Lan man về một vùng đất...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã khuya, người tôi mệt mỏi ê ẩm, toàn thân rã rời sau một chuyến dài ngày rong ruổi ở xứ xa. Muốn nghỉ, ngủ một giấc thật sâu, nhưng 2 ông bạn trẻ cố lôi đi, bảo đến An Khê thì cần có một đêm trải nghiệm, mà trải nghiệm trong mưa phùn gió bấc như thế này thì tuyệt biết chừng nào. Thế là 3 người đàn ông... xuống đường. Mưa, gió và lạnh không làm nhụt chí 2 anh bạn đồng hành.

Và một đêm không ngủ... Từ trên tầng cao của khách sạn nhìn xuống, phía bên kia con đường là dòng sông Ba, chếch về phía trên là cây cầu bắc qua sông sừng sững trong mưa đêm buốt giá.

 

Ảnh: Đ.M.P
Một góc thị xã An Khê. Ảnh: Đ.M.P

Người ta kể, mùa mưa năm ấy, một tổ đặc công giải phóng nhận lệnh cấp trên, âm thầm từ căn cứ K7 ngược dòng lũ dữ mang theo khối thuốc nổ. Nhiệm vụ của họ là đặt khối thuốc khổng lồ đã được hẹn giờ ngay chân cầu, khi khối thuốc phát nổ cũng có nghĩa là độc đạo nối cảng Quy Nhơn (Bình Định) với Tây Nguyên sẽ bị cắt đứt, sự tiếp viện vũ khí đạn dược, lương thảo cho chiến trường Bắc Tây Nguyên của địch sẽ bị gián đoạn. Thế nhưng điều ấy đã không xảy ra, bởi chẳng biết trục trặc từ khâu nào mà khi trời đã sáng, khối thuốc nổ vẫn còn bám chặt vào trụ cầu. Nó được những người lính đối phương canh cầu phát hiện và vô hiệu hóa(1).

Cũng trên dòng sông này, vào mùa mưa năm 1972, một tổ 5 người chúng tôi, bằng mọi giá phải vượt dòng lũ hung hãn chỉ cách cây cầu sông Ba chừng vài cây số về phía hạ lưu. Đứng trước dòng nước mênh mông, từ bờ này sang bờ bên kia hàng mấy trăm mét, đang cuồn cuộn chảy, mọi người không thể không lo lắng. Rồi “cái khó cũng... ló cái khôn”. Là người xứ sông nước Bình Khê, quanh năm bơi lội kiếm kế sinh nhai trên dòng Kôn, anh Tổng(2) tình nguyện vượt dòng nước lũ sang bờ bên kia để cùng anh em du kích chặt tre kết bè rồi quay lại đón chúng tôi sang. Bơi ra đến giữa dòng thì cái cây mục rã ra, rời khỏi tay anh, lập tức dòng nước cuồn cuộn nhấn chìm anh cùng khẩu súng AK và cây rựa. Anh ra đi một cách oan ức trong dòng nước lũ và trước mắt đồng đội.

Chúng tôi bất lực chứng kiến cảnh thương tâm này và nó mãi day dứt trong lòng người ở lại cho đến bây giờ. Đêm nay, bên dòng sông này, lòng tôi lại đau. Hình ảnh người đồng đội, người anh mến yêu của quê hương anh hùng áo vải cờ đào thuở trước lại hiện về mồn một. Anh Tổng vĩnh viễn ra đi đã 45 năm có lẻ, không biết gia đình anh giờ còn những ai, và họ có biết?

Tôi lại lan man về một An Khê-nơi anh em nhà Tây Sơn chọn làm nơi dựng nghiệp. Và nữa, ở đó, phía thượng nguồn bên phần tả ngạn con sông, hơn 300 đồng bào vô tội ở làng Tân Lập (nay là xã Đak Hlơ, huyện Kbang) ngã xuống dưới làn đạn tàn độc của giặc Pháp. Chúng trả thù sau trận đánh đồn Tú Thủy do người con xứ Bắc chỉ huy. Đó là đồng chí Vi Dân-người tuyên bố với giặc sẽ san bằng đồn Tú Thủy, giải phóng cả vùng An Khê, trả lại yên bình, tự do cho xứ sở đã bao năm bị đàn áp dưới nanh vuốt của bọn xâm lăng.

Và nữa, nơi đầu nguồn dòng sông, bao la một vùng đất, mênh mông rừng già, kéo dài hàng trăm cây số theo dòng sông Ba này là những căn cứ địa của cả một thời cha ông lấy làm nơi đứng chân, xây dựng lực lượng, để từ đó chống lại giặc Pháp, đến giặc Mỹ xâm lược. Đồng bào ở những nơi đó là những con người chân chất, thủy chung mà anh dũng kiên trung, từng là chỗ dựa, là nơi tin cậy, chở che đùm bọc, giúp đỡ, cưu mang cho anh em nhà Tây Sơn dựng nghiệp, cho đến lớp lớp cháu con chống giặc ngoại xâm thống nhất sơn hà về sau này... Đó là căn cứ Krong, là làng kháng chiến Stơr của Anh hùng Núp, là cả một quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo gắn liền với vùng đất phía dưới đèo An Khê-Tây Sơn Hạ đạo...

Đêm không ngủ, tôi miên man bao điều trước sau, cũ mới, cứ như rối bời lên tất cả. Ngoài kia, trời vẫn đổ mưa. Dòng sông Ba vắt ngang thị xã dẫu mùa mưa nhưng không còn là dòng nước hung hãn thuở nào. Phía thượng nguồn có những 2 con đập chặn lại, không ít người coi nó là “lợi bất cập hại”. Lợi là, từ những con đập ấy đã góp thêm dòng sáng cho quốc kế dân sinh, nhưng hại là vào mùa khô, con sông trở thành “dòng sông chết”. Phía hạ lưu, bao cánh đồng trù phú bởi phù sa tích tụ của từng con nước mang về, đem lại mùa vụ tốt tươi cho con người qua bao đời khai phá và phát triển, giờ đã không còn như thế nữa.

Và rồi tôi lại nghĩ về một An Khê trong tương lai gần, từ thế hệ “cầm trịch” ở thời 7X, 8X hôm nay sẽ biết khơi dậy những tiềm năng vốn có để biến vùng đất yêu thương này trở thành nơi đáng đến và đáng sống. Theo kết quả khảo cổ mới nhất về thời đại đá cũ ở Rộc Tưng, cách nay hơn 80 vạn năm, tổ tiên của chúng ta đã từng có mặt ở đây; điều đó thêm một lần nữa khẳng định vùng đất An Khê chính là một “mỏ vàng”. Vì vậy, trước mắt cần khai thác, đầu tư cho ngành “công nghiệp không khói”. Nếu biết kết nối xưa và nay; văn hóa, lịch sử và tâm linh; kinh tế và xã hội; con người và thiên nhiên... thành chuỗi sản phẩm dịch vụ phục vụ nhu cầu chính đáng của mọi người thì chắc chắn một điều rằng vùng đất này sẽ chẳng mấy chốc mà thành địa chỉ du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Đoàn Minh Phụng
-------------------
(1) Cần tìm hiểu thêm, vì tác giả chưa thấy có tài liệu nào nói cụ thể về sự kiện này.
(2) Nếu ai biết thông tin về gia đình anh Tổng xin hãy liên hệ với tác giả hoặc cơ quan chức năng để xác định anh Tổng đã được công nhận là liệt sĩ hay chưa.

Có thể bạn quan tâm