Cho vay hỗ trợ tạo việc làm: Cung chưa đủ cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thời gian qua đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai có thêm nguồn lực để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, nguồn vốn chương trình này hiện vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.
Những năm qua, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Ngân hàng CSXH tỉnh với mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/người, thời gian vay không quá 60 tháng, lãi suất ưu đãi 0,55%/tháng đã đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm của nhiều người lao động từ thành thị đến nông thôn, giúp tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình bền vững. Đơn cử như trường hợp gia đình chị Phạm Thị Thành (thôn 4, xã Trà Đa, TP. Pleiku). Nguồn thu nhập chính của gia đình chị lâu nay dựa vào 1 ha cà phê và 400 trụ hồ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh. Thời gian gần đây, giá nông sản xuống thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của gia đình chị. Để có tiền đầu tư cho vườn cây, chị đã vay vốn hỗ trợ tạo việc làm của Ngân hàng CSXH. “Nhờ nguồn vốn này, gia đình tôi có thêm điều kiện đầu tư sản xuất, duy trì vườn cây trong giai đoạn giá cả nông sản đang xuống thấp”-chị Thành chia sẻ.
 Từ nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm, chị Trần Nguyễn Thị Tuyền (bìa trái) đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Ảnh: S.C
Từ nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm, chị Trần Nguyễn Thị Tuyền (bìa trái) đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Ảnh: S.C

Ngày 23-9-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm của Quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó, kể từ ngày 8-11 sẽ điều chỉnh mức vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh tối đa là 2 tỷ đồng/dự án; đối với người lao động không quá 100 triệu đồng/người; thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng; lãi suất vay bằng lãi suất đối với hộ cận nghèo.

Tương tự, nhờ nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã An Khê, năm 2016, gia đình chị Trần Nguyễn Thị Tuyền (tổ 4, phường An Bình, thị xã An Khê) đã mua 2 con bò cái về nuôi. Khi bò mẹ đẻ, gia đình chăm sóc bê con một thời gian rồi xuất bán. Đến nay, gia đình chị đã có 6 con bò cái, bình quân mỗi năm xuất bán 2-3 con bê, thu về vài chục triệu đồng. Gia đình chị còn chủ động tạo thêm việc làm, tăng thu nhập từ trồng 1 sào cỏ nuôi bò, 2 sào rau sạch cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Bình, nuôi gà… “Việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm của Ngân hàng CSXH đã tiếp thêm động lực, nguồn lực cần thiết để giúp gia đình tôi vươn lên cải thiện đời sống như ngày hôm nay”-chị Tuyền tâm sự.
An Khê là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả nguồn vốn ủy thác để cho vay hỗ trợ tạo việc làm. Từ năm 2016-2019, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, thị xã đã ủy thác nguồn vốn ngân sách cho Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH triển khai cho vay hỗ trợ tạo việc làm. Qua đó, 121 lượt người đã được tiếp cận nguồn vốn vay này với dư nợ hơn 3 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này, người dân đã đầu tư chăn nuôi 168 con bò lai sinh sản, chăm sóc 22 ha rừng trồng lấy gỗ, sản xuất 3 ha cây trồng lâu năm và cây ăn quả các loại. Hầu hết các hộ đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, thực hiện trả lãi và gửi tiết kiệm hàng tháng để trả dần nợ gốc, không xảy ra tình trạng phát sinh nợ quá hạn, nợ lãi tồn đọng.
Bà Trần Thị Thủy Tiên-Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã An Khê-khẳng định: “Chương trình tín dụng này đã hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thị xã. Về phía ngân hàng đã thực hiện rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân ở 11 xã, phường trong năm 2020. Trong thời gian còn lại của năm 2019, chúng tôi sẽ tiếp tục giải ngân nguồn vốn 5 tỷ đồng đã bố trí cho vay giải quyết việc làm cho những hộ có nhu cầu đủ điều kiện trong năm nay”.
Theo thống kê của Ngân hàng CSXH tỉnh, tổng dư nợ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm toàn tỉnh hiện đạt 210,4 tỷ đồng/6.722 khách hàng, chiếm 4,67%/tổng dư nợ. Doanh số cho vay từ đầu năm đến nay của chương trình là hơn 96,6 tỷ đồng/2.665 lượt khách hàng; doanh số thu nợ đạt hơn 50,8 tỷ đồng. Nguồn vốn giải ngân của chương trình đã giải quyết việc làm cho 3.202 lao động, giúp hộ vay không phải là hộ nghèo, cận nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, tăng nhu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, so với nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm ngày càng gia tăng hiện nay thì nguồn vốn của chương trình chưa đáp ứng đầy đủ, toàn diện. Ông Đinh Văn Nghĩa-Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh-đề xuất: “Để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện điều chuyển nguồn vốn ngân sách hàng năm theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW sang Ngân hàng CSXH để cho vay giải quyết việc làm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nhân dân trên địa bàn tỉnh”.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.