Đá luân lưu, cơn ác mộng của mọi cầu thủ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dù là ngôi sao hàng đầu hay chuyên gia đá phạt đền, tất cả đều sợ hãi khi phải bước vào loạt đá luân lưu. Đó là khoảng thời gian khủng khiếp với họ, khi sự căng thẳng lên tới đỉnh điểm.

Geir Jordet là chuyên gia hàng đầu thế giới chuyên nghiên cứu về tâm lý trong loạt sút luân lưu. Trong hai thập kỷ, ông đã nghiên cứu, phân tích mọi khía cạnh, đồng thời cũng thảo luận với hàng trăm cầu thủ từng trải nghiệm sút luân lưu ở các giải đấu lớn như World Cup hay EURO, sau đó viết nên cuốn sách Pressure (Áp lực).

Viện dẫn thống kê số người nhập viện ở Đức tăng gấp 3 vì vấn đề tim mạch trong ngày Đức và Argentina phân định thắng thua trên chấm 11m ở tứ kết World Cup 2006, cùng 14 người tử vong do đau tim hoặc đột quỵ ở Hà Lan khi đội của họ đá luân lưu thua Pháp tại EURO 1996, Jordet nghĩ rằng bóng đá, hay chính xác là loạt đá luân lưu, phải được xếp loại thể thao mạo hiểm.

Và ông tuyên bố, ngay cả những cầu thủ hàng đầu, việc đá quả 11m là thử thách tâm lý lớn nhất mà họ không bao giờ muốn lặp lại. Đó là loại trải nghiệm khủng khiếp, tổ hợp của căng thẳng, sợ hãi, lo lắng, áp lực, không giống với bất cứ điều gì khác họ đã trải qua trên sân cỏ.

Ánh mắt bàng hoàng của cầu thủ Slovenia sau khi đá hỏng luân lưu ở trận gặp Bồ Đào Nha Ảnh: Getty Images
Ánh mắt bàng hoàng của cầu thủ Slovenia sau khi đá hỏng luân lưu ở trận gặp Bồ Đào Nha Ảnh: Getty Images

Các nghiên cứu cho biết vào lúc ấy, nhịp thở và nhịp tim tăng vọt, chân tay run rẩy và tính linh hoạt xuống thấp, thị lực cùng thính lực suy giảm. Đây chính là lời giải thích cho việc tại sao các cầu thủ thường sút hỏng, dù họ là chuyên gia 11m ở các buổi đá tập hoặc trong trận đấu (thống kê nói rằng tỷ lệ sút 11m thành công trong trận lên từ 75-80%, nhưng đá luân lưu chỉ 70%).

Thống kê cho thấy, trong số các đội vào tứ kết EURO 2024, Đức giỏi nhất khi đá luân lưu với tỷ lệ chiến thắng 86,5%. Pháp đứng thứ 2 với 75%, sau đó là Tây Ban Nha 71,4%, Anh 68,6% và Bồ Đào Nha 66,7%, Hà Lan 65,8%.

Với nhiều cầu thủ, trong công đoạn thực hiện quả luân lưu, khoảng thời gian đáng sợ nhất là lúc đi bộ tới chấm đá phạt, sau đó chờ đợi lúc trọng tài thổi còi ra hiệu bắt đầu. Quá trình này làm gia tăng sự căng thẳng và phóng đại sự lo lắng. “Những bước chân dài vô tận và đi thẳng vào nỗi sợ hãi của một con người”, cựu tuyển thủ Italia Andrea Pirlo mô tả. “Cuộc đi bộ như kéo dài mãi mãi và tôi chợt nhận ra đêm đã trở nên tối tăm quá đỗi”, HLV tuyển Anh Gareth Southgate nhớ lại loạt luân lưu ở bán kết EURO 1996, và ông là người đá hỏng khiến Anh bị loại.

Bóng đá là trò chơi tổng hợp nhiều yếu tố. Vì vậy một thất bại có rất nhiều cách để biện minh, từ chiến thuật của HLV, trọng tài, cách tiếp cận của đối thủ đến thời tiết, lịch trình. Nhưng ở loạt luân lưu, quá dễ để quy trách nhiệm cho người đá hỏng. Thời khắc đó, một cầu thủ như con thú bị tách khỏi bầy, và trong ánh mắt dõi theo của toàn thế giới, phải gánh vác trọng trách khổng lồ. Nếu may mắn thành công, không gì khác ngoài sự nhẹ nhõm. Ngược lại, anh ta sẽ đối mặt với sự phán xét.

“Đến bây giờ tôi vẫn mơ hồ, không biết đã làm thế nào để đi từ chấm 11m về lại phòng thay đồ”, Southgate nhớ lại, “Tôi khiến cả đất nước thất vọng, vậy nên chỉ muốn bỏ đi thật xa. Những gì tôi đã làm trước đây và cả sau này sẽ không làm ai nhớ đến. Họ chỉ nhớ quả phạt đền đá hỏng”. Ông đã đúng. Ngoại trừ bà mẹ cố gắng pha trò bằng câu nói “sao không sút vỡ mặt nó ra, con trai”, Southgate bị cả xã hội quay lưng, trở thành “người khiến nước Anh phải khóc”.

Thật không may, sẽ còn rất nhiều cầu thủ sẽ rơi vào tình cảnh như Southgate. Kể từ sau EURO 1988 với chỉ 8 đội tham dự, mọi kỳ EURO đều có những trận phải giải quyết bằng loạt luân lưu. Tại giải đấu năm nay, Bồ Đào Nha đã vượt qua Slovenia ở vòng 1/8 sau những phút cân não trên chấm 11m. Nó chắc sẽ xuất hiện nhiều hơn tại những vòng sắp tới bởi xu hướng thận trọng đang trở nên phổ biến. Thay vì cố gắng giành chiến thắng ở các phút chính thức, các đội buộc phải chơi trò may rủi, và kéo cả người hâm mộ vào “môn thể thao mạo hiểm” thách thức mọi giới hạn chịu đựng.

Có thể bạn quan tâm

Euro 2024: Trông chờ trận chung kết trong mơ

Euro 2024: Trông chờ trận chung kết trong mơ

(GLO)- Đến thời điểm này, làng túc cầu ở lục địa già đã tìm được 2 đội bóng xứng đáng nhất vào trận đấu cuối cùng của Euro 2024. Tây Ban Nha và Anh được ví như trận chung kết trong mơ của những ngôi sao đương đại.
Hạ gục đội tuyển Pháp, Tây Ban Nha ngạo nghễ vào chung kết

Hạ gục đội tuyển Pháp, Tây Ban Nha ngạo nghễ vào chung kết

(GLO)- Đội tuyển Pháp với sự già rơ của mình được kỳ vọng sẽ ngăn cản "Những chú Bò tót" Tây Ban Nha. Nhưng trong một ngày những đôi chân ma thuật của La Roja chơi thăng hoa, những nỗ lực của "Gà trống Gaulois" đều trở nên vô vọng. Người Tây Ban Nha đặt chân vào chung kết đầy ngạo nghễ.
Tây Ban Nha và thử thách cực đại trước người Pháp

Tây Ban Nha và thử thách cực đại trước người Pháp

(GLO)-

Rạng sáng mai, trận bán kết đầu tiên của Euro 2024 sẽ diễn ra giữa 2 gã khổng lồ Tây Ban Nha và Pháp. Đội bóng xứ sở đấu bò đang cuốn phăng mọi đối thủ trên hành trình trở lại đỉnh cao của châu Âu nhưng người Pháp sẽ không muốn là nhân vật phụ trong câu chuyện này.

Đội tuyển Anh vào bán kết sau khi đánh bại Thụy Sỹ trên chấm penalty

Đội tuyển Anh vào bán kết sau khi đánh bại Thụy Sỹ trên chấm penalty

(GLO)-

Trước đội tuyển Anh hùng mạnh ở vòng tứ kết, Thụy Sỹ đã chừng tỏ vì sao mình là những người đã hạ gục đương kim vô địch Italia. Song những nỗ lực của đội bóng xứ sở đồng hồ là không đủ giúp họ đi tiếp. Bởi bằng một cách nào đó, Tam Sư vẫn vượt qua “cửa tử” và giành chiến thắng.

Mbappe (trái) bị các hậu vệ đối phương kèm cặp kỹ càng

Pháp tiễn Ronaldo và các đồng đội về nước sau loạt sút penalty cân não

(GLO)-

Cuộc tái ngộ duyên nợ giữa Pháp và Bồ Đào Nha đã diễn ra đầy chặt chẽ trong sự thận trọng của cả đôi bên. Phải đến loạt sút penalty cân não, kẻ chiến thắng mới lộ diện. “Gà trống Gaulois” đã vượt qua nỗi sợ hãi trên chấm trắng ám ảnh để hạ gục Ronaldo cùng các đồng đội, ghi tên vào bán kết.