Tuyến đường hơn 10.000 tỉ đồng ì ạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo kế hoạch, đường Trường Sơn Đông hoàn thành năm 2015 nhưng đến nay mới chỉ đạt 86%, nhiều đoạn đã xuống cấp phải tu sửa
Ngày 24-8, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), ông Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội, cùng đoàn công tác của Quốc hội đã có thông tin sau 4 ngày giám sát về việc thi công đường Trường Sơn Đông. Việc giám sát của Quốc hội được tiến hành sau khi Báo Người Lao Động ngày 21-7 có bài viết "Đường ngàn tỉ mới sử dụng đã nát bươm".
Theo đoàn giám sát, dự án đầu tư xây dựng đường Trường Sơn Đông được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt năm 2006 và phê duyệt điều chỉnh dự án năm 2011 với tổng mức đầu tư trên 10.015 tỉ đồng. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 657 km; trong đó, tận dụng 42 km đường cũ, có 2 hầm và 2 đường đôi lưỡng dụng, 125 cầu các loại... với quy mô chủ yếu là đường cấp 4 miền núi. Dự án do Ban Quản lý dự án 46 (Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng) làm đại diện chủ đầu tư.
Ông Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội (đầu tiên bên phải), giám sát đường Trường Sơn Đông chạy qua tỉnh Đắk Lắk Ảnh: Cao Nguyên
Ông Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội (đầu tiên bên phải), giám sát đường Trường Sơn Đông chạy qua tỉnh Đắk Lắk Ảnh: Cao Nguyên
Tuyến đường này chạy qua 7 địa phương miền Trung và Tây Nguyên, bắt đầu từ Quảng Nam, tới Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và kết thúc ở Lâm Đồng. Ngoài giá trị về an ninh quốc phòng, tuyến đường còn có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, phòng chống thiên tai cho các vùng sâu, vùng xa.
Theo kế hoạch, đường Trường Sơn Đông sẽ hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên đến thời điểm này, tuyến đường chỉ mới thi công đạt 86% khối lượng công trình. Phần chưa triển khai chủ yếu là đoạn đầu ở tỉnh Quảng Nam và đoạn cuối tuyến nối tỉnh Đắk Lắk với Lâm Đồng dài 85 km. Hiện nguồn vốn đã bố trí hết năm 2018 là 7.607 tỉ đồng.
Sau đợt giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã nêu những tồn tại, hạn chế mà Ban Quản lý dự án và các đơn vị tham gia thực hiện mắc phải. Cụ thể là hơn 10 năm thi công nhưng đến nay vẫn chưa thông ở 2 đầu tuyến đường; nhiều đoạn mới hoàn thành thì xuống cấp, phải duy tu sửa chữa…
Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo Ban Quản lý dự án và các bộ ngành, địa phương có liên quan đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải hoàn thành dự án. Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm các nguyên tắc như: chất lượng, tiến độ, không để xảy ra tiêu cực và tai nạn lao động. Đề nghị Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ưu tiên tối đa nguồn lực cho dự án quan trọng này, không bố trí vốn kiểu manh mún, trả nợ.
Với công trình Tượng đài liệt sĩ Trường Sơn nằm trên tuyến đường này, Ban Bí thư đã có ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Bộ Quốc phòng đưa hạng mục này vào dự án nhưng bảo đảm không tăng quy mô, tổng đầu tư toàn bộ dự án. Đoàn đại biểu Quốc hội của các địa phương có tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua phải thực hiện việc giám sát quá trình triển khai dự án. 
Đình Thi (Người Lao Động)

Có thể bạn quan tâm