Thị xã Ayun Pa: Vùng kinh tế phía Đông Nam tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cách TP. Pleiku 100 km về phía Đông Nam, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa thị xã Ayun Pa (Gia Lai) có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã đoàn kết phát huy nội lực khai thác thế mạnh sẵn có và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Những kết quả đáng ghi nhận
Năm 2010, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết nhưng tình hình kinh tế-xã hội thị xã Ayun Pa có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 15,2%, tổng giá trị sản xuất đạt 905,5 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 71,3% kế hoạch (31,51 tỷ đồng).
Một góc thị xã Ayun Pa.
Một góc thị xã Ayun Pa.
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tốt, tổng diện tích gieo trồng trên 6.643,3 ha, đạt 105,4% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực 16.642 tấn, bằng 100,8% kế hoạch năm. Phát huy lợi thế của vựa lúa Tây Nguyên, thị xã Ayun Pa đã tích cực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, diện tích lúa nước 2 vụ gần 2.000 ha, năng suất đạt trên 6 tấn/ha; mía hơn 456,6 ha, năng suất gần 60 tấn/ha. Công tác phòng-chống cháy rừng, bảo vệ rừng được chú trọng.
Song song với phát triển kinh tế nông nghiệp, các ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tiếp tục tăng trưởng khá, giá trị sản xuất đạt 205,7 tỷ đồng, chiếm 41,5% tổng giá trị sản xuất. Trong đó, tập trung ở một số ngành sản xuất như: Đường tinh, nước sinh hoạt, điện sản xuất, gạch nung, chế biến lương thực-thực phẩm, mộc, cơ khí phát triển mạnh ở nhiều phường, xã, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư mở tuyến xe khách chất lượng cao. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 119,5 tỷ đồng.
Hoạt động dịch vụ-thương mại phát triển đa dạng, phong phú, tổng giá trị dịch vụ- thương mại năm 2010 đạt 215,5 tỷ đồng, chiếm 39,2% tổng giá trị sản xuất. Chợ thị xã Ayun Pa là trung tâm giao thương của gần 250.000 dân vùng kinh tế động lực phía Đông Nam tỉnh.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Tỷ lệ trẻ em đến trường đạt trên 99,8%; có 100% xã đạt phổ cập THCS; 100% xã phường có điện lưới quốc gia, có đường ô tô chạy đến trung tâm cụm xã, 98% số hộ dùng điện, 80% số hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa là địa chỉ tin cậy, mỗi năm khám-chữa bệnh cho hơn 12 vạn lượt người trong khu vực. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân từng bước được nâng cao.
Cơ hội đầu tư
Để phát huy lợi thế của vùng kinh tế động lực phía Đông Nam tỉnh, vừa qua UBND thị xã đã công bố quy hoạch Cụm công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp xã Ia Sao; quy hoạch chi tiết phát triển thị xã Ayun Pa giai đoạn II... Đây là cơ hội để thị xã Ayun Pa xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với quy hoạch các khu dân cư và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư.
Bên cạnh đó, thị xã có các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hiện trên địa bàn có nhà máy nhiệt điện công suất 12 MW của Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai; thủy điện Ayun Hạ công suất 10 MW, thủy điện Ia Hiao công suất 9 MW...  Trạm truyền tải điện Ayun Pa kết nối nhà máy thủy điện Đak Pi Hiao (huyện Kông Chro) và các nguồn điện trong khu vực, đảm bảo nguồn điện cho sản xuất công nghiệp. Về nguồn nhân lực, theo quy hoạch chi tiết đến năm 2020, thị xã sẽ có 55.000 dân; Trường Trung cấp nghề Ayun Pa với quy mô 300 học sinh đào tạo công nhân nghề bậc 3, đảm bảo cung cấp lao động cho địa phương.
Ông Đặng Quang Cường- Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa cam kết: Các nhà đầu tư đến thị xã Ayun Pa sẽ được đảm bảo tốt nhất về cơ sở hạ tầng và các thủ tục đầu tư nhanh gọn nhờ công tác cải cách hành chính được chú trọng. Các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư khi vào xây dựng nhà máy tại Cụm công nghiệp Ia Sao như: Ưu tiên cấp đất, được ưu đãi vay vốn, thuế... sẽ thực hiện theo quy định. Hiện đã có 2/4 đơn vị đến đầu tư sản xuất gạch tuynel tại xã Ia Sao. Ngoài ra, thị xã cũng đang xúc tiến mời gọi đầu tư xây mới công trình chợ thị xã, siêu thị, sân vận động, chế biến nông sản và khai thác các thắng cảnh tuyệt đẹp gồm: Bến Mộng, đèo Tô Na, thung lũng hồng và suối đá thành các điểm du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng... 
Năm 2010, thị xã hoàn thành xây dựng giai đoạn I công trình kè bờ Tây sông Ba đoạn cầu Bến Mộng đến nhà máy nước với số vốn trên 14,5 tỷ đồng để biến khu vực dọc sông Ba thành khu du lịch nghỉ dưỡng. Một tour du lịch sinh thái, bằng đường sông ngược sông Ba từ Tuy Hòa (Phú Yên) lên cầu Bến Mộng, hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường đang được hình thành; trong đó, du khách sẽ tham quan di tích lịch sử quốc gia Đài tưởng niệm chiến thắng Sông Bờ, làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai, thưởng thức đặc sản cơm lam, rượu ghè và di sản cồng chiêng Tây Nguyên...
Những điều kiện thuận lợi trên cùng với sự chuẩn bị hành trang kỹ lưỡng về cơ chế chính sách sẽ tạo đà cho thị xã Ayun Pa có bước đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội, là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
P.P

Có thể bạn quan tâm