"Nữ hoàng" sâm dây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bây giờ thì sâm dây đã trở thành cây dược liệu được trồng phổ biến ở các huyện Bắc Kon Tum. Thế nhưng ít ai biết hơn 10 năm trước, có một phụ nữ Xê Đăng tên là Y Bắp (làng Đak Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) đã tiên phong đưa thứ “củ rừng” này về trồng, trở nên giàu có để rồi tạo nên phong trào trồng sâm dây sau đó. Việc làm của chị khiến ta nghĩ đến câu nói của nhà văn Lỗ Tấn “Trên mặt đất vốn không có đường, chỉ vì nhiều người đi lại mà thành đường thôi”.
Hữu thương vẫn... bất phú
Trong ngôi nhà hoành tráng xây hết 700 triệu đồng, Y Bắp kể cho chúng tôi con đường khởi nghiệp làm giàu của chị. Gia đình Y Bắp vốn nghèo, mẹ mất sớm, mới lớp 6 chị đã phải nghỉ học để phụ gia đình làm rẫy. Lớn lên chút, lập gia đình, vợ chồng cũng chẳng có gì ngoài 2 bàn tay trắng bởi gia đình nhà chồng cũng rất nghèo… Rồi chị lại phải nuôi chồng đi học. Tốt nghiệp về, chồng chị làm cán bộ thôn, phụ cấp tháng chưa đủ ăn cơm một tuần.
Chị Y Bắp. Ảnh: Ngọc Tấn
Chị Y Bắp. Ảnh: Ngọc Tấn
Nhưng rồi cái khó ló cái khôn. Hồi đó người dân trong xã làm nông sản, thu hoạch chẳng biết bán cho ai, hoặc có bán được cũng với giá rẻ mạt. Thấy vậy, chị Y Bắp bèn mở quán tạp hóa để thu mua nông sản của bà con. Ngày ngày, chị địu đứa con còn đỏ hỏn trên lưng, vai vác chiếc cân lội bộ từ thôn này sang thôn khác để mua hàng nông-lâm sản đem về bán lại cho người Kinh kiếm lời. Nhưng khốn nỗi, hàng nhiều mà vốn chẳng có. Sau nhiều lần suy nghĩ, chị đánh bạo vay tiền của Hội Nông dân xã Tê Xăng để mua bò nuôi, mong lấy lãi làm vốn buôn bán.
“Ngày đó chẳng ai dám vay tiền đâu, vì vay cũng chẳng biết làm gì?”-chị Y Bắp kể. Nhưng chăn nuôi thì cũng cần không ít vốn, lại phải có người chăn dắt. Thế rồi qua quá trình thu mua nông-lâm sản của đồng bào, chị nhận ra đắt hàng nhất vẫn là sâm dây. Nhiều lúc không có hàng để giao. “Bà con mình khai thác nhiều thế này rồi cũng đến ngày cây sâm dây trong rừng tiệt hết như sâm Ngọc Linh thôi. Sao mình không trồng nó vừa để giữ giống vừa để bán?”-chị Y Bắp nghĩ. Ý tưởng chợt lóe lên và chính chị cũng không ngờ cây sâm dây đã trở thành một cứu cánh trên con đường khởi nghiệp của chị…
Duyên nợ với sâm dây 
Khi nghe Y Bắp đưa sâm dây về trồng trong rẫy, dân làng ai cũng xôn xao. “Từ đời ông bà đã có ai mang cây rừng về trồng trong rẫy bao giờ. Cây rừng, vía của nó Thần rừng giữ. Đưa về rẫy, thế nào nó cũng lạc vía mà chết cho coi…”. Bỏ ngoài tai những lời cổ sơ, Y Bắp vẫn quyết làm theo ý mình, nhưng quả là không đơn giản. Đầu tiên, khi mua sâm đồng bào hái trên rừng về, chị chỉ bán củ lớn, còn những rễ, củ nhỏ thì giữ lại trồng. Mà lại trồng như kiểu trồng rau trên đất nên sâm chết gần hết. Sau nhiều lần thất bại, chị nhận ra để sâm dây sống được phải chọn vùng đất phù hợp, chủ yếu là rẫy mới; phải có tán cây che bóng như điều kiện tự nhiên ở rừng. Giống thì phải trồng ngay từ khi mới hái từ trên rừng về, để lâu là rễ sâm héo không phát triển được.
Trời không phụ lòng người. Sau bao ngày công khó, mày mò trồng sâm dây bằng rễ, chị đã thành công. Hiện tại thật khó mà thống kê diện tích sâm dây của gia đình chị, bởi hầu như toàn bộ đất trồng cây công nghiệp chị đều trồng xen sâm dây. Chỉ riêng đất trồng cây bời lời đã khoảng 15 ha. Ngoài ra, còn 3 tấm rẫy có diện tích lớn hơn trồng cây công nghiệp, chị cũng đã trồng sâm. Tôi ước tính chỉ với kiểu trồng xen, diện tích sâm dây của chị Y Bắp cũng đã ngót nghét 50 ha. Hiện nay, giá sâm dây đang bán trên thị trường ở mức 100-150 ngàn đồng/kg loại củ lớn; loại sâm dây củ nhỏ có thể rẻ hơn chút. Với khoảng 50 ha trồng xen đã hứa hẹn cho thu nhập tiền tỷ rồi.
Chị Y Bắp cho biết, hiện sâm dây khá hiếm, nhiều khi người mua phải đặt hàng trước mới có, vậy nên không phải lo nghĩ đầu ra. Không chỉ trồng sâm dây, chị còn đầu tư trồng sâm Ngọc Linh và đã cho kết quả tốt, hứa hẹn nguồn thu nhập lớn đang chờ đón. Dù được coi là “nữ hoàng sâm dây”, gia đình đã có thể sống dư dả nhưng Y Bắp vẫn chưa chịu bằng lòng. Chị nuôi heo mỗi năm xuất chuồng 2 lứa, mỗi lứa hơn 20 con. Rồi chị trồng cà phê. Ấy là chưa kể các nguồn khác như bời lời, chăn nuôi trâu, bò… Hỏi sao trong báo cáo thành tích chỉ “khai” có 200 triệu đồng, chị chỉ cười cười: “Nói ít thôi”…
Không chỉ biết làm giàu cho mình, chị Y Bắp còn luôn quan tâm giúp đỡ người nghèo trong làng, xã; tạo điều kiện để mọi người cùng phát triển kinh tế. Ngay từ năm 1998, chị đã mua bò cho đồng bào nuôi rẽ. Khi bò mẹ đẻ, con đầu tiên sẽ là con của người nuôi, con thứ 2 là của chị. Hiện nay, chị đang cho 5 người trong xã nuôi bò rẽ. Nhờ sự giúp đỡ của chị, có người đã gầy dựng được đàn bò 7-8 con. Hiện thôn Đak Viên của chị đã có trang trại bò nuôi chung của 26 hộ, hộ ít thì 2-3 con, hộ nhiều thì 7-8 con.
Từ tấm gương của chị, hơn 60 hội viên các chi hội Phụ nữ ở xã Tê Xăng cũng đã tham gia trồng khoảng 16 ha sâm dây. Khi nghe chuyện các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Yêu, Văng Xuôi của huyện đang có kế hoạch phát triển mô hình trồng cây sâm dây, chị Y Bắp mỉm cười đầy ẩn ý: “Giá ngày ấy họ theo mình thì bây giờ đã khối người giàu…”. Nơi miệt núi rừng đói nghèo vẫn còn đeo đẳng, chị Y Bắp như một ngôi sao đang âm thầm tỏa sáng, cùng dân làng tiến về một tương lai xóa sạch đói nghèo.
Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm