Chư Prông: Nạn phá rừng vẫn còn phổ biến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
So với nhiều vùng rừng ở địa phương khác trong tỉnh, rừng Chư Prông thuộc loại nghèo, chủ yếu là các loại gỗ từ nhóm II đến nhóm VIII. Tuy nhiên, trong điều kiện mà mỗi súc gỗ đều có thể mang lại tiền trăm, tiền triệu như hiện nay, rừng Chư Prông cũng không thoát khỏi cảnh bị nhòm ngó, xâu xé. Cà chít, trâm xe thì bị đốn về làm trụ tiêu; dầu bị chặt về xẻ gỗ làm nhà… Bên cạnh việc phá rừng lấy gỗ, làn sóng di dân tự do từ khắp nơi ồ ạt đổ vào huyện những năm qua còn kéo theo việc người dân đua nhau phá rừng để lấy đất sản xuất. Theo sự tàn phá không thương tiếc của lâm tặc và người dân địa phương, những cánh rừng vốn đã nghèo ở Chư Prông lại mỗi ngày thêm trơ trụi.

Gỗ trái phép bị thu giữ tại Hạt kiểm lâm huyện Chư Prông. Ảnh: Tiến Dũng
Gỗ bị thu giữ tại Hạt kiểm lâm huyện Chư Prông. Ảnh: Tiến Dũng
Ông Nguyễn Văn Cường- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chư Prông cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2009, Kiểm lâm huyện đã phát hiện và xử lý 67 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có 41 vụ vận chuyển, mua bán, 12 vụ cất giấu, chế biến, 3 vụ khai thác lâm sản trái phép và 11 vụ vi phạm khác. So với 6 tháng đầu năm 2008 (120 vụ), tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở Chư Prông rõ ràng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện mà chúng tôi có được, trong 6 tháng đầu năm 2009, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn huyện là 174 vụ, trong đó có 92 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; 18 vụ phá rừng làm nương rẫy. Số gỗ thu được qua các vụ trên là 96,12 m3. Giải thích về sự chênh lệch trên, theo ông Cường, con số UBND huyện đưa ra là tổng số vụ được tất cả các lực lượng (bao gồm cả Kiểm lâm) phát hiện và xử lý.

Số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở Chư Prông thời gian qua cho dù có giảm như đánh giá của ông Nguyễn Văn Cường song thực tế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Bởi lẽ, chỉ trong tháng 7-2009, Kiểm lâm huyện đã phát hiện và xử lý 27 vụ (13 vụ phá rừng làm nương rẫy, 11 vụ vận chuyển, 5 vụ cất giấu lâm sản trái phép), tức là bằng hơn 1/3 tổng số vụ phát hiện trong 6 tháng đầu năm. Điều này cho thấy, những cố gắng của chính quyền và các ngành chức năng huyện Chư Prông vẫn chưa đủ sức để bảo vệ rừng khỏi sự tàn phá của nhiều loại đối tượng. Ngay chính ông Nguyễn Văn Cường cũng phải thừa nhận, khó mà ngăn chặn triệt để được nạn phá rừng làm nương rẫy và khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn bởi diện tích rừng trên địa bàn quá lớn (trên 98 ngàn ha), lực lượng lại mỏng trong khi Chư Prông lại giáp ranh với nhiều địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Những cánh rừng đang hàng ngày bị “chảy máu” là chuyện không chỉ xảy ra ở Chư Prông. Trong những chuyến đi công tác ở Mang Yang, Kbang, Kông Chro, Đức Cơ… chúng tôi đều không khỏi cảm thấy xót xa khi chứng kiến sự tàn phá không thương tiếc của lâm tặc với những cánh rừng- những “lá phổi xanh”, những “tấm lá chắn” bảo vệ con người như cách chúng ta hay gọi. Và ở đâu khi đến làm việc, chúng tôi cũng nghe nói đến những biện pháp này, cố gắng nọ nhằm bảo vệ rừng nhưng thực tế, rừng đang hàng ngày bị thu hẹp lại, bị làm nghèo đi. Điều đó chỉ ra rằng, những cố gắng, những biện pháp của chính quyền và các ngành chức năng ở tỉnh ta hiện nay vẫn còn chưa đủ mạnh, chưa đủ hiệu quả để bảo vệ rừng khỏi sự xâm hại của con người. Cứ với đà này, đến lúc nào đó, có lẽ rừng chỉ còn là một sự hoài niệm của chính chúng ta.
Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm