Bệnh nhi có khối u nguyên bào sợi cơ quanh phế quản bẩm sinh khổng lồ và cực hiếm, thế giới ghi nhận chưa đến 20 ca, xâm lấn toàn bộ phổi trái, nguy cơ đột tử rất cao.
Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TP HCM) cho biết vừa cứu bệnh nhi T.T.Q.N (10 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) khỏi nguy cơ đột tử.
Bệnh nhi được người nhà đưa đến BV Nhi Đồng 2 khám do ho kéo dài, khó thở khi gắng sức. Qua hình ảnh CT scan ngực, các bác sĩ đã phát hiện một khối u phổi khổng lồ xâm lấn toàn bộ phổi trái gây tắc đồng thời phế quản gốc trái và động mạch phổi trái khiến bệnh nhi chỉ hô hấp bằng 1 phổi bên phải.
Khối u phổi trên phim XQuang |
Đánh giá đây là một ca mổ vô cùng khó khăn và nguy hiểm, ê-kíp mổ đã quyết định chỉ sinh thiết u bằng kim với hy vọng nếu là khối u ác tính thì hóa trị sẽ giúp thu nhỏ kích thước nhờ đó ca mổ khả thi và an toàn hơn. Tuy nhiên, kết quả sinh thiết cho thấy đây là khối u nguyên bào sợi cơ quanh phế quản bẩm sinh.
ThS-BS Vũ Trường Nhân, Phó Khoa Ngoại tổng hợp BV Nhi Đồng 2 nhận định đây là một khối u cực hiếm và thuộc loại giáp biên ác tính không đáp ứng với hóa trị. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới tính đến năm 2015, chỉ có 16 trường hợp được báo cáo trên thế giới và thường được phát hiện ở lứa tuổi sơ sinh nhờ vào chẩn đoán tiền sản. Bé gái này do không có triệu chứng rõ ràng và không có chẩn đoán tiền sản nên đã mang trong người khối u suốt 10 năm. Chính vì thế khối u đã âm thầm phát triển rất lớn xâm lấn toàn bộ phổi trái của bé. Đây có thể là trường hợp đầu tiên trên thế giới ghi nhận ở lứa tuổi này với kích thước lớn như vậy.
BS Nguyễn Trần Việt Tánh, Khoa Ngoại tổng hợp BV Nhi Đồng 2, một trong các bác sĩ trực tiếp mổ kể: "Đây là cuộc mổ mà 10 bác sĩ gặp phải cũng hết 7-8 người muốn bỏ cuộc. Lý do là khối u quá lớn đã xâm lấn vào khoang màng ngoài tim, động tĩnh mạch phổi và phế quản bên trái khiến ca mổ rất khó khăn và kéo dài, chỉ một sai lầm nhỏ trong lúc mổ cũng khiến bệnh nhi mất mạng ngay trên bàn mổ.
Bên cạnh đó, sau khi loại bỏ khối u, khoang màng tim phải được tái tạo lại để ngăn ngừa tình trạng thoát vị tim, một biến chứng vô cùng nguy hiểm. Ngoài ra, các biến chứng sau mổ có thể xảy ra sau cuộc đại phẫu này. Hơn nữa, bệnh nhi cần phải được theo dõi mỗi ngày sau cuộc đại phẫu cắt toàn bộ phổi trái".
Ê-kíp mổ đã phải khéo léo bóc tách và mất 8 giờ căng thẳng mới loại bỏ hoàn toàn được khối u nặng 1,5 kg. Kết quả tái khám sau mổ 6 tháng cho thấy bé đã hồi phục sức khỏe hoàn toàn và không bị các biến chứng.
Trịnh Thiệp (NLĐO)