Cô giáo Mường vượt qua mọi khó khăn để sống cuộc đời có ý nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2020, cô giáo trẻ người dân tộc Mường vượt qua hàng chục nghìn ứng viên để vào top 50 và tiếp tục lọt vào top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu do Ban tổ chức giải thưởng giáo viên toàn cầu bầu chọn.

Cô giáo Hà Ánh Phượng trong giờ giảng tại Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ. (Ảnh: TTXVN phát)
Cô giáo Hà Ánh Phượng trong giờ giảng tại Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ. (Ảnh: TTXVN phát)
“Cô giáo chủ nhiệm những năm học Trung học cơ sở của tôi là một người tuyệt vời, là thần tượng để tôi học theo từ nhân cách, nghị lực sống và khát vọng vươn lên. Tôi tự nhủ lòng sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn, áp lực để sống một cuộc đời có ý nghĩa,” cô giáo Hà Ánh Phượng một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 cho biết.
Có thể nói, cô giáo người dân tộc Mường ở Phú Thọ Hà Ánh Phượng không còn xa lạ với nhiều người. Chỉ cần vào mạng gõ từ khóa “Ha Anh Phuong,” trong chưa đầy một giây sẽ cho gần 400 triệu kết quả.
Đặc biệt, những ngày gần đây, cái tên Hà Ánh Phượng lại tiếp tục vang lên, khi được Hội đồng xét tặng Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 xướng tên.
Sinh năm 1991 tại xã Thượng Long, thuộc huyện miền núi nghèo Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, ngay từ khi học lớp 6 ở trường nội trú huyện, Hà Ánh Phượng đã có niềm đam mê đặc biệt với môn tiếng Anh.
“Trong suốt những năm học Trung học cơ sở, tôi may mắn có cô giáo chủ nhiệm là người vô cùng tâm lý, rất tuyệt vời. Tôi đã học được ở cô nhiều điều và khi đó đã quyết tâm học tiếng Anh thật tốt để sau có thể trở thành giáo viên dạy tiếng Anh,” cô giáo Hà Ánh Phượng tâm sự.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, Phượng trúng tuyển vào Đại học Hà Nội. Những năm đầu đại học, cô gái Mường đi dạy gia sư tiếng Anh.
Từ năm thứ ba, nhờ sự giúp đỡ của thầy cô trong trường, Phượng cùng các bạn trong lớp làm việc với các trung tâm tiếng Anh, đơn vị lữ hành và làm phiên dịch cho nhiều sự kiện.

Cô giáo Hà Ánh Phượng với mô hình Lớp học xuyên biên giới tại Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ. (Ảnh: TTXVN phát)
Cô giáo Hà Ánh Phượng với mô hình Lớp học xuyên biên giới tại Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ. (Ảnh: TTXVN phát)

Năm cuối đại học, trong một lần tham gia phiên dịch cho Công ty dược của Pakistan, Hà Ánh Phượng đã gây ấn tượng mạnh với đơn vị này và được mời làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch với mức lương khá cao.

“Đối với sinh viên sắp ra trường, đây quả thật là một lời mời, một cơ hội vô cùng hấp dẫn và tôi cảm thấy rất vui. Nhưng quả thật, ngoài khả năng về tiếng Anh thì các kiến thức về luật kinh doanh, về quản lý... không phải là thế mạnh của tôi nên tôi đã thẳng thắn từ chối. Hơn nữa, tình yêu và ước mơ trở thành giáo viên dạy tiếng Anh vẫn còn cháy bỏng và tôi đã quyết tâm theo đến cùng,” cô giáo Hà Ánh Phượng chia sẻ.
Năm 2016, sau khi bảo vệ xuất sắc luận văn Thạc sỹ chuyên ngành ngôn ngữ Anh, Phượng được tuyển dụng đặc cách làm giáo viên tại Trường Trung học phổ thông Hương Cần ở huyện miền núi Thanh Sơn theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh Phú Thọ.
Thế nhưng ngay khi về giảng dạy tại ngôi trường được bao bọc xung quanh là núi, với hơn 90% học sinh là đồng bào dân tộc, cô Phượng nhận thấy việc học môn tiếng Anh ở đây chưa được học sinh chú trọng; các em nhút nhát, không tự tin khi nói tiếng Anh...
Từ thực tế này, cô giáo Phượng trăn trở làm thế nào để tạo ra môi trường học tiếng Anh thật tốt, các em không chỉ tự tin hơn mà phải có niềm đam mê thật sự với môn tiếng Anh.
Từ kinh nghiệm, mối quan hệ có được từ thời sinh viên và thời gian đi làm thêm ở những năm cuối đại học, cô giáo Phượng đã sử dụng các phần mềm kết nối dựa trên nền tảng Internet để tạo ra những tiết học có sự giao lưu giữa học sinh của mình với các bạn bè của cô trên khắp thế giới.
Nhưng cô cũng sớm nhận ra những hạn chế nhất định của phương pháp này và nó thực sự thay đổi khi cô tham gia cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin vào năm 2018.
Từ đây, những "lớp học xuyên biên giới" do cô Phượng chủ trì ra đời.

Cô giáo Hà Ánh Phượng cùng học sinh giao lưu với bạn bề quốc tế qua mạng Internet. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)
Cô giáo Hà Ánh Phượng cùng học sinh giao lưu với bạn bề quốc tế qua mạng Internet. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)
Ngoài áp dụng công nghệ thông tin, cô còn sáng tạo cách dạy học mới như dạy qua phim ảnh, dự án... Bởi vậy, những cô cậu học trò người Mường của cô từ tâm thế tự ti nay đã trở nên tự tin, hào hứng mỗi khi vào giờ tiếng Anh; khả năng giao tiếp, hùng biện bằng tiếng Anh tốt hơn và ngày càng có nhiều học sinh đam mê với môn tiếng Anh.
Say mê, cố gắng và luôn sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, năm 2020, cô giáo trẻ người dân tộc Mường vượt qua hàng chục nghìn ứng viên để vào top 50 và tiếp tục lọt vào top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu do Ban tổ chức giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) - Quỹ Varkey (Varkey Foudation) bầu chọn. Đây là giải thưởng được ví như Giải Nobel về giáo dục.
Cô Hà Ánh Phượng chia sẻ thêm hiện cô đang hướng dẫn học sinh trong trường triển khai Dự án “Phòng chống bạo lực trên không gian mạng,” lan tỏa tích cực tới nhiều trường học trong và ngoài nước.
Đây là dự án phi lợi nhuận được thực hiện bởi cô và trò thuộc Câu lạc bộ tiếng Anh Trường Trung học phổ thông Hương Cần, với mong muốn nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh trong việc phòng, chống bạo lực trên không gian mạng. Qua đó, cùng kết nối với học sinh các trường trong và ngoài nước bày tỏ quan điểm, tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng này...
Thầy Phan Trọng Đức, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hương Cần, cho biết cô Phượng là giáo viên trẻ nhiệt huyết, thường xuyên chia sẻ cách ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến với các giáo viên khác trong và ngoài trường, thậm chí là cả với ngoài nước.
Hiện nay, không chỉ lớp học của cô Phượng theo mô hình xuyên biên giới, nhiều giáo viên khác cũng áp dụng phương pháp học này và mang lại hiệu quả thiết thực.
So với mặt bằng chung của một số trường Trung học phổ thông lân cận, trình độ tiếng Anh của học sinh Trường Trung học phổ thông Hương Cần trong những năm học gần đây được cải thiện đáng kể và có nhiều kết quả tốt hơn.
Thầy Phan Trọng Đức khẳng định: “Những kết quả, thành tích mà cô Hà Ánh Phượng đạt được trong thời gian qua là hoàn toàn xứng đáng. Đây còn là niềm tự hào và hạnh phúc của thầy và trò nhà trường. Đặc biệt, cuối năm 2020, cô giáo Hà Ánh Phượng đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.”
Về những dự định trong thời gian tới, cô giáo Hà Ánh Phượng cho biết sẽ tiếp tục sản xuất các video dạy tiếng Anh miễn phí trên kênh Youtube của mình; hỗ trợ học sinh thực hiện các dự án và tạo điều kiện tối đa để giúp các em phát triển toàn diện, trở thành những công dân toàn cầu.
Cô giáo Hà Ánh Phượng khẳng định: “Tôi luôn tâm niệm rằng, dù thành phố hay nông thôn thì sự tụt học mới là tụt hậu. Dù ở bất cứ nơi đâu, dù mảnh đất ấy có khô cằn đến bao nhiêu nhưng nếu có sự cố gắng thì mảnh đất ấy chắc chắn sẽ nở hoa”.
Trung Kiên (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

(GLO)- “Kết nối tình nguyện-cháy mãi nhiệt huyết của tuổi trẻ“ là phương châm hoạt động của nhóm cựu cán bộ Đoàn cơ sở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Sau hơn 2 năm thành lập, nhóm không chỉ mang niềm vui đến cho những hoàn cảnh khó khăn mà còn là nơi các thế hệ cán bộ Đoàn gắn kết, “truyền lửa“ tình yêu với Đoàn.
Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

(GLO)- Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nội dung được các đơn vị trường học ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đặc biệt quan tâm. Trong đó, mô hình “Vườn rau em chăm“ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện bữa ăn và khơi dậy tình yêu lao động trong học sinh.
Đôi vũ công đặc biệt

Đôi vũ công đặc biệt

(GLO)- Đến với khiêu vũ một cách tình cờ, đôi vận động viên (VĐV) Trần Nam Dũng-Lê Phương Thảo đã từng bước khẳng định vị thế ở môn thể thao đầy tính nghệ thuật này. Tấm huy chương bạc tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 là sự ghi nhận cho những nỗ lực không biết mệt mỏi cùng tâm huyết của các vũ công.
Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

(GLO)- Với mong muốn nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng-Phó Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã nghiên cứu, áp dụng hiệu quả các phác đồ chữa trị mới, giúp người dân sớm phát hiện và điều trị ung thư tại chỗ. Một trong số đó là hóa trị trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn.
Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

(GLO)- Hưởng ứng chương trình “Tình nguyện mùa đông“ năm 2022 và “Xuân tình nguyện“ năm 2023. Trong 2 ngày (23 và 24-12), tại xã Đất Bằng, huyện Krông Pa và xã An Thành, huyện Đak Pơ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Gia Lai phối hợp với Đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình “Ấm áp mùa đông“ năm 2022.
Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

(GLO)- Sau khi Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2022-2027) thành công tốt đẹp, 63 tỉnh, thành trong cả nước đã đồng loạt tổ chức “Ngày thanh niên cùng hành động“. Trong đó, Gia Lai là 1 trong 7 điểm cầu được lựa chọn tổ chức cấp trung ương. Chuỗi hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, thể hiện quyết tâm của tuổi trẻ trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

(GLO)- Sáng 18-12, tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức lễ phát động thí điểm Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên (YEA). Đây là hoạt động nằm trong dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói“ được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai và tỉnh Yên Bái.
Chung tay giúp trẻ em nghèo

Chung tay giúp trẻ em nghèo

(GLO)- Đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì chiếc áo ấm hay những đồ chơi tự chế rất có ý nghĩa. Thấu hiểu điều đó, chương trình “Áo ấm cho em“ đã trao tặng những chiếc áo ấm cùng những phần quà ý nghĩa cho trẻ em ở 2 huyện Ia Pa và Chư Păh (tỉnh Gia Lai).