Nhộn nhịp thị trường ngày 29 Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ còn 2 ngày nữa là đến Tết, không khí mua bán đang rất hối hả, tấp nập khắp mọi nơi, từ mặt hàng bánh mứt, hoa, trái cây, thức uống cho đến thực phẩm tươi sống…
Không khan hàng bánh mứt, đồ uống  
Khảo sát một số điểm bán lớn trên địa bàn cho thấy, lượng hàng bánh mứt, đồ uống đến thời điểm này không còn nhiều nữa, nhưng không phải là tình trạng cháy hàng. Bởi theo người bán, năm nay khởi động thị trường tương đối sớm, người dân cơ bản đã mua sắm đầy đủ, chỉ còn người lao động, công nhân viên chức chính thức được nghỉ Tết từ 28 Âm lịch nên mới bắt đầu đi mua.
Bà Trương Thị Bửu-đại diện Công ty TNHH sản xuất Thương mại và dịch vụ Tam Ba cho biết: "Cửa hàng Tam Ba đã chuẩn bị hơn 100 mặt hàng phục vụ Tết gồm bánh kẹo, mứt, đồ uống, thực phẩm công nghệ để phục vụ người dân trên địa bàn từ đầu tháng Chạp. Ban đầu dự báo sức mua chỉ tăng nhẹ nhưng không ngờ sức mua tăng mạnh từ giữa tháng Chạp nên cửa hàng đã nhập về thêm 3 đợt hàng nữa. Đến thời điểm này, 95% lượng hàng đã được tiêu thụ, khả năng trong ngày nay sẽ hết sạch hàng".
 Quầy hàng bánh mứt ở cửa hàng Tam Ba lúc nào cũng tấp nập khách mua. Ảnh: Vũ Thảo
Quầy hàng bánh mứt ở Cửa hàng Tam Ba lúc nào cũng tấp nập khách mua. Ảnh: Vũ Thảo
Ngược lại với nhiều cửa hàng lớn thì sức tiêu thụ bánh mứt tại các chợ truyền thống đang trong tình trạng tồn số lượng lớn, đến sáng ngày 29 Tết rồi mà sức tiêu thụ vẫn rất chậm. "Đối tượng phục vụ chính của những người bán trong chợ là người lao động và người dân ở huyện, trong khi thu nhập của người dân làm nông nghiệp giảm sút đáng kể nên nhu cầu sắm Tết cũng hạn chế hơn những năm trước. Với tình hình mua bán ì ạch như thế này, 2 ngày nữa chắc không tiêu thụ hết. Một số loại bánh kẹo ngày thường vẫn còn bán được, nhưng một số loại mứt hạn sử dụng rất ngắn, một thời gian nữa buộc phải bỏ đi"-anh Hải- bán bánh mứt ở Trung tâm thương mại Pleiku rầu rĩ nói.
Tình hình mua bán đồ uống như rượu bia, nước giải khát đến thời điểm này đã có những chuyển biến cả về sức mua lẫn giá cả. Hiện tại, một số loại bia thông dụng như Heineken có giá 385-392 ngàn đồng/thùng (tăng khoảng 15 ngàn đồng/thùng), bia Tiger trước đó có giá là 305 ngàn đồng giờ tăng lên 325 ngàn đồng/thùng (tăng 20 ngàn đồng/thùng), nước ngọt 175 ngàn đồngtăng lên 190 ngàn đồng (tăng 15 ngàn đồng/thùng)… Chị Thùy-Đại lý bia Thùy Dương (đường Phạm Văn Đồng) cho biết: Giá bia mới tăng khoảng vài ngày gần đây với mức tăng từ 10 ngàn đồng đến 15 ngàn đồng/thùng. So với thời điểm năm trước mức tăng này tương đối hợp lý, không gọi là biến động mạnh.
Trái cây đội giá, thịt tăng nhẹ
Đây là 2 mặt hàng có mức tiêu thụ tăng mạnh từ 23 tháng Chạp và đến những ngày cận Tết này nhu cầu càng tăng mạnh hơn, giá cả cũng nhích lên theo, có loại tăng đến một nửa. Chị Thắm - một người bán trái cây ở chợ Hoa Lư cho biết: Hơn cả tuần nay, lượng hàng nhập về tăng gấp đôi, gấp ba so ngày thường. Đặc biệt, để chuẩn bị cho nhu cầu khách hàng mua chưng Tết, bắt đầu từ 28 tháng Chạp sẽ nới rộng thêm sạp hàng ra bên ngoài để phục vụ thuận tiện hơn. Theo chị Thắm, giá tăng mạnh nhất là những loại trái cây bày mâm ngũ quả, với mức tăng đến 50%. 
Khách hàng ngày càng chuộng mua sắm trái cây trong siêu thị. Ảnh: Vũ Thảo
Khách hàng ngày càng chuộng mua sắm trái cây trong siêu thị. Ảnh: Vũ Thảo
Theo dự báo, do nhu cầu tăng nên lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ trong dịp trước, trong và sau Tết trên địa bàn khoảng 12.000 tỷ đồng. Riêng tháng cận Tết (tháng 2-2018) dự báo nhu cầu mua sắm sẽ tăng khoảng 30%, các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn đã tập trung chuẩn bị một lượng hàng thiết yếu để phục vụ cho tháng cận Tết với trị giá khoảng 6.461 tỷ đồng. 

Đang chọn một số loại trái cây để mua cúng cuối năm, chị Thùy Linh (nhà ở tổ 2 phường Hoa Lư-TP. Pleiku) không khỏi giật mình khi nghe chủ sạp hàng báo giá một số loại trái cây ngày thường chị vẫn hay mua giờ đã có mức tăng khủng gần như gấp đôi, như thanh long từ 35 ngàn đồng nay tăng lên 65 ngàn đồng/ký; mãng cầu tăng từ 40 ngàn lên 75 ngàn đồng/ký, loại to đẹp đến 80 ngàn đồng/ký; táo đỏ Mỹ 60 ngàn lên 80 ngàn đồng/ký; bưởi da xanh 60 lên 100 ngàn đồng/ký… "Biết rằng Tết giá hàng gì cũng tăng, nhưng không nghĩ giá trái cây lại tăng cao quá vậy. Bình thường mua khoảng 120 ngàn là đã có một dĩa trái cây tương đối, giờ phải bỏ ra đến 200 ngàn đồng mà sao vẫn thấy thiếu thiếu" - chị Linh than thở.
Lý giải cho việc tăng giá mạnh, cô Tám-chủ sạp trái cây ở Trung tâm Thương mại Pleiku cho hay, vào ngày Tết một phần giá nhập từ vựa tăng cao, phần chi phí vận chuyển đội lên, phần thêm tiền thuê người phụ bán đã làm tăng chi phí đẩy giá bán tăng theo. Bên cạnh một số loại trái cây người tiêu dùng chuộng vào dịp Tết tăng giá mạnh thì cũng có nhiều loại chỉ nhích giá nhẹ do nguồn cung tại chỗ dồi dào như cam, quýt. Còn một số loại nhập từ miền Nam  giá tăng đáng kể do nguồn hàng cũng không mấy dồi dào. Ngay cả là mối lái lâu nay nhưng khi chốt hàng vẫn phải trả tiền trước mới được giao hàng. 
Khảo sát giá một số chợ trên địa bàn cho thấy, giá trái cây bán lẻ ở các sạp chỉ chênh nhau từ 3 ngàn đồng đến 5 ngàn đồng/ký, giá bán tăng so ngày thường vào khoảng 30-50% tùy loại, một số loại tăng gần gấp đôi.  
Trong khi giá trái cây có mức tăng mạnh nhất, thì ngược lại loại thực phẩm tươi sống như rau củ đang đứng giá, chỉ một số rau nhích giá rất nhẹ. Còn thịt cũng tương tự, như giá thịt heo các loại chỉ tăng 10 - 15 ngàn đồng/ký so ngày thường, tương ứng mức tăng 10%, thịt bò đùi từ 250 ngàn đồng/ký nay tăng lên 290 ngàn đồng/ký. Riêng hải sản có mức tăng rất mạnh, hầu như loại nào cũng tăng mạnh từ 30-50%, như tôm thẻ từ 170 ngàn đồng/ký tăng lên 250 ngàn đồng/ký, tôm sú từ 280 ngàn đồng/ký tăng lên 420 ngàn đồng/ký, mực ống từ 180 ngàn đồng tăng lên 270 ngàn đồng/ký, các loại cá tươi tăng từ 30 - 70 ngàn đồng/ký…    
Theo dự báo của người bán, đến thời điểm này giá thực phẩm đã cơ bản ở mức rất cao rồi, nhưng nguồn cung hàng lại không dồi dào, các đầu mối chỉ cung cấp cho mối lái rất nhỏ giọt, vì vậy khả năng tăng trong 2 ngày nữa dễ xảy ra khi lúc này sức mua của người dân mới tăng mạnh.

Chợ vắng, siêu thị rồng rắn khách mua   
Ông Trần Văn Tư-Trưởng ban Quản lý Trung tâm thương mại Pleiku cho biết: Qua khảo sát nắm bắt thực tế tình hình buôn bán của các hộ kinh doanh nơi đây cho thấy, mùa Tết năm nay các tiểu thương kinh doanh than thở ế hơn mọi năm rất nhiều mặc dù Trung tâm thương mại là đầu mối kinh doanh lớn nhất trên địa bàn. Đây cũng được nhận định là xu thế, bởi hiện tại hệ thống bán lẻ bên ngoài phát triển rất mạnh, hàng hóa đa dạng phong phú cộng với nhiều sự tiện lợi ngày càng khiến hoạt động trong chợ truyền thống kém sôi động đi. Trung tâm thương mại Pleiku có 575 hộ kinh doanh, trong đó thực phẩm chiếm khoảng 50%, còn lại là hàng quần áo và hàng tạp hóa khoảng 50% nữa. Dịp Tết dự báo sức mua tại đây tăng khoảng 10% so ngày thường, nhưng với tình hình chợ ế như thế này rất khó cho các hộ kinh doanh đạt được doanh số bán hàng như kỳ vọng. Chỉ một số mặt hàng tiêu thụ mạnh lúc này là thực phẩm tươi sống, hoa quả. 
Trong khi chợ truyền thống sức tiêu thụ hàng kém thì ngược lại một số siêu thị lớn trên địa bàn như Co.op Mart Pleiku, Vinmart, các siêu thị mini lại buôn bán rất tấp nập, lượng người rồng rắn, chen lấn mua sắm. Theo chị Nguyễn Thị Diệu Trinh-Tổ trưởng Tổ Marketing và Dịch vụ khách hàng Siêu thị Co.op Mart Pleiku, từ giữa tháng Chạp lượng khách mua sắm đã tăng mạnh, đến 27 Tết doanh số bán hàng của siêu thị đã đạt 95% kế hoạch, tăng 7% so năm trước, mức tăng mạnh nhất tập trung ở nhóm thực phẩm tươi sống và hàng công nghệ. Để đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu sắm sửa của người dân, siêu thị đã chuẩn bị một lượng hàng trị giá trên 100 tỷ đồng với hàng ngàn mặt hàng. Bên cạnh những mặt hàng bình ổn giá, một số mặt hàng thiết yếu được chủ động tham gia giữ giá tốt hơn so với thị trường tối thiểu 5 - 10%, và thực hiện giảm giá thêm hàng ngàn sản phẩm đặc trưng Tết với mức khuyến mãi từ 10% đến 50%. Thời điểm này, sức mua đang tăng rất mạnh, lượng khách ra vào đông nghẹt, do đó siêu thị đã bố trí thêm nhiều cash tính tiền để giải phóng lượt khách, giúp khách hàng mua sắm đầy đủ và tiết kiệm thời gian. Đồng thời, cũng tăng cường thêm nhân viên thời vụ phục vụ tại chỗ và nhân viên giao hàng tận nhà cho khách.    
Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.