(GLO)- Theo dự báo, tình hình sốt xuất huyết (SXH) năm 2020 sẽ ít phức tạp hơn năm trước do không rơi vào chu kỳ dịch từ 3 đến 5 năm. Tuy nhiên, ngành Y tế vẫn luôn chủ động phòng-chống SXH bởi mùa mưa là thời điểm gia tăng số ca mắc SXH.
Nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết
Theo thống kê của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 370 trường hợp mắc bệnh SXH. Bệnh xảy ra tại 79/220 xã, phường, thị trấn của 15/17 huyện, thị xã, thành phố. So với cùng kỳ năm trước, bệnh nhân SXH giảm 1/3 số ca mắc, tập trung nhiều nhất ở huyện Ia Pa với gần 120 ca.
Khó khăn lớn nhất trong công tác phòng-chống SXH là một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý chủ quan. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn các huyện Ia Pa, Phú Thiện, thị xã Ayun Pa… điều tra véc tơ truyền bệnh và giám sát công tác xử lý các ổ dịch SXH. “Qua giám sát cho thấy nhiều hộ dân vẫn còn tập quán tích trữ nước sinh hoạt; công tác vệ sinh môi trường, thu gom vật dụng phế thải chứa nước như: lốp xe, xô chậu, chai, lọ… không đảm bảo. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi của muỗi truyền bệnh SXH. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, làm ăn của người dân giữa các vùng miền làm cho nguồn lây bệnh phát tán khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó kiểm soát”-ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết.
Nhân viên y tế phường Phù Đổng (TP. Pleiku) tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng-chống SXH. Ảnh: N.N |
Tại một số địa phương, các ca bệnh xuất hiện rải rác trên diện rộng, không tập trung nên khó xử lý. Tại tỉnh ta, số ca mắc SXH được lấy mẫu phân lập vi rút xuất hiện 4 tuýp (Dengue I, II, III và IV) và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Trong năm, 1 người có thể mắc 2 lần do 2 tuýp vi rút khác nhau. Vì vậy, nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao.
Ông Huỳnh Ngọc Thiên-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Pa-thông tin: Tính đến ngày 10-6, Ia Pa ghi nhận 119 ca mắc SXH, tăng hơn 50 ca so với cùng kỳ năm trước, tập trung tại các xã: Ia Ma Rơn, Ia Trok, Kim Tân, Pờ Tó. Đây là những ổ dịch cũ diễn biến liên tục trong vòng 3 năm trở lại đây. “Nguyên nhân gia tăng SXH thường xuyên là do ý thức của người dân sống trong vùng SXH lưu hành còn hạn chế, hầu như người dân không quan tâm nhiều đến công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy để phòng bệnh SXH. Công tác truyền thông gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19; điều kiện khí hậu, sinh địa cảnh thuận lợi cho muỗi SXH phát triển và lan truyền quanh năm”-ông Thiên cho biết.
Tăng cường vệ sinh môi trường
Để công tác phòng-chống SXH đạt hiệu quả cao cần có sự vào cuộc của các ngành, địa phương và quan trọng nhất là người dân cộng đồng trách nhiệm. Tại phường Phù Đổng (TP. Pleiku), nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường nên số ca mắc SXH giảm đáng kể. Bà Thái Thị Ánh Thu-Phó trạm trưởng Trạm Y tế phường Phù Đổng-cho hay: “10 tổ dân phố trên địa bàn đều tích cực thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường và duy trì thường xuyên. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, phường chỉ ghi nhận 2 ca mắc SXH, giảm 6 ca so với cùng kỳ năm ngoái”.
Tuyên truyền người dân lật úp các dụng cụ đựng nước không cần thiết để diệt lăng quăng/bọ gậy. Ảnh: N.N |
Cùng với đó, tổ trưởng các tổ dân phố là những cộng tác viên tích cực trong phòng-chống SXH. Họ không ngại đến từng nhà vận động, tuyên truyền cho các hộ dân. Ông Phạm Viết Liên-Tổ trưởng tổ 7 (phường Phù Đổng) chia sẻ: “Tôi vận động người dân thường xuyên vệ sinh môi trường khu vực nhà ở để cùng với ngành Y tế phòng-chống, tiến tới đẩy lùi bệnh SXH”.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để khống chế và đẩy lùi bệnh SXH, thời gian tới, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần huy động các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tích cực với Trung tâm Y tế tiến hành công tác xử lý dịch trên địa bàn; huy động chính quyền địa phương, quần chúng nhân dân, các hộ gia đình triển khai công tác vệ sinh môi trường trên diện rộng, thực hiện tốt phương châm “không có lăng quăng/bọ gậy, không có SXH”.
NHƯ NGUYỆN