Xuất khẩu cao su sang Mỹ: Giải pháp ổn định, lâu dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có thể nói, Mỹ luôn là thị trường hấp dẫn đối với các công ty xuất khẩu không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Thế nhưng, để có một “vé” trong “sân chơi” này không phải dễ, do tiêu chuẩn, chất lượng đối tác Mỹ yêu cầu khá cao, nhất là đối với với mặt hàng cao su thì sự cạnh tranh càng gay gắt. Tuy nhiên, với chiến lược sản xuất kinh doanh bền vững, lâu dài, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông (Gia Lai) đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm vươn ra tìm kiếm thị trường mới, xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như châu Âu, Mỹ.

Ảnh: Lê Lan
Ảnh: Lê Lan

Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn-Phó Giám đốc Xí nghiệp Chế biến Vận tải thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông thì Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông là đơn vị đầu tiên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tại Tây Nguyên tiến hành sản xuất dòng sản phẩm chất lượng cao Latex (còn gọi là mủ ly tâm). Năm 2010, Công ty đã sản xuất được những lô hàng Latex cô đặc đầu tiên với sản lượng 800 tấn. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng trên lộ trình đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời khẳng định thương hiệu của đơn vị trên thị trường trong và ngoài nước.

Và sự kiện đánh dấu bước ngoặt trên chính lô cao su Latex đầu tiên của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông xuất sang Mỹ vào tháng 7-2011. Vượt qua được sự kiểm soát khắt khe của hàng rào chất lượng, tiêu chuẩn Mỹ, hiện sản phẩm mủ cao su Latex của Công ty đã có nhiều đơn đặt hàng từ các tập đoàn kinh tế lớn tại Mỹ như Orental, Edgepoint và một số công ty tại các nước SNG (thuộc Liên Xô cũ). Song song đó, Công ty vẫn duy trì sản lượng xuất khẩu ổn định đối với các thị trường truyền thống như Thái Lan, Brazil, Trung Quốc…

Nhớ lại hành trình những ngày mới xuất khẩu sang Mỹ, anh Dương Minh Hải-nhân viên phụ trách bán hàng của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông vẫn chưa hết cảm giác vui mừng, anh Hải nói: “Ban đầu đối tác Mỹ chỉ đặt đơn hàng nhỏ (20 tấn) sau khi kiểm tra chất lượng nếu đạt yêu cầu họ mới ký hợp đồng dài hạn. Họ còn cho chuyên gia sang tận nơi tư vấn, kiểm soát chất lượng rất gắt gao. Thời gian này anh em phụ trách rất lo lắng, và rồi tin vui cũng đến khi đối tác Mỹ gật đầu chấp nhận, tăng sản lượng xuất khẩu lên hàng năm. Từ năm 2012 đến nay, sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ của Công ty luôn ổn định, đạt gần 2.000 tấn/năm”.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Thế nhưng để sản xuất được 1 tấn mủ ly tâm đáp ứng được yêu cầu khắc khe của đối tác Mỹ là việc làm không dễ, đòi hỏi một quy trình hết sức nghiêm ngặt. “Bắt đầu từ người công nhân cạo mủ phải vệ sinh chén bát, dụng cụ khai thác luôn sạch sẽ, thời gian trút mủ sớm hơn so với loại mủ để sản xuất sản phẩm khác. Vì mủ để sản xuất mủ ly tâm không thể để lâu ngoài trời, nếu bị nước mưa hay bụi bẩn rơi vào sẽ dễ bị nhiễm khuẩn làm mủ sẽ bị đông, sản phẩm mủ khi về đến nhà máy thì hàm lượng DRC luôn cao hoặc phải lớn hơn hoặc bằng 23%... cho đến việc thường xuyên đầu tư, nâng cấp công nghệ sản xuất cho phù hợp. Đặc biệt là, những cán bộ kỹ thuật của Công ty phải luôn tìm tòi nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học và đưa sáng kiến kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật phía đối tác yêu cầu”-ông Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết thêm.
 

Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông hiện quản lý khoảng 9.000 ha cao su, trong đó đang khai thác trên 5.000 ha. Tổng công suất nhà máy sơ chế đạt 13.500 tấn/năm. Trong đó có 3 dây chuyền sản xuất, gồm dây chuyền 1 mủ cốm (SVR 3L, SVR5) công suất 6.000 tấn/năm, dây chuyền 2 mủ cốm (SVR 10, SVR 20) công suất 4.500 tấn/năm và dây chuyền mủ ly tâm (mủ Latex cô đặc 60%) công suất 3.000 tấn/năm.

Chẳng hạn, để sản phẩm đáp ứng yêu cầu “khắt khe” đối tác Mỹ, các kỹ sư đã phải nghiên cứu tìm ra các giải pháp kỹ thuật như đưa ứng dụng công nghệ ủ Urea nhằm làm sạch Protein và nâng cao chất lượng sản phẩm Latex HA hay sử dụng giải pháp loại bỏ dư thừa ion HPO42- trong sản phẩm Latex cô đặc HA… để tăng độ ổn định cơ học MST lên là 900 và trị số KOH xuống thấp hơn 0,6… những giải pháp trên không những mang lại hiệu quả cao được đối tác tin tưởng mà còn là một trong những giải pháp đạt giải thưởng tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh.

Không phụ thuộc vào thị trường truyền thống, luôn tìm kiếm mở rộng thị trường sang Mỹ, châu Âu được đánh giá là một trong những giải pháp hữu hiệu của các công ty sản xuất kinh doanh cao su hiện nay. Nó không những giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, khẳng định thương hiệu mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế, góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

(GLO)- 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 83.783 tấn, trị giá 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng nhưng tăng 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Song, giá hồ tiêu của Việt Nam xếp chót bảng so với nhiều nước.