"Điểm tựa" của làng Bruk Ngol

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Gương mẫu, uy tín, nói đi đôi với làm và rất có năng lực vận động quần chúng”-đó là nhận xét của ông Lưu Văn Hạnh-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Yên Thế (TP. Pleiku) khi nói về ông Ksor Hyuih-già làng Bruk Ngol.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc Tây Nguyên, ông Ksor Hyuih đã vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vì có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng giai đoạn 2009-2019.
Ông Ksor Hyuih (bìa trái) hướng dẫn anh Iuh cách trồng, chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Phương Dung
Ông Ksor Hyuih (bìa trái) hướng dẫn anh Iuh cách trồng, chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Phương Dung
Nói đi đôi với làm 
Đã thành thói quen, hơn 20 năm qua, sáng nào ông Ksor Hyuih cũng dành thời gian dạo một vòng quanh làng. Ông Hyuih cười nói: “Quen rồi, hôm nào không đi là không chịu được!”. Trước khi trở thành “thủ lĩnh tinh thần” của người dân làng Bruk Ngol (từ năm 2013 đến nay), ông Hyuih có tới 19 năm đảm nhiệm vai trò Trưởng thôn. Trong suốt khoảng thời gian ấy, ông luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân trong làng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện cuộc sống. Ông cũng vận động các con, các cháu tiên phong trong các phong trào, hoạt động tại địa phương. Hiện tại 5 người con của ông đều có kinh tế khá giả. “Cháu trai mình vừa đủ 18 tuổi cũng tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ và đã hoàn thành xong 2 năm nghĩa vụ quân sự trở về. Hiện tại, cháu mình đang theo học nghề tại Trường Trung cấp nghề số 15 (Binh đoàn 15)”-ông Hyuih khoe. 
Cùng chúng tôi xuống thăm gia đình anh Ksor Iuh, ông Hyuih thông tin: “Làng hiện có 203 hộ dân, trong đó 120 hộ người Kinh và 83 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hộ Ksor Iuh là một trong 3 hộ nghèo còn lại của làng”. Hơn 6 năm trước, vì nhẹ dạ cả tin, nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, anh Iuh đã bỏ lại vợ và 2 con nhỏ tìm đường vượt biên sang Thái Lan. Những ngày tháng bơ vơ trên đất khách, phải làm đủ mọi việc để mưu sinh, anh Iuh nhận ra rằng, phải làm mới có ăn và không nơi nào bằng quê hương mình. Năm 2016, anh Iuh tìm đường trở về quê hương. “Nhờ có già Hyuih nên dân làng đã tha thứ cho những sai lầm của mình, giúp đỡ mình sửa sang nhà cửa, ổn định cuộc sống và làm lại từ đầu. Gia đình mình còn được địa phương hỗ trợ 1 con bò giống và tạo điều kiện vay vốn để vươn lên thoát nghèo, mình rất biết ơn! Mình nghe lời già Hyuih sẽ cố gắng sống tốt, tập trung phát triển 200 cây cà phê, 3 sào lúa nước và nuôi dạy các con để sau này chúng không đi sai đường như mình”-anh Iuh bộc bạch.
“Điểm tựa” của làng 
Ông Hạnh cho hay: Bruk Ngol là làng Jrai duy nhất trên địa bàn phường, vì vậy những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chăm lo đến cuộc sống của người dân trong làng. Trong đó, không thể không kể đến vai trò của ông Hyuih với những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân, nhất là giúp 83 hộ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên phát triển kinh tế. Cũng theo ông Hạnh, 6 năm liền, Bruk Ngol đều đạt danh hiệu làng văn hóa. Các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong đồng bào dân tộc thiểu số ở làng đều được ông Hyuih giải quyết hợp tình hợp lý, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp.
Ông Hyuih kể, ông mới tham gia giải quyết một trường hợp mâu thuẫn liên quan đến đất đai của gia đình ông Ksor Vết. Chẳng là, mấy anh em ông Vết đều được cha mẹ chia cho mỗi người 15 m đất ở; riêng ông Vết quyết định bán đi 10 m, chỉ để lại 5 m để xây nhà. Nhưng khi ông Vết tìm đến chủ cũ (người bán đất cho cha mẹ) để hoàn tất các thủ tục giấy tờ thì người chủ cũ đòi chia tiền... vì có công khai phá và sử dụng mảnh đất ấy trước. Theo ông Hyuih, vấn đề này sẽ không xảy ra với các hộ người Kinh, tuy nhiên với người Jrai trong làng, tính cộng đồng còn cao nên không thể giải quyết cứng nhắc theo luật mà phải mềm dẻo, linh hoạt. Nhờ đó, vụ việc đã được ông giải quyết “thấu tình đạt lý” với sự đồng thuận cao từ các bên.
Ở tuổi 73, ông Hyuih luôn trăn trở, làm thế nào để vận động bà con lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai. Hiện tại trong làng chỉ còn 2 bộ cồng chiêng, riêng gia đình ông có 1 bộ với 16 chiếc. “Lúc trước, làng cũng có 1 đội cồng chiêng, nhưng từ khi vài người lớn tuổi qua đời đến nay vẫn chưa có ai thay thế. Mình cũng mong muốn có thể tập hợp thanh-thiếu niên trong làng để truyền dạy cách chơi cồng chiêng nhưng chưa làm được”-ông Hyuih chia sẻ.
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm