Văn hóa đối ngoại đưa vẻ đẹp của đất và người Lâm Đồng ra thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm qua, dấu ấn mảnh đất con người Lâm Đồng đã in sâu vào bạn bè quốc tế về một vùng đất của Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, hiền hòa, mến khách, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc anh em. 

Festival Hoa Đà Lạt mang vẻ đẹp của đất và người Lâm Đồng đến bạn bè trong nước và quốc tế
Festival Hoa Đà Lạt mang vẻ đẹp của đất và người Lâm Đồng đến bạn bè trong nước và quốc tế
Đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa đối ngoại
Để tạo nên dấu ấn đẹp đẽ đó, Lâm Đồng đã đẩy mạnh các hoạt động văn hóa đối ngoại với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa, con người, du lịch, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn. Tỉnh đã tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch để giới thiệu các giá trị văn hóa của Lâm Đồng - vùng đất Nam Tây Nguyên như: Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội Trà và tơ lụa Bảo Lộc, Ngày Văn hóa, Tuần Văn hóa Việt Nam, các lễ hội văn hóa - du lịch, các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa du lịch trong nước, khu vực và quốc tế, tổ chức triển lãm ảnh giới thiệu đất nước, con người Việt Nam, các vật phẩm văn hóa Việt Nam trong tỉnh. Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn tích cực tham gia các sự kiện văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước do Việt Nam và quốc tế tổ chức; xây dựng và phát triển một số thương hiệu sản phẩm văn hóa Lâm Đồng; tổ chức gặp mặt kiều bào Lâm Đồng ở nước ngoài nhân dịp lễ, tết để thắt chặt tình cảm, hướng về quê hương. 
Thực hiện có hiệu quả chương trình “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn Lâm Đồng giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030”, ngành Văn hóa đã tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống của người K’Ho, người Mạ, Chu Ru, nhằm giới thiệu văn hoá truyền thống dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên. Xây dựng các chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét văn hóa Lâm Đồng - Tây Nguyên như dân ca, dân vũ có chỉnh lý cải biên phù hợp văn hóa, tập quán sinh sống của các dân tộc tỉnh Lâm Đồng xen kẽ các tác phẩm mới có chọn lọc mang tính hiện đại trong nước và quốc tế phục vụ giao lưu, chiêu đãi sự kiện ngoại giao, khách đối ngoại của tỉnh. 
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch khi đến Lâm Đồng tham quan, nghỉ dưỡng, tỉnh đã đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, đặc biệt là đường hàng không với các đường bay quốc tế đang phát huy hiệu quả như: Bangkok - Thái Lan; Jeju, Incheon, Muan, Cheongju, Daegu - Hàn Quốc; Kuala Lumpur - Malaysia; Lanzhou - Trung Quốc tạo điều kiện cho du khách quốc tế đến với Đà Lạt và người dân Lâm Đồng đi du lịch nước ngoài.
Toàn tỉnh hiện có 3 sân golf; 36 khu, điểm tham quan du lịch, hơn 60 điểm tham quan miễn phí, 33 điểm du lịch canh nông, tạo nên sự phong phú, đa dạng các tour, tuyến phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của du khách. Hệ thống cơ sở lưu trú hiện có 2.651 cơ sở; trong đó, 453 khách sạn từ 1-5 sao, gồm 41 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao, chất lượng các dịch vụ phục vụ của khách sạn ngày càng được nâng cao. Hệ thống lữ hành - vận chuyển cũng đang dần hoàn thiện với 45 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 27 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế. Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tiến hành in ấn phát hành rộng rãi Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, các đơn vị vận chuyển khách du lịch và cộng đồng dân cư. Từ đó nhằm xây dựng thói quen ứng xử văn minh, lịch sự; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của con người Đà Lạt - Lâm Đồng “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”, hướng đến mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, đưa du lịch Đà Lạt Lâm Đồng trở thành điểm đến hấp dẫn.
Đưa văn hóa đối ngoại thành "Sức mạnh mềm"
Thực hiện “Chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh”, trong thời gian tới, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo: Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá hình ảnh miền đất, con người; những nét đặc sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Lâm Đồng đến bạn bè quốc tế, qua đó mở rộng quan hệ, hợp tác với các địa phương, tổ chức và cá nhân nước ngoài, các tổ chức quốc tế, thu hút nguồn đầu tư, thúc đẩy thương mại, du lịch phát triển công nghiệp văn hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của Nhân dân trong tỉnh.
Trong đó, tiếp tục đa dạng hóa các các sản phẩm văn hóa đối ngoại như: Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; các lễ hội, làng nghề truyền thống; xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật giao lưu văn hóa nghệ thuật kết hợp triển lãm ảnh giới thiệu danh lam thắng cảnh, quảng bá du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt với bạn bè quốc tế. Lựa chọn tặng phẩm, quà tặng tiêu biểu, đặc sắc là sản vật đặc trưng, mang đậm giá trị văn hóa vùng miền của Lâm Đồng như: Tranh thêu tay, trà Ôlong, trà Atisô, cà phê, rượu vang, lụa tơ tẳm... để làm lưu niệm cho khách nước ngoài, nhằm quảng bá, giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa của tỉnh. Quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, “Lâm Đồng - điểm đến an toàn hấp dẫn” và những di sản được UNESCO công nhận như: Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Langbiang, Mộc bản Triều Nguyễn...; các danh lam thắng cảnh, lễ hội, làng nghề truyền thống đậm nét văn hóa của các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên.
Chủ động tổ chức các sự kiện, trao đổi văn hóa, kết hợp yếu tố văn hóa trong các hoạt động chính trị, kinh tế. Đặc biệt là các địa phương nước ngoài có mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Lâm Đồng và Đà Lạt như: tỉnh Champasak và tỉnh Bolykhamxay (Lào), tỉnh Đông Flanders (Bỉ), vùng Occitanie (Pháp), thành phố Guri (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc), thành phố Chuncheon (tỉnh Gangwon, Hàn Quốc); các tổ chức quốc tế, các đối tác nước ngoài có quan hệ hợp tác như: Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).... Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các nước, tổ chức quốc tế và cơ quan văn hóa, du lịch ở nước ngoài giới thiệu đất nước, con người, văn hóa du lịch tại Lâm Đồng thông qua các Tuần Văn hóa, những sự kiện văn hóa lớn. Qua đó, không chỉ phát huy bản sắc dân tộc mà biến văn hóa thành “sức mạnh mềm” trong quá trình hội nhập, đưa vẻ đẹp của đất và người Lâm Đồng ra thế giới.
QUỲNH UYỂN (Báo Lâm Đồng)

Có thể bạn quan tâm