Để thực hiện được những quyết sách phát triển kinh tế-xã hội, yếu tố quan trọng đó là cần những cán bộ có tâm, có tài và tầm nhìn chiến lược.
Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đã tiến hành xong đại hội Đảng bộ, nhiều người dân mong muốn những cán bộ chủ chốt đã được lựa chọn sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì dân và những quyết sách sẽ được thực hiện một cách hiệu quả, giúp địa phương ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Người dân trông chờ Đại hội Đảng bộ các cấp bầu ra những cán bộ có đủ đức, đủ tài |
Qua báo cáo chính trị của các tỉnh, thành phố cho thấy, dựa trên điều kiện thực tế, các địa phương đã đề ra những khâu đột phá chiến lược để tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt là ở các tỉnh trung du, miền núi. Do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu, cách xa những vùng trung tâm và các đô thị lớn, nên các vùng miền núi sự phát triển còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng trung của cả nước.
Tại tỉnh Thanh Hóa, một trong những khâu đột phá được Đại hội Đảng bộ tỉnh xác định là phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng quan trọng, có tính then chốt về giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc...; ưu tiên xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Kinh tế Nghi Sơn và Khu Công nghiệp Lam Sơn-Sao Vàng, thành phố Thanh Hóa và các trục giao thông kết nối các vùng kinh tế động lực. Những người dân ở đây mong muốn những quyết sách của Đại hội cần được triển khai một cách thiết thực, cần có các chính sách về hỗ trợ sản xuất cho người dân, từ đó khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Ông Sòng A Páo, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đề nghị: “Đảng bộ tỉnh cần có sự tổng kết cụ thể, những nội dung đổi mới đã sát thực với nhân dân hay chưa; để nhân dân được hưởng lợi 5 năm qua đã làm được gì còn những vấn đề gì chưa làm được. Đảng, Nhà nước có chính sách đặc thù dành cho đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo về thông tin, báo chí. Nâng cao nhận thức toàn dân, đẩy mạnh các dân tộc đoàn kết gắn bó”.
Mặc dù là cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội nhưng Hà Nam vẫn là tỉnh nghèo. Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nhiệm kỳ 2010-2015, BCH Đảng bộ tỉnh quyết định chọn nông nghiệp là khâu đột phá nhưng hiệu quả khai thác trong lĩnh vực này lại chưa cao, giá trị đóng góp vào nền kinh tế chung còn thấp (5 năm, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản mới đạt hơn 10.000 tỷ đồng trong khi giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 76.000 tỷ đồng). Đây chính là điểm nghẽn, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế của tỉnh.
Nhiệm kỳ 2015-2020 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam xác định một trong những khâu đột phá là: Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, làm nền tảng để xây dựng Hà Nam phát triển nhanh và bền vững.
Ông Trần Xuân Trường-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Nam cho rằng: “Những mục tiêu của khóa XIX phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nam. Đây là cơ sở để Hà Nam tổ chức thực hiện, phấn đấu lên bước phát triển mới. Nhân dân Hà Nam cũng rất đồng tình với Nghị quyết Đại hội, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên cần quan tâm công tác kiểm tra và tổ chức thực hiện để đạt kết quả”.
Để thực hiện được những quyết sách phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, yếu tố quan trọng đó là cần những cán bộ có tâm, có tài và tầm nhìn chiến lược. Qua Đại hội, người dân cũng có tâm tư. Mong đợi nhất của họ là tăng cường xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; nếu không làm tốt việc này thì đó là thách thức lớn nhất đối với vai trò lãnh đạo của Đảng.
Ông Lù Văn Que-nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng: Nhân dân rất mừng là Trung ương Đảng khóa XI đã có Nghị quyết Hội nghị 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Việc thực hiện Nghị quyết này đã có kết quả bước đầu, song chưa nghiêm túc nên kết quả chưa đạt như mong đợi. Để làm được việc này, Đảng tự chỉnh đốn mình là việc làm có ý nghĩa quyết định. Song, Đảng cần quy định cụ thể về chịu sự giám sát của dân, dựa vào dân để dân tham gia xây dựng Đảng.
Ông Lù Văn Que nói: “Phải có quy định cụ thể xem người dân được tham gia xây dựng Đảng ra sao. Muốn chống tham nhũng lãng phí cũng phải dựa vào dân, bởi người tham nhũng là đảng viên có chức quyền. Phải phát động dân chống, đồng thời phải giám sát quyền lực người dân giao cho Đảng, giao cho người có trách nhiệm”.
Công tác lựa chọn nhân sự cũng chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp. Vì vậy nhiều người dân mong muốn, Đại hội sẽ chọn được những lãnh đạo chủ chốt xứng đáng, hết lòng vì dân, vì mục tiêu phát triển chung.
Bà Phạm Thị Tuyết Hương ở quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng: “Đội ngũ cán bộ vô cùng quan trọng nên phải chọn lựa làm sao cho thật xứng đáng. Để lựa chọn cán bộ vào những vị trí chủ chốt, ngoài kiến thức, vấn đề đạo đức vô cùng quan trọng. Nếu không sâu sát vấn đề đạo đức thì mong ước của dân không được đáp ứng. Tất cả là phải vì dân, đừng tư lợi nhiều quá ảnh hưởng đến ngân quỹ của nhà nước tức là ảnh hưởng đến đời sống của người dân”.
Với niềm tin tưởng và phấn khởi, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong cả nước cùng kỳ vọng vào bước khởi đầu của nhiệm kỳ mới với những thành công mới, mở ra bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phát triển bền vững.
Theo VOV