Chia của cho người chết làm gì để không oằn vai người sống?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với quan niệm cái chết không phải là thời điểm kết thúc “hành trình” của sự sống, mà đó mới là điểm khởi đầu để người chết “hồi sinh” ở thế giới atâu nên khi có người thân qua đời, người Jrai, Bahnar luôn chuẩn bị cho người chết những điều kiện tốt nhất, những mong họ có cuộc sống tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia. Nhưng những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, việc “chia của” cho người chết trong đám tang của người Bahnar, Jrai có những vấn đề nảy sinh cần được quan tâm điều chỉnh.

Những ngày đầu năm 2018, trên mạng xã hội xuất hiện video clip của một chủ facebook có tên Khoi Kim. Với việc ghi lại đầy đủ quy trình chôn cất trong một đám tang ở Tây Nguyên, video clip đã làm nhiều người kinh ngạc. Sau nửa năm đăng tải, video này đã có hơn 12.000 lượt chia sẻ, cùng rất nhiều bình luận theo những chiều hướng khác nhau, trong đó có không ít lời bình luận khiếm nhã của một số cá nhân vốn rất xa lạ với văn hóa Tây Nguyên.

 

Một lễ bỏ mả tại huyện Chư Pah. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Một lễ bỏ mả tại huyện Chư Pah. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Thông tin từ video clip này cho biết: Đám tang diễn ra trong một buổi chiều ngập nắng, tại một khu nhà mồ của người dân tộc thiểu số trên vùng đất đỏ bazan. Huyệt mộ được đào hình chữ nhật, khá sâu và rộng. Toàn bộ lòng huyệt được lát gạch hoa (cả đáy và 4 vách). Sau khi quan tài được hạ xuống, người ta bắt đầu chôn theo những tài sản được chia cho người chết gồm: 1 xe máy (còn mới); 1 quạt máy (mới mua, chưa bóc lớp ni lông bọc bên ngoài); dụng cụ lao động (bình phun thuốc trừ sâu, máy cắt cỏ, cuốc xẻng, dao, rựa, cưa...); đồ gia dụng và lương thực, thực phẩm (ghè rượu, nồi cơm điện, gạo, dầu ăn, thịt nướng, đồ dùng nướng thịt, thau chậu, chổi quét nhà...); nhiều bao tải (có lẽ là quần áo, tấm đắp...). Cuối cùng, một người phụ nữ (mà sau này chúng tôi mới biết là vợ người chết) đưa xuống mộ 2 nhánh cà phê chi chít trái xanh. (Trong khi đó, trước kia, trong điều kiện kinh tế khó khăn, những tài sản được chia cho người chết khá giống nhau, chỉ là đồ dùng cá nhân, là dụng cụ sản xuất và đồ gia dụng truyền thống, muối, gạo và hạt giống các loại).

Sau khi xem kỹ video clip, xác định được vùng đất có đám tang này, ngày 24-4-2018, chúng tôi đi khảo sát thực tế. Đó là khu vực cư trú của đồng bào Jrai ở vùng tiếp giáp giữa 3 huyện Chư Sê, Chư Pưh và Chư Prông. Hiện ở vùng này, đồng bào Jrai và người Kinh mới đến lập nghiệp đều thu nhập chủ yếu bằng việc canh tác cà phê, cao su. Người chết trong đám tang được ghi lại trong video clip là một người đàn ông sinh năm 1963 (chúng tôi xin phép được giấu tên). Ông chết do tai nạn giao thông vào tháng 9-2017. Gia đình cho chúng tôi biết, khi lo đám tang này, ngoài số đồ đạc “chia” cho người chết, gia đình ông còn “đốt” 2 con bò, bà con họ hàng mang đến “đốt” cho ông hơn 10 con heo. Một cán bộ xã cho biết thêm, ở làng này, từ lâu bà con Jrai đã không còn làm lễ pơthi (bỏ mả) nên việc chia của cho người chết được dồn hết vào đám tang. Sau khi khảo sát trong phạm vi nhiều xã cận kề, chúng tôi được biết, đám tang được ghi hình trong video clip không phải là một đám đặc biệt trong vùng. Đồ vật được “chia” cho người chết cũng không phải là nhiều nhất.

Trong chuyến khảo sát này, được sự chỉ dẫn của người địa phương, buổi trưa, chúng tôi tìm đến một gia đình ở làng O Grưng (xã Ia Ko, huyện Chư Sê) khi cả nhà vừa hoàn thành việc chôn cất người thân vào sáng hôm đó. Người tiếp chuyện chúng tôi là chị Siu S. (SN 1978)-chị gái của người đàn ông có tên Siu M. (SN 1980), vừa bị tai nạn giao thông chết lúc 4 giờ chiều 22-4-2018, bỏ lại vợ và 3 đứa con. Tuy không giàu, nhưng trong đám ma này, gia đình M. đã “đập” 1 con bò (của nhà), 1 con dê (của nhà), 6 con heo (do bà con mang đến). Gia đình cũng đã cho Siu M. “mang đi” toàn bộ áo quần của anh ta, ti vi mới mua, dầu ăn, rìu, ghè, gạo (10 kg)... Cô con gái lớn (15 tuổi) của Siu M. nói với chúng tôi: “Nhà không còn ti vi nữa, vì cho bố rồi!”.

Rời làng O Grưng, chúng tôi đến làng Gran (xã Ia Hlốp). Ở đây, chúng tôi được nghe câu chuyện về Rơlan P.. Vì đi xe máy gây tai nạn, bị gia đình la mắng, P. (khoảng 16 tuổi) đã tự tử. Tài sản lớn nhất của gia đình em là chiếc xe công nông phục vụ sản xuất. Khi còn sống, P. hay lái chiếc xe này, lúc em chết, bởi quá thương con nên mẹ P. và gia đình có ý định “chia” cho em chiếc xe công nông-vừa là tài sản, vừa là phương tiện làm ăn của gia đình. Cuối cùng, do bà con làng xóm quyết liệt ngăn cản nên gia đình này đã không chôn chiếc xe công nông theo cho con. Nhưng ngoài đồ dùng cá nhân và dụng cụ sản xuất, gia đình P. cũng đã “chia” cho em chiếc xe máy SYM mới mua.

Cũng ở làng Gran, đám ma của ông Siu V. (SN 1954, chết năm 2017 vì ung thư gan), gia đình cũng “đập” 1 con bò, họ hàng mang đến khoảng 10 con heo. Nhà có 2 chiếc xe máy cũng đã “chia” chôn theo cho ông chiếc đắt tiền nhất cùng ti vi, quạt điện, đồ gia dụng, lương thực, thực phẩm; dụng cụ sản xuất…

Nếu như ở khu vực tiếp giáp giữa các huyện Chư Sê, Chư Pưh và Chư Prông, lễ vật chia cho người chết được lấp hết trong huyệt mộ cùng quan tài người chết, thì ở huyện Chư Pah và vùng người Jrai tỉnh Kon Tum (tiếp giáp với khu vực người Jrai tỉnh Gia Lai), lễ vật chia cho người chết thường được để trên đầu và quanh mộ. Khi đến khu nhà mồ làng Bloi (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah) vào ngày 24-3-2018, chúng tôi thấy ở đây có chiếc xe máy đã trơ khung.

Cũng là việc chia của cho người chết của người Bahnar, Jrai, nhưng ở một số vùng, chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt đáng kể trong cách làm: một số làng của người Jrai Aráp, người ta không chia cho người chết những vật thật, mà là những vật thay thế, được đẽo gọt bằng tay rồi trang trí rất đẹp mắt. Còn người Bahnar ở Đak Pơ và Kbang cũng chia xe máy cho người chết, nhưng không chôn luôn cái xe mà chỉ cạo 1 chút sơn, hoặc cắt 1 khúc dây điện, hay bẻ 1 cái gương… gói vào giấy chôn theo. Với những đồ dùng khác, đồng bào cũng làm tương tự như vậy.

Trong điều kiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn, rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể các cấp và cả hệ thống trường học để giải thích cho bà con hiểu về sự lãng phí khi chôn gần như toàn bộ số tài sản có giá trị mà gia đình có được cho người chết; cũng rất cần tuyên truyền, nhân rộng các hình thức chia của bằng vật thay thế hay chia của tượng trưng đã được đồng bào ở một số địa phương trong tỉnh thực hiện.

Nguyễn Thị Kim Vân

Có thể bạn quan tâm