Xã hội hóa bến xe khách: Chủ trương đúng nhưng khó thực hiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tỉnh Gia Lai hiện còn 8 huyện chưa xây dựng được bến xe khách khiến hoạt động vận tải khách gặp không ít khó khăn và khó giải quyết dứt điểm tình trạng “xe dù”, “bến cóc”.

Sau nhiều năm nỗ lực kêu gọi đầu tư nhưng huyện Kông Chro vẫn chưa thể xây dựng bến xe khách. Trong khi đó, cũng trong điều kiện tương tự, huyện Krông Pa hay huyện Kbang đã xây dựng được bến xe khách và hoạt động ổn định từ lâu.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kông Chro-cho biết: “Trước đây, từng có nhà đầu tư đến khảo sát, đặt vấn đề và được trao giấy chứng nhận đầu tư bến xe khách. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, họ đành bỏ lửng vì nhận thấy nhu cầu đi lại quá ít. Lần này, khi có doanh nghiệp quan tâm, địa phương rất mừng và sẵn sàng hỗ trợ, để xây dựng bến xe nhưng lại gặp bất cập vì các chính sách, quy định chưa thống nhất”.

Bến xe khách huyện Kbang được xây dựng theo hình thức xã hội hóa và đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Lê Hòa
Bến xe khách huyện Kbang được xây dựng theo hình thức xã hội hóa và đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Lê Hòa


Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải: “Bến xe là một phần của hạ tầng giao thông. Nhiều năm qua, Sở rất quan tâm tới việc xã hội hóa đầu tư xây dựng bến xe khách để tranh thủ nguồn lực xã hội hoàn thiện hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”.

Theo ông Sơn, Kông Chro được hưởng chính sách ưu đãi vùng III theo Quyết định số 12/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được áp dụng thuế thu nhập ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm và giảm tiền thuê đất.

Tuy nhiên, theo Quyết định số 546/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về trình tự thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh thì doanh nghiệp phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Chiếu theo Luật Đất đai, các dự án đem đấu giá đất sẽ không được miễn tiền sử dụng đất. “Sự bất nhất trong quy định khiến chưa thể thống nhất về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Do đó, suốt từ năm 2016 đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa thể triển khai”-ông Sơn bày tỏ.

Huyện Phú Thiện có bến xe bài bản nhưng gặp khó vì nhu cầu đi lại thấp. Với tổng vốn đầu tư khoảng 13 tỷ đồng nhưng gần 1 năm nay, mỗi ngày bến chỉ ký lệnh cho 1 xe khách từ Gia Lai đi Hà Nội khiến doanh nghiệp phải xoay xở rất vất vả. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư bến xe cũng đang đau đầu vì nạn “xe dù”, “bến cóc”.

Ông Nguyễn Bá Minh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài chính-Kế hoạch-Vận tải (Sở Giao thông-Vận tải) cho hay: Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 bến xe khách. Trong số này có 7 bến hoạt động theo mô hình xã hội hóa, còn 2 bến do huyện trực tiếp quản lý (Đak Đoa, Chư Sê). 8 huyện chưa có bến xe gồm: Chư Prông, Chư Pưh, Ia Pa, Mang Yang, Kông Chro, Chư Păh, Ia Grai và Đak Pơ.

Cũng theo ông Minh, tỉnh ta là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng bến xe, bắt đầu từ Bến xe Đức Long Gia Lai (năm 2006). “Việc xã hội hóa đầu tư xây dựng bến xe đã thu hút được nguồn lực nhất định, chia sẻ áp lực với địa phương trong điều kiện ngân sách dành cho đầu tư hạ tầng giao thông còn hạn hẹp. Cùng với đó, việc giao quyền tự chủ vận hành, khai thác sẽ thúc đẩy doanh nghiệp chủ động đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng bến bãi nhằm thu hút xe về bến, góp phần hạn chế “xe dù”, “bến cóc”-ông Minh chia sẻ.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến việc đầu tư bến xe tại các địa phương chưa thể thực hiện được. “Ở các địa phương có nhu cầu đi lại và số phương tiện đăng ký hoạt động tại bến ít thì nhà đầu tư buộc phải cân nhắc. Đây là điều đương nhiên vì doanh nghiệp phải tính đến phương án lợi nhuận. Ngoài ra, phải kể đến sự quan tâm của địa phương từ khâu quy hoạch, hỗ trợ triển khai cho đến tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động. Một phần quan trọng nữa là sau đầu tư, việc vận động, thu hút xe về bến bãi đúng quy định phải được thực hiện nghiêm mới phát huy đúng chức năng và duy trì hoạt động của bến”-ông Minh phân tích.

LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm