở, nhất là những quán có thương hiệu lâu đời ở Phố núi. Là đại diện tham gia 2 sự kiện “Ngày của phở” ở Nam Định và Lễ hội Văn hóa-Ẩm thực ở Quảng Trị, tôi càng trân quý cơ hội để giới thiệu với bạn bè trong nước lẫn quốc tế giá trị của món ăn mang hương vị riêng của vùng đất cao nguyên. Nếu có sự chung sức của những quán phở lâu đời, giá trị của phở 2 tô còn được nâng tầm mạnh mẽ hơn nữa”-chị nói.

2. Vừa trở về từ Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 9-2023, anh Đỗ Mạnh Cương-thành viên Tổ đan lát mây tre làng Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang) cho biết, sản phẩm giới thiệu tại liên hoan lần này đều là tinh hoa nghề Việt. Tuy vậy, sản phẩm của nhóm nghệ nhân Bahnar như bàn trà, kẹp tóc, giỏ xách… gây sự chú ý nhất định đối với các nhà thiết kế thời trang, các nghệ nhân dân gian trong nước lẫn quốc tế. Một nhà thiết kế Việt còn đưa chiếc kẹp tóc hoa tre vào show diễn áo dài với chủ đề “Kết nối”.

Nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm mây tre bản địa của nghệ nhân đến từ núi rừng Tây Nguyên, anh Cương còn tặng sản phẩm cho một số thành viên của Hiệp hội Nghề Hàn Quốc, nghệ nhân Nhật Bản, các nhà thiết kế thời trang…

Anh chia sẻ: “Tôi học hỏi nhiều điều từ sự kiện này, được gặp gỡ nhiều người. Tuy đến từ nhiều vùng miền, quốc gia nhưng tất cả đều gặp nhau ở sự tôn trọng văn hóa và tư tưởng gìn giữ nghề truyền thống. Yêu cầu sản phẩm phải cải tiến, đổi mới để tiếp cận thị trường và đa dạng văn hóa luôn được đặt ra. Chúng tôi nhận được một số lời mời sang Nhật Bản, Hàn Quốc nên rất vui và tin rằng, giá trị sản phẩm của nghệ nhân Bahnar không thua kém bất kỳ tinh hoa nghề truyền thống của quốc gia nào”.

Khách quốc tế thích thú với các sản phẩm mây tre đan của nghệ nhân Bahnar (ảnh nhân vật cung cấp).

Khách quốc tế thích thú với các sản phẩm mây tre đan của nghệ nhân Bahnar (ảnh nhân vật cung cấp).

Từ nay đến cuối năm, Tổ đan lát của nghệ nhân Bahnar ở Đê Kjiêng nhận được nhiều lời mời tham gia các sự kiện như: phiên chợ đồ thủ công mỹ nghệ tại Hội An (tỉnh Quảng Nam), tháng 6 tới là tham gia sự kiện liên quan tại TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), tháng 7 đi châu Âu và cuối năm tham gia thi khởi nghiệp quốc gia.

“Có nhiều cơ hội để chúng tôi đưa sản phẩm ra nước ngoài giới thiệu, quảng bá. Đây cũng là thị trường mà tôi muốn hướng tới để gia tăng giá trị sản phẩm từ nghề truyền thống. Hiện tôi đã làm xong thủ tục để thành lập hợp tác xã, nhưng xa hơn, khát vọng của tôi là hình thành làng nghề truyền thống, thu hút những nghệ nhân giỏi nhất để tạo ra những sản phẩm đặc sắc, tinh tế, chinh phục được các thị trường khó tính. Hiện nay, đứng trước nhiều đơn hàng, lời mời tham gia sự kiện trong nước lẫn quốc tế, chúng tôi vẫn chưa có đủ con người lẫn nguồn lực để tham gia, thực hiện”-anh Cương cho biết.

Phở Nhớ Phố núi hay Tổ đan lát mây tre làng Đê Kjiêng bước đầu là đại diện giá trị văn hóa, ẩm thực của một vùng đất. Sự dấn thân của những đại diện nói trên, đặc biệt là tâm huyết quảng bá, giới thiệu các giá trị tinh hoa đến bạn bè trong nước và quốc tế là nỗ lực rất đáng trân trọng. Đưa những giá trị văn hóa vượt ra khỏi “lũy tre làng” không thể thiếu những “đại sứ” như vậy.

Có thể bạn quan tâm