(GLO)- Có những vụ án tưởng chừng đã lâm vào ngõ cụt khi các dấu vết tại hiện trường bị xóa mờ bởi sự tinh vi của kẻ phạm tội hoặc bị biến dạng qua thời gian. Thế nhưng, bằng những phương pháp điều tra khoa học, các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Kỹ thuật Hình sự (Công an tỉnh) đã bắt những dấu vết dù là nhỏ nhất còn sót lại ở hiện trường phải lên tiếng. Nhờ đó, giúp Cơ quan Điều tra có thể định hướng rà soát, truy tìm đối tượng gây án. Họ được mệnh danh là những “thợ săn” dấu vết…
Giải mã vụ án
Dù không phải lực lượng trực tiếp truy bắt tội phạm nhưng các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Kỹ thuật Hình sự (Công an tỉnh) luôn đóng vai trò quan trọng trong các vụ án. Bình quân hàng năm, các cán bộ kỹ thuật hình sự đã thu thập dấu vết, chứng cứ, giám định mẫu vật để đưa ra kết luận chính xác từ 70 đến 80 vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, góp phần định hướng cho Cơ quan Điều tra khám phá thành công.
Giám định hồ sơ của một vụ án. Ảnh: L.A |
Còn nhớ cách đây không lâu, một vụ án giết người chôn xác gây hoang mang dư luận xảy ra tại thôn Lu Hrưng, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh. Vào chiều 15-1-2016, Công an tỉnh nhận được tin báo về việc người dân vừa phát hiện dưới ao cạn trong một khu rẫy có một xác chết đang trong thời kỳ phân hủy mạnh và được chôn lấp sơ sài dưới lớp bùn đất. Ngay sau khi nhận được tin báo, các cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật Hình sự (Công an tỉnh) cùng với các đơn vị nghiệp vụ khác đã đến khám nghiệm hiện trường để điều tra làm rõ. Là người trực tiếp tham gia khám nghiệm hiện trường, Thượng úy Võ Đình Tài nhớ lại: “Sau khi đến hiện trường, qua khám nghiệm ban đầu, xác định nạn nhân là nữ giới, đã tử vong trước đó khoảng 7 ngày và không phải là người sinh sống ở địa phương. Tại hiện trường, các dấu vết gần như đều đã bị xóa mờ vì tác động của thời gian. Trước tình hình trên, ngoài việc tìm ra nguyên nhân cái chết của nạn nhân, điều quan trọng là phải xác định được danh tính để Cơ quan Điều tra rộng đường khám phá vụ án. Đến 24 giờ, chúng tôi bắt đầu các biện pháp nghiệp vụ để khám nghiệm tử thi và sáng hôm sau đã xác định được danh tính nạn nhân là Lê Thị Vy (SN 2000, trú tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Đồng thời xác định, nạn nhân tử vong do bị tắc nghẽn hô hấp và có dấu hiệu của tội phạm…”. Từ những kết quả đó, qua điều tra mở rộng, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Duy (SN 1991, trú tại xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh), kẻ đã gây ra vụ án giết người, cướp tài sản rồi vùi xác phi tang trên.
Nhiều áp lực
Trong lực lượng Công an, Phòng Cảnh sát Kỹ thuật Hình sự được xem là một đơn vị đặc thù, bởi vì công tác giám định kỹ thuật đã góp phần phát hiện nhiều loại hành vi phạm tội ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: giả mạo chữ ký; làm giả chứng nhận đăng ký xe mô tô, chứng minh nhân dân; lưu hành tiền giả; giám định chất ma túy... Đây cũng là công việc đầy nguy hiểm khi phải thường xuyên tiếp xúc với tử thi, những bộ phận cơ thể bị phân hủy, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Trong thực tế công tác, các cán bộ, chiến sĩ kỹ thuật hình sự đã phải chịu nhiều áp lực mà nếu không có bản lĩnh và lòng say nghề thì khó có thể vượt qua. Thượng úy Võ Đình Tài chia sẻ: “Đã là “lính” kỹ thuật hình sự, việc thường xuyên phải trực, rồi đột xuất xách va li khám nghiệm lên đường là chuyện như cơm bữa. Nếu chỉ một chút chậm trễ, những dấu vết, chứng cứ để lại hiện trường sẽ bị xáo trộn, gây ảnh hưởng tới công tác điều tra. Bởi vậy, bất luận là ngày hay đêm, nơi nào có trọng án xảy ra là lực lượng kỹ thuật hình sự có mặt, nên việc ăn cơm trưa vào buổi chiều, ăn tối lúc đêm khuya là chuyện “thường ngày ở huyện”. Tất cả những vất vả, khó khăn đó anh em đều có thể vượt qua, thế nhưng ít người hiểu được nỗi buồn của những người làm kỹ thuật hình sự khi có con nhỏ. Sau mỗi vụ án khám nghiệm thi thể đã phân hủy, anh em phải ở lại đơn vị cả tuần mới dám về thăm con, vì mùi hôi ám vào người và nhiều lý do khác rất khó để giải thích…”.
Trong những lời tâm sự của những người làm kỹ thuật hình sự thì những lần chán cơm, nôn ói, nhất là lần đầu tiếp xúc với thi thể đã phân hủy không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, với nhiệm vụ là phải bắt các dấu vết thu được tại hiện trường lên tiếng, trở thành chứng cứ pháp lý khoa học để giải mã tội phạm, giúp Cơ quan Điều tra đi đúng hướng, đưa kẻ thủ ác ra trừng trị trước pháp luật thì chưa bao giờ họ cảm thấy nản lòng. Sau mỗi vụ phá án thành công, có thể tên tuổi của họ sẽ không xuất hiện trên các mặt báo hay nhận được sự ca tụng của mọi người. Họ chỉ như những người “thợ săn” dấu vết lặng thầm, nhưng cũng rất đỗi vinh quang, khi đã góp phần quan trọng trong việc giữ bình yên cho cuộc sống của nhân dân.
Lê Anh