Sầu riêng và nỗi niềm chung của lão nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm nay đã 72 tuổi nhưng lão nông Nguyễn Thanh Sơn vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẩn, tỉ mỉ trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đạ M’ri (thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai). Lăn lộn với sầu riêng từ thời trai trẻ đến khi tuổi đã ngoại thất tuần, với ông, làm sao để sản phẩm sầu riêng của HTX và “thủ phủ sầu riêng Đạ Huoai” được thị trường trong, ngoài nước biết đến chính là nỗi niềm chung của lão nông này.

 

Lão nông Nguyễn Thanh Sơn (giữa) tìm đến các doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước để giúp người trồng sầu riêng của HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ
Lão nông Nguyễn Thanh Sơn (giữa) tìm đến các doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước để giúp người trồng sầu riêng của HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ


 
HTX Nông nghiệp Đạ M’ri thành lập năm 2017, gồm 80 thành viên với diện tích đất canh tác là 260 ha trồng các loại cây như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, điều... Trong đó, cây trồng chủ lực của các thành viên HTX chính là sầu riêng với hơn 150 ha, măng cụt trên 35 ha. Khi thành lập, ông Nguyễn Thanh Sơn được các thành viên HTX tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc HTX cho đến bây giờ.
 
Nặng lòng với trái sầu riêng địa phương, từ khi HTX thành lập cho đến nay, lão nông đã bao lần mang sản phẩm đi giới thiệu từ tỉnh, đến Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tại các tuần lễ nông sản. Lần gần đây nhất là vào đầu tháng 6 vừa qua, ông đã cất công mang sầu riêng của HTX tham dự Tuần lễ nông sản tại hệ thống siêu thị Winmart TP Hồ Chí Minh. Dù tuổi đã cao nhưng nhiệt huyết làm kinh tế của lão nông lúc nào cũng bừng khí thế như tuổi trẻ, không nề hà vất vả và khoảng cách địa lý.
 
Mặt khác, trong vấn đề sản xuất sầu riêng, ông luôn khuyến khích các thành viên trong HTX sử dụng các sản phẩm, chế phẩm sinh học, hữu cơ nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, sức khỏe của chính nông hộ và bảo vệ môi trường. Ông Sơn phân tích: Dùng hoàn toàn phân bón vô cơ cho cây sầu riêng và các loại cây trồng khác thì hiệu quả rất nhanh, thấy rõ rệt. Nhưng, sau một thời gian mới thấy tác động của nó đến cây trồng và đất sản xuất. Đó là điều hiển nhiên thấy mà khoa học đã chứng minh, thực tế ở địa phương trước đây, nếu bà con dùng phân bón hóa học lâu ngày thì đất sẽ chai lỳ, khô cằn; còn cây trồng được ba mùa vụ thì thiếu sức sống, sinh trưởng kém. Nông dân không còn đủ sức lực để cung cấp phân bón cho cây thì hầu như cây ngừng phát triển hẳn, khô héo, rụng cành lá, giảm năng suất chất lượng.
 
Chính vì vậy, lão nông Nguyễn Thanh Sơn đã tìm đến rất nhiều chuyên gia trong nước, ngoài nước để hướng cho các thành viên HTX sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Bản thân ông Sơn đã trực tiếp làm việc với đối tác là những doanh nghiệp Pháp chuyên về lĩnh vực này để cải thiện tình hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trên cây sầu riêng. Hiện nay, HTX có 43 thành viên tham gia sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 28,5 ha đã được 4 năm. Tăng số lượng thành viên HTX sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ là nỗi niềm mà bấy lâu nay ông cố công thực hiện.
 
Với vai trò người đại diện cho HTX, ông Nguyễn Thanh Sơn đã không ngần ngại trình với HTX, chính quyền địa phương và các phòng, ban liên quan để tổ chức hội nghị các HTX ngay chính trụ sở. Ông đã mời người đại diện các HTX tại Đạ Huoai đến để trao đổi kinh nghiệm trồng trọt các loại cây trồng, nhất là cây trồng chủ lực sầu riêng. Kinh nghiệm về kinh doanh các mặt hàng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhằm đảm bảo chất lượng và giá cả mặt hàng cho các nông hộ không chỉ là thành viên mà ngay nông dân địa phương. Vụ sầu riêng năm nay, với kiến nghị của ông, HTX đã bán trả chậm các mặt hàng phân bón và thuốc BVTV đến gần 100 nông hộ với trị giá khoảng 1,7 tỷ đồng. Ông cho biết, một tập thể muốn mạnh thì các thành viên phải thực sự có năng lực và hơn hết là sự giúp đỡ, tạo điều kiện của HTX để họ phát triển qua thời gian. Nhất là trong cơ chế thị trường, cạnh tranh... muốn đi xa thì các thành viên cùng HTX phải cùng đồng hành.
 
Dù năm nay đã 72 tuổi nhưng lão nông Nguyễn Thanh Sơn vẫn thường xuyên cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chia sẻ cho các thành viên trồng sầu riêng. Ông tổng hợp 43 thành viên sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP thành một nhóm, 100 thành viên nhóm kỹ thuật gồm cả người ngoài HTX để chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây sầu riêng qua hệ thống zalo. Với ý tưởng đưa sầu riêng của HTX mình ra thị trường các nước, bản thân lão nông đã tìm đến người tư vấn của sàn Thương mại điện tử Alibaba, qua bàn bạc với các thành viên trong Hội đồng quản trị, các thành viên của HTX thì việc tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử cần phải có thời gian để chuẩn bị chu toàn mọi điều kiện trong thời gian tới.
 
Sầu riêng chính là nỗi niềm chung của lão nông Nguyễn Thanh Sơn khi mùa vụ này trong các thành viên HTX thì chỉ có 11 hộ với 8 ha tham gia ký kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Ông tâm sự: “Phải làm sao để chất lượng sầu riêng của HTX “vừa lòng” các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khi đó nông dân mới khỏi phải lo toan bài toán “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Đảm bảo các tiêu chuẩn của doanh nghiệp để được bao tiêu sản phẩm, mặt hàng mình sản xuất có chỗ đứng trên thị trường trong nước và ngoài nước cũng là mơ ước một đời làm sầu riêng của tôi”. 

 

Theo ĐỨC TÚ (LĐ Online)

 

Có thể bạn quan tâm