Đắk Lắk hỗ trợ đưa rước hàng ngàn người dân đi bộ về quê tránh dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày qua, hàng ngàn người dân từ các tỉnh phía nam đi bộ về quê đã được lực lượng chức năng Đắk Lắk tiếp nhận, hỗ trợ đưa qua khỏi địa bàn bằng ô tô.
Lênh đênh ngày hồi hương
Từ tối 4.10 đến sáng nay 5.10, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk vẫn túc trực tại Trường THCS Bùi Thị Xuân (xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột) để tiếp nhận, hỗ trợ người dân từ các tỉnh phía nam về quê.

Nhiều người dân đi bộ từ Bình Dương được xe ô tô đưa đến Đắk Lắk để tiếp tục chặng đường về quê. Ảnh: Hoàng Bình
Nhiều người dân đi bộ từ Bình Dương được xe ô tô đưa đến Đắk Lắk để tiếp tục chặng đường về quê. Ảnh: Hoàng Bình
Theo ghi nhận, trong khoảng 200 người dân đang chờ xe đưa rước tại Trường THCS Bùi Thị Xuân, có nhiều phụ nữ mang bầu, trẻ em. Hầu hết bà con là đồng bào người dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía bắc đến Bình Dương làm việc, nhưng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nên thất nghiệp dài ngày, không bám trụ được họ đành rủ nhau đi bộ về quê.
Trên hành trình hồi hương đằng đẵng, hành lý bà con mang theo chỉ có vài bộ quần áo được nhét trong những chiếc bao tải đã nhàu nát. Nhìn bộ dạng ai nấy đều lấm lem, mệt mỏi.
Sau khi tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận, chính quyền địa phương sẽ bố trí xe đưa họ qua Gia Lai theo tuyến quốc lộ 14. Đến Gia Lai, họ tiếp tục được bố trí xe trung chuyển đưa qua địa bàn tỉnh khác. Cứ vậy, câu chuyện họ về quê lênh đênh trên các chuyến xe trung chuyển mà chưa biết ngày về.

Nhóm của anh Sùng A Sủ đang chờ xe đưa rước qua tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoàng Bình
Nhóm của anh Sùng A Sủ đang chờ xe đưa rước qua tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoàng Bình
Anh Sùng A Sủ (quê Sơn La) cho biết ngày 3.10 nhóm của anh gồm 18 người khởi hành đi bộ từ Bình Dương về quê do hết tiền, lại không có xe khách. Khi cả nhóm đi được một quãng đường thì được lực lượng chức năng địa phương cho xe đưa rước. Đến ngày 4.10, nhóm của anh Sủ đã được đưa đến Đắk Lắk. Tuy nhiên, do lượng người cần đưa rước quá đông nên nhóm của anh ở lại gần 10 tiếng để chờ xe đưa qua Gia Lai.
Còn anh Lý A Sinh (quê Lai Châu) cho biết gần 3 tháng qua anh cùng nhiều người đồng hương làm công nhân tại Bình Dương trở nên thất nghiệp do dịch Covid-19. Ngày 3.10, thấy nhiều người đi bộ về quê nên anh Sinh cũng nhét vội vài bộ quần áo nhập đoàn đi theo. Được chừng 1 giờ đồng hồ thì cả toán đi bộ may mắn có xe của tỉnh Bình Dương đưa đến Đắk Lắk.

Chị Sùng Thị Tung chăm sóc cho 2 con nhỏ trong lúc chờ xe. Ảnh: Hoàng Bình
Chị Sùng Thị Tung chăm sóc cho 2 con nhỏ trong lúc chờ xe. Ảnh: Hoàng Bình
Anh Sinh kể: “Do ở trong phòng lâu ngày nên nhiều người yếu, đi rất chậm, người đi trước phải chờ người đi sau và hành trình bị gián đoạn. Có người mẹ cõng con, chị cõng em trông rất tội. Chúng tôi bắt buộc phải về vì dịch Covid-19 khiến mất việc làm, không còn thu nhập, không ở lại được”.
Tương tự, chị Sùng Thị Tung (quê Hà Giang) cho biết mấy tháng qua do dịch bệnh, nên vợ chồng chị thất nghiệp, hết tiền tiêu. Khi thấy đoàn người đi bộ rời Bình Dương về quê, vợ chồng chị cũng dắt theo 2 con nhỏ (đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi) túm tụm đi theo. “Thấy mọi người về mình cũng về vì ở lại khổ quá. May mà đi được vài km thì có xe đón, nếu không chúng tôi sẽ rất khổ dọc đường. Các điểm tiếp nhận đều hỗ trợ chúng tôi cơm nước và cho thêm bánh mì, sữa để ăn khi đói”, chị Tung chia sẻ.
Sẽ không ai bị bỏ lại
Được biết, sau khi tiếp nhận những công dân đi bộ về quê, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đưa rước "tăng bo" bà con từ cầu 14 (giáp tỉnh Đắk Nông) đến cầu 110 trên QL14 để bàn giao cho tỉnh Gia Lai tiếp tục hỗ trợ đưa bà con hồi hương. Ông Nguyễn Đăng Thuận, cán bộ Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT Đắk Lắk, cho biết từ ngày 2.10 đến nay đơn vị đã huy động 30 xe khách giường nằm, 12 xe tải để hỗ trợ đưa rước khoảng 1.800 người đi bộ từ các tỉnh phía nam về quê.

Sau nhiều giờ chờ đợi, bà con được đưa lên xe để qua tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoàng Bình
Sau nhiều giờ chờ đợi, bà con được đưa lên xe để qua tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoàng Bình
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, trong 2 ngày qua, tỉnh đã tiếp nhận hơn 7.000 người dân địa phương trở về từ các tỉnh phía nam và khoảng 8.000 công dân của các tỉnh, thành khác đi ngang qua địa bàn. Hiện lượng người theo QL14 đổ về địa bàn vẫn chưa dừng.
Vì người dân về quê nhiều, lực lượng CSGT, y tế, tình nguyện viên đã được huy động túc trực ở điểm tiếp nhận tạm thời là 4 trường học trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột nỗ lực cả ngày lẫn đêm hướng dẫn, hỗ trợ bà con, thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh... Riêng trong số người trở về Đắk Lắk, ngành y tế đã xét nghiệm sàng lọc gần 6.500 người, ghi nhận 14 trường hợp dương tính với Covid-19.
Tại cuộc họp bàn về việc tiếp đón công dân từ các tỉnh thành phía nam ngày 4.10, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đã yêu cầu cán bộ làm việc tại các chốt kiểm soát dịch phải có thái độ ân cần, chu đáo, không được đối xử nặng nề khiến người dân mặc cảm. “Các tổ chức, đoàn thể cần chung tay hỗ trợ thức ăn, nước uống cho bà con trở về địa phương hoặc đi ngang địa bàn tỉnh, không được để bà con đói khát; động viên để bà con cảm thấy không bị bỏ rơi”, ông Nghị chỉ đạo.
Theo Trung Chuyên-Hoàng Bình (TNO)

Có thể bạn quan tâm