Gia Lai: Tạo môi trường kết nối các nhà đầu tư của Australia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 4-4, tại TP. Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Trường Đại học Canberra-Đại học Quốc gia Australia tổ chức Hội thảo “Kiến tạo các chuỗi giá trị quan trọng cho hai nền kinh tế Việt Nam-Australia”. Tham dự hội thảo có các đồng chí: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Trường Đại học Canberra, Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Australia và đông đảo doanh nghiệp.

Hội thảo “Kiến tạo các chuỗi giá trị quan trọng cho hai nền kinh tế Việt Nam-Australia” nhằm giới thiệu các nghiên cứu có liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất rau an toàn và những dự án có tiềm năng sẽ đầu tư tại Gia Lai. Đồng thời, tạo môi trường kết nối các nhà đầu tư của Australia và nhà đầu tư tại Gia Lai để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 

Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Australia ký kết bản ghi nhớ với đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.  Ảnh: Hà Duy
Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Australia ký kết bản ghi nhớ với đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành bày tỏ mong muốn và kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Gia Lai để tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Ngoài các cơ chế chính sách chung của Trung ương, tỉnh Gia Lai có cơ chế chính sách riêng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm hợp tác, làm ăn lâu dài. Tôi hy vọng hội thảo này sẽ mang đến cho Gia Lai một luồng gió mới, một sinh khí mới để phát triển đi lên”.

Tại hội thảo, Giáo sư Scott Murray-Trưởng khoa Toán thống kê (Trường Đại học Canberra) đã giới thiệu các chủ đề như: mô hình nghiên cứu chuỗi giá trị; con đường phát triển của Việt Nam và những giá trị thiết yếu với Australia; giá trị thiết yếu giữa Việt Nam và Australia thông qua CPTPP. Giáo sư Scott Murray nhấn mạnh việc cần thiết phải tạo một mạng lưới thương mại và đầu tư để thúc đẩy chuỗi giá trị thiết yếu giữa Việt Nam và Australia. Cụ thể, Giáo sư đánh giá rất cao về tiềm năng và thế mạnh của Gia Lai. Ông cho rằng, tỉnh cần tập trung phát triển, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, trong đó giải pháp tối ưu là xây dựng và phát triển các hợp tác xã để ổn định sản xuất, hướng đến các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đảm bảo các chứng nhận tiêu chuẩn để xuất khẩu ra thị trường Australia và các nước khác.

Tại hội thảo, các cố vấn cấp cao của Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Australia cũng đã trình bày các vấn đề về xây dựng công ty theo hướng công nghệ cao sản xuất thảo dược và thực phẩm chức năng tại Việt Nam và kinh nghiệm canh tác nông nghiệp hữu cơ tại các nước trên thế giới. Tiếp đó, nhằm cụ thể hóa việc kiến tạo các chuỗi giá trị quan trọng cho hai nền kinh tế Việt Nam-Australia, Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Australia đã ký kết bản ghi nhớ với đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai về sản xuất bột gấc hữu cơ chất lượng cao theo phương pháp chế biến tiên tiến; ký kết bản ghi nhớ với thị xã An Khê về phát triển sản xuất rau an toàn chất lượng cao.

 

Giáo sư Scott Murray tham quan các gian hàng trưng bày đặc sản Gia Lai. Ảnh: H.D
Giáo sư Scott Murray tham quan các gian hàng trưng bày đặc sản Gia Lai. Ảnh: H.D

Mặc dù là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, song nông nghiệp Gia Lai vẫn chưa phát triển bền vững. Liên quan tới vấn đề này, tại hội thảo, ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, cho rằng: “Việc phát triển nông nghiệp ở Gia Lai gặp khó vì nhỏ lẻ, khó tạo được liên kết, đồng thuận để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, nông dân thực sự cần được định hướng và hỗ trợ lối đi, cần có đầu ra bền vững và ổn định về giá. Tôi mong muốn thông qua hội thảo này, nông dân sẽ có thêm cơ hội tiếp cận thị trường mới, có đầu ra bền vững”.

Bà Đặng Thị Mỹ Dung-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nữ Gia Lai, cũng bày tỏ: “Đây là cơ hội để doanh nghiệp Gia Lai được tiếp cận với các nền sản xuất tiên tiến. Chúng tôi mong muốn trong tương lai, doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh cũng như Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Australia tạo điều kiện để tiếp cận, tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất tiên tiến ở Australia”.

Một vấn đề cũng nhận được sự đồng tình của rất nhiều đại biểu tham dự hội thảo, đó là công tác đào tạo nguồn nhân lực. Bà Võ Thị Tuyết Hà-Phó Giám đốc Tập đoàn Trường Sinh, nói: “Chúng tôi muốn biết sâu hơn về cơ hội hợp tác để Trường Sinh có thể đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, mà cụ thể là Australia. Một vấn đề chúng tôi quan tâm nữa là về giáo dục. Nên có một chương trình hợp tác tại Gia Lai để có nguồn nhân lực du học từ Australia về phục vụ cho tỉnh nhà hoặc Australia có trường đào tạo tại Gia Lai để đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, trình độ cao”.

Trả lời vấn đề này ngay tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài-Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Australia, thông tin: Phía Australia sẽ cố gắng tìm nguồn hỗ trợ để giúp phát triển các doanh nhân nữ. Australia cũng có kế hoạch liên kết thành lập một trường đào tạo về nguồn nhân lực, lao động tại An Giang hoặc TP. Hồ Chí Minh, tất cả chương trình đào tạo đều sử dụng tiếng Anh và người học sẽ có 1 năm thực tập tại Australia.

Cũng tại hội thảo, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, tỉnh rất quan tâm đến các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ bởi đây là lực lượng đóng góp nhiều cho ngân sách. Sở cũng rất mong muốn có nhiều hội nghị thu hút đầu tư để mời các nhà đầu tư đến với Gia Lai.

Bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Trường Đại học Canberra, Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Australia, các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh hy vọng, kết quả hội thảo sẽ là cơ sở để hoạch định chính sách thu hút đầu tư vào Gia Lai trong thời gian đến và cũng là dịp để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư vào Gia Lai.

* Ông NGUYỄN HÙNG VỸ-Chủ tịch UBND thị xã An Khê:
Mong được hỗ trợ, tiếp cận nền sản xuất công nghệ cao
 
An Khê là vùng đất giàu tiềm năng và nguồn lực để tạo nên các chuỗi giá trị nông nghiệp, du lịch... Việc ký biên bản ghi nhớ với Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Australia là cơ hội để chúng tôi tiếp cận với nền sản xuất tiên tiến, được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật nhằm sớm đạt tới mục tiêu xây dựng nông nghiệp sạch với rau an toàn, thực phẩm chức năng chất lượng và những giá trị khác liên quan tới nông nghiệp. Thị xã An Khê sẽ tập trung liên kết những nông dân trồng rau với những người thuộc chuỗi giá trị khác, kết nối những nông dân này với nhu cầu thị trường, đồng thời cũng thúc đẩy sự an toàn, chất lượng sản phẩm. Theo bản ghi nhớ, Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Australia sẽ cung cấp các kết nối với các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các nhà đầu tư và các nhà thầu khoán trong các lĩnh vực chuỗi giá trị thực phẩm chức năng, thương mại quốc tế, thống kê và nông nghiệp kỹ thuật cao, đồng thời tìm kiếm các nguồn tài trợ cho các dự án tiềm năng, bao gồm các quỹ tài trợ của Chính phủ Australia và các nhà đầu tư tư nhân.

* Giáo sư NGUYỄN HỮU MINH-Khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Newcastle:
Gia Lai có nhiều cơ hội xuất khẩu bột gấc, nghệ, trà xanh… làm thực phẩm chức năng
 
Năm 2017, thị trường thực phẩm chức năng thế giới có giá trị khoảng 300 tỷ USD, mức tăng trưởng 6% mỗi năm. Đây là cơ sở hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho ngành sản xuất thực phẩm chức năng. Các loại thực phẩm chức năng phổ biến hiện nay gồm có Vitamin, thuốc bổ sung, các đồ uống chức năng. Trong đó, hoạt chất Carotenois là thành phần chính. Chất này có rất nhiều trong quả gấc-loại cây phổ biến ở Việt Nam. Vì thế, Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng có thể tham gia thị trường này bằng cách đầu tư sản xuất nguyên liệu bột gấc.

Australia là quốc gia có nhiều nghiên cứu và công nghệ chế biến tiên tiến như: công nghệ sấy đông (freeze drying) sẽ cho sản phẩm chất lượng cao, thích hợp làm nguyên liệu cho sản phẩm thực phẩm chức năng. Dây chuyền này có thể áp dụng để sản xuất cho nhiều loại cây dược liệu khác như nghệ, trà xanh... Công nghệ này đã được nghiên cứu, cập nhật và hoàn thiện tại nhiều trường đại học của Australia và sẽ chuyển giao cho Việt Nam. Gia Lai là địa phương có điều kiện đất đai và khí hậu phù hợp để trồng và chế biến các loại cây dược liệu thành nguyên liệu xuất sang Australia.

* Tiến sĩ NGUYỄN VĂN KIỀN-Đại học Quốc gia Australia:
Nên xây dựng phương pháp chứng nhận hữu cơ PGS
 
Xu hướng trồng trọt hữu cơ trên thế giới đang tăng mạnh, nhu cầu về sản phẩm hữu cơ khá lớn. Song, sản phẩm hữu cơ đòi hỏi những tiêu chuẩn nhất định, phải được các tổ chức uy tín chứng nhận. Đây là một khó khăn đối với Gia Lai bởi đặc điểm sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, để chứng nhận phải tốn nhiều chi phí và khó đạt tiêu chuẩn. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể sử dụng phương pháp chứng nhận PGS (Participatory Guarantee System). Đây là hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh địa phương, vừa tiết kiệm chi phí, vừa có thể tận dụng nguồn rác hữu cơ như lá cây, phân chuồng, đồng thời giúp nông dân liên kết đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường.
Với điều kiện của Gia Lai, việc phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ sẽ mang lại giá trị cao, trong đó hồ tiêu được xem là sản phẩm có nhiều tiềm năng.

Hà Duy-Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

(GLO)- Tiểu đoàn SPG-9 (Tiểu đoàn 15), Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 được trang bị hỏa lực mạnh, cơ động nhanh là một trong những lực lượng chủ công của Sư đoàn 320 khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn.