Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku): Những khoản thu mập mờ ngoài ngân sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lờ đi chủ trương của UBND tỉnh và Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Gia Lai trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục trên nguyên tắc: “Tự nguyện, đúng mục đích, dân chủ, công khai, minh bạch”, năm học 2011-2012, Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Lợi đề ra nhiều khoản thu ngoài quy định mặc dù chưa nhận được đồng thuận từ Hội Phụ huynh học sinh.

Thu nhiều-chi ít

Theo điều tra của chúng tôi, năm học 2011-2012, Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Lợi đã thu hơn 1,21 tỷ đồng từ 18 khoản thu ngoài quy định. Trong đó, nhiều khoản thu không hợp lý như thu tiền hỗ trợ tốt nghiệp 200.000 đồng/học sinh lớp 12; thu tiền mua ghế ngồi chào cờ của cả học sinh lưu ban 60.000 đồng/học sinh.

Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Lợi còn đặt ra nhiều khoản thu trùng lắp, thậm chí gấp nhiều lần so với quy định của UBND tỉnh. Chẳng hạn như khoản thu tiền vệ sinh, nước uống của học sinh trong 10 tháng, quy định của tỉnh là 10.000 đồng/học sinh nhưng ngoài khoản thu trên, Ban Giám hiệu nhà trường còn đề ra khoản thu với tên gọi là tiền “hỗ trợ vệ sinh, nước uống” 40.000 đồng/học sinh. Tức là chỉ riêng số tiền “hỗ trợ” này đã gấp 4 lần quy định của tỉnh!

Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku nơi Ban Giám hiệu nhà trường đề ra những khoản thu ngoài ngân sách gấp nhiều lần quy định của UBND tỉnh.
Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku nơi Ban Giám hiệu nhà trường đề ra những khoản thu ngoài ngân sách gấp nhiều lần quy định của UBND tỉnh.

Mặc dù chưa nhận được sự đồng thuận của Hội Phụ huynh học sinh trong nhiều khoản đóng góp với mục đích không rõ ràng, minh bạch, “thu nhiều chi… ít” nhưng Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Lợi vẫn triển khai thu nhiều khoản như tiền hỗ trợ kinh phí cho nhà trường tham dự Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Gia Lai 50.000 đồng/học sinh (thu 84.400.000 đồng nhưng chi ra chỉ 4.825.000 đồng, 5,16%); làm lan can, nhà vệ sinh, bóng đèn 100.000 đồng/học sinh (thu 168.600.000 đồng nhưng chi ra chỉ 95.985.000 đồng, gần 70%); hỗ trợ vệ sinh, nước uống 40.000 đồng/học sinh (thu 70.040.000 đồng nhưng chi ra chỉ vỏn vẹn 1.065.000 đồng, 1,52%)… cùng nhiều khoản thu khác khiến các khoản thu do Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Lợi thực hiện dôi dư gần 680 triệu đồng, tức dư hơn 56,15% tổng số tiền thu các khoản ngoài quy định.

Được biết, ngoài các khoản thu không đúng theo nguyên tắc “tự nguyện, đúng mục đích, dân chủ, công khai, minh bạch” không hợp lý, trên cương vị Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi nhưng bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết lại đích thân dùng số tiền thu được tại khoản “mua ghế chào cờ” cho học sinh để mua 500 chiếc ghế nhựa tại cửa hàng đồ điện và dụng cụ gia đình Thanh Thủy (số 57 Trần Phú-TP. Pleiku). Tuy nhiên, khi số ghế này được nhập về trường chỉ còn lại 401 chiếc. Vậy 99 chiếc ghế nhựa mà bà Tuyết mua bỗng nhiên biến mất?

Báo cáo qua mặt Sở Giáo dục-Đào tạo?

Thực hiện Công văn số 5584/BGDĐT-KHTC ngày 23-8-2011 của Bộ Giáo dục-Đào tạo và Công văn số 2735/UBND-VHXH ngày 5-9-2011 của UBND tỉnh Gia Lai về việc tiếp tục chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, ngày 27-9-2011 Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai đã có Công văn số 1313-SGDĐT-KHTC gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh. Công văn này yêu cầu: “… Các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục-Đào tạo, các Phòng Giáo dục-Đào tạo báo cáo các khoản thu, chi ngoài ngân sách của đơn vị hiện nay về Sở Giáo dục-Đào tạo (Phòng Kế hoạch-Tài chính) trước ngày 30-10-2011”.

Tuy nhiên, xuất phát từ những khoản thu bất hợp lý do Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Lợi thực hiện, ngày 28-10-2011, bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết đã lập bảng kê các khoản thu năm học 2011-2012 gửi về Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai, để che đậy những khuất tất, mập mờ trong việc thu chi các khoản thu của học sinh ngoài ngân sách nhà nước trong sự nghiệp giáo dục, bảng kê này có nhiều điểm không đúng với thực tế. Cụ thể là nhiều khoản thực thu ngoài ngân sách đến hàng trăm triệu đồng nhưng chỉ báo cáo sơ sài và không đúng thực tế như khoản thu áo khoác, Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Lợi thu 163.890.000 đồng nhưng chỉ báo cáo Sở Giáo dục-Đào tạo 85.950.000 đồng; tiền mua ghế chào cờ, nhà trường thu 46.560.000 đồng nhưng báo cáo Sở 34.140.000 đồng…

Không chỉ tăng cường các khoản thu ngoài ngân sách, theo điều tra của chúng tôi, đối với các học sinh dân tộc thiểu số, con em các gia đình chính sách được miễn giảm một số khoản đóng góp nhưng các em học sinh trong diện chính sách ở đây vẫn phải đóng đồng đều như học sinh khác.

Trao đổi với chúng tôi về sự bất hợp lý này, bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết- Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi phủ nhận hoàn toàn: “Đối với học sinh dân tộc thiểu số, con em gia đình chính sách chúng tôi không thu. Còn với những học sinh khác thì không bắt buộc, thu trên tinh thần tự nguyện”. Tuy nhiên, trên thực tế không như lời Hiệu trưởng. Đơn cử như lớp 10C7, có 6 học sinh dân tộc thiểu số nhưng các khoản đóng góp ngoài ngân sách như tiền hỗ trợ làm nhà vệ sinh, lan can, mỗi học sinh phải nộp 100.000 đồng thì tất cả đều phải nộp.  

Dùng quyền Hiệu trưởng để biến học sinh hạnh kiểm yếu thành khá

Ngoài việc vướng nhiều sai phạm trong công tác quản lý tài chính, dưới sự chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, những học sinh có hạnh kiểm yếu, kém, bị kỷ luật lại được ưu ái nâng lên thành xếp loại hạnh kiểm khá trong hồ sơ chuyển trường. Sự việc gây nên bất bình trong học sinh đang học tại Trường THPT Lê Lợi nhưng không ai dám nói ra.

Cụ thể là trong việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm học sinh có 2 trường hợp là Huỳnh Vũ Phong-lớp 10C1 bị kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường và học sinh Nguyễn Hoàng Bảo Khoa-lớp 10C1 vi phạm quy chế kiểm tra học kỳ I. Cả 2 học sinh này đều xếp loại hạnh kiểm yếu nhưng với sự điều hành của bà Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, 2 học sinh nói trên lại được… xếp hạnh kiểm khá trong hồ sơ chuyển sang Trường THPT Pleiku! Hiện Sở Giáo dục-Đào tạo yêu cầu Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Lợi phối hợp với Trường THPT Pleiku xếp loại hạnh kiểm đối với 2 học sinh bị vi phạm kỷ luật đã chuyển trường theo đúng Thông tư số 08/TT ngày 21-2-1988 của Bộ Giáo dục-Đào tạo hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông.

Trước hàng loạt sai phạm của bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết- Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi trong công tác quản lý tài chính, quy định về đạo đức nhà giáo, ngày 10-2-2012, Thanh tra Sở Giáo dục-Đào tạo đã kết luận sau quá trình thanh tra về các khoản thu-chi trong năm học 2011-2012 và công tác quản lý của Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi. Kết luận số 14/KL-SGDĐT của Sở Giáo dục-Đào tạo xác nhận: Ngoài những sai phạm trong công tác quản lý tài chính, Hiệu trưởng (bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết) còn chịu trách nhiệm cá nhân về việc vi phạm nguyên tắc tài chính trong mua sắm, thanh toán 2 khoản chi mua áo khoác, đồ thể dục và ghế ngồi chào cờ cho học sinh...

Trên cơ sở kết luận của đoàn thanh tra, Sở Giáo dục-Đào tạo giao Phòng Tổ chức-Cán bộ căn cứ kết luận thanh tra, gợi ý bằng văn bản cho tập thể, cá nhân liên quan về những thiếu sót, sai phạm tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành, đồng thời theo dõi và đề xuất Giám đốc Sở xử lý theo thẩm quyền.

Thiết nghĩ, với hàng loạt sai phạm về nguyên tắc quản lý tài chính, vi phạm quy định đạo đức nhà giáo của bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết- Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi đang cần cách giải quyết dứt điểm của Sở Giáo dục-Đào tạo nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục theo tinh thần Công văn số 2735/UBND-VHXH ngày 5-9-2011 của UBND tỉnh.

Nhóm P.V CT-XH
 

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.