(GLO)- Đã thành quy luật có lẽ chẳng bao giờ thay đổi được, ấy là cứ đến giờ phút cận giao thừa, họ lại phải cật lực chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng: Dọn sạch sẽ phố phường để chào đón ngày xuân. Không giao thừa. Với họ, đêm 30 Tết chính là đêm vất vả nhất trong năm.
“Hành nghề” xuyên giao thừa
Một bãi “chiến trường” rác thải đang chờ bàn tay của những công nhân vệ sinh môi trường vào chiều 29 Tết. Ảnh Lê Hòa |
17 năm gắn bó với nghề làm công nhân vệ sinh là ngần ấy năm cô Nguyễn Thị Bé (Đội Vệ sinh số 2-Công ty TNHH MTV Công trình Đô thị TP. Pleiku) không biết đến “mùi vị” của một đêm giao thừa ấm cúng quây quần bên gia đình. Chồng cô-trước cùng là đồng nghiệp, nay đã về hưu nên giao thừa còn có người ở nhà để lo. “Ngày xưa đêm giao thừa chỉ có hai đứa nhỏ ở nhà với nhau, gần như nhà chẳng có giao thừa vì vợ chồng đi làm về tới nhà sớm cũng phải 2-3 giờ sáng. Bây giờ, ông ấy nghỉ hưu nhà mới có người chăm lo cúng tế lúc giao thừa đấy. Nghề nào nghiệp ấy mà”- Cô Bé chia sẻ về nỗi khổ nghề nghiệp với một thái độ rất đỗi bình thường, giống như cái điều ấy đã sống một cách vô tư và hồn nhiên trong cuộc sống của cô, là chuyện chẳng có gì đáng để để tâm quá nhiều.
Phải huy động tới cả hệ thống máy móc mới có thể xử lý được núi rác tại khu vực quanh Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh Lê Hòa |
Hơn 10 năm vào nghề cũng là chừng ấy năm chị Lê Thị Ánh Hồng-công nhân Công ty TNHH MTV Công trình Đô thị TP. Pleiku-đón giao thừa trên các nẻo đường phố núi. Đó cũng là chừng ấy năm, chồng và các con của chị phải đón giao thừa trong không khí thiếu hơi ấm và bàn tay chăm lo của người phụ nữ trong nhà… Thông cảm với công việc của chị, chồng và những đứa con ngoan hiền đã thay chị mua sắm, sửa soạn nhà cửa tươm tất đợi chị về cùng sum vầy sau khi nhiệm vụ đã hoàn thành.
Trước đêm giao thừa, khoảng 2 giờ chiều là toàn bộ anh em công nhân vệ sinh môi trường đã phải sẵn sàng cho ca làm việc tổng lực và vất vả nhất trong ngày cuối cùng của năm cũ. Nhà nhà dọn dẹp, người người dọn dẹp khiến lượng rác thải đổ ra tăng gấp nhiều lần. Khốn khổ nhất là tại các điểm chợ búa, mua bán… Rác thải đùn ra chất cao thành đống. Núi công việc ấy dồn lên vai những người lao công-trong đó đa phần là nữ.
Nữ công nhân môi trường dọn rác thải tại đường Trần Phú. Ảnh Hồng Thương |
Cho phố phường sạch đẹp ngày xuân
17 giờ chiều ngày 29 Tết, con đường Nguyễn Thiện Thuật-Hoàng Văn Thụ đoạn gần Trung tâm Thương mại Pleiku bị phủ kín bởi những đống rác chất cao hơn cả đầu người được tiểu thương buôn bán dồn xả vội vã. Mạnh ai nấy xả, sau cả tuần bon chen buôn bán, rác phủ kín khắp nơi. Sức người không xuể để “chiến đấu” với núi rác, Công ty TNHH MTV Công trình đô thị đã phải huy động cả máy xúc để “can thiệp”. Và tất nhiên, đơn vị phải huy động lực lượng nam công nhân để đảm nhiệm, chứ nếu cứ theo lệ thường, sẽ là quá sức với các chị em. Chỉ tay vào mấy chiếc xe cẩu đang cào xúc rác, anh Huỳnh Hùng (đội Duy tu số 1)- một trong những thành viên tham gia trong “đội mạnh” này, tâm sự: “Đây mới chỉ là bước đầu thôi, tạm dẹp cho ổn rồi mới quét dọn, rồi rửa cho sạch sẽ. Nếu không thì ngày mai cả đoạn đường này sẽ thối inh mùi vì rác rau, cỏ bị két đóng thành tầng lớp trên mặt đường. Đây là điểm “khó nhằn” số 1 trong khâu tổng vệ sinh đường phố vào đêm giao thừa”.
“Đánh vật” với rác chiều 29 Tết. Ảnh Lê Hòa |
… Đêm giao thừa, khi mọi người đã tề tựu bên gia đình để đón giờ phút thiêng liêng của đất trời vào xuân thì trên các nẻo đường thành phố Pleiku, hàng trăm công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang miệt mài với công việc làm sạch đường phố. Dưới ánh điện đường, họ lặng thầm cống hiến sức mình cho một phố núi những ngày đầu xuân thêm sạch, đẹp hơn. “Nghề nghiệp nhiễm vào máu rồi, thấy phố phường sạch đẹp cũng có nghĩa là nhiệm vụ của chúng tôi hoàn thành đâu vào đó, chúng tôi mới phấn khởi cùng gia đình đón xuân”- anh Hùng bộc bạch.
Hạnh phúc của những công nhân môi trường là mỗi sáng đầu năm mới được thấy dòng người tấp nập đón xuân trên những cung đường sạch đẹp-ấy đã là một món quà đầu xuân. Chính vì lẽ đó mà các chị luôn làm việc với trách nhiệm cao và tăng “công suất” làm việc cho đến lúc nào đường phố đã sạch sẽ mới bắt đầu về nhà. Chị Hồng, tâm sự: “Dù ngày cuối cùng của năm, chúng tôi phải tăng thời gian làm việc nên ít có thời gian để dành cho gia đình và cho bản thân. Nhưng dẫu vậy, chị em chúng tôi vẫn cố gắng để cân bằng công việc giữa gia đình và xã hội để chồng và các con không cảm thấy thiếu thốn bàn tay chăm sóc của người vợ, người mẹ-nhất là trong những dịp lễ, Tết này”.
“Chinh phục” núi rác. Ảnh Lê Hòa |
Còn chị Nguyễn Thị Hiền-một công nhân khác trong đội, chia sẻ: “Làm nghề này nhiều lúc vất vả lắm nhưng nhiều lúc cũng thấy vui thật. Nhất là trong những dịp tết này, chỉ cần mỗi sớm mai thức dậy được thấy chính chồng và các con của mình thả bước trên những cung đường sạch sẽ do một phần công sức mình góp nên cũng là một niềm vui đầu năm”.
… Những ngày đầu năm mới, được rảo bước du xuân trên những con đường sạch đẹp mà chỉ mới đêm qua thôi còn ngập những rác, lại thấy cảm ơn những con người đã làm việc xuyên cả giao thừa để góp sức đem đến cho mọi người sắc xuân.
Lê Hòa-Hồng Thương