Niềm tin và hy vọng từ lá thư người dưới mộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 1. Trong một đêm mất ngủ, mò mẫm trên một fanpage dành cho giới trẻ, tôi bắt gặp nội dung cảm động với mong muốn tìm người thân liệt sĩ thông qua 1 bức ảnh cỡ 6 x 9 cm. Bức ảnh chụp một phụ nữ đang đứng dệt vải, ánh mắt cô nhìn thẳng về phía trước đầy tin tưởng, gương mặt căng tròn tuổi thanh xuân. Sau bức ảnh ấy là những dòng chữ chép tay bài thơ tình “Đợi anh về” của Khương Hữu Dụng. Bài thơ ra đời năm 1967, bức ảnh ấy đề năm 1968-thời điểm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

 

Tấm ảnh trong túi áo người liệt sĩ với mặt sau chép bài thơ Đợi anh về - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Tấm ảnh trong túi áo người liệt sĩ với mặt sau chép bài thơ Đợi anh về - Ảnh: DƯƠNG LIỄU/TTO

Kỷ vật trên được tìm thấy trong túi áo một người lính. Thông tin được cựu chiến binh Đặng Minh Phương, người lưu giữ bức ảnh này cung cấp. Nhiều năm qua, ông vẫn đau đáu với mong muốn tìm lại người trong ảnh và gia đình liệt sĩ nhưng chưa thể thực hiện được. Về sau, kỷ vật được ông Phương trao lại cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Thượng tá Trần Thanh Hằng-cán bộ đã nghỉ hưu của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã chia sẻ lên mạng câu chuyện phía sau một bức ảnh. Cũng như nhiều đồng nghiệp, bà mong tìm được thông tin về người phụ nữ trong ảnh để tìm thân nhân cho liệt sĩ... Đằng sau bức ảnh ấy là những câu thơ tình khiến giới trẻ 8X, 9X rơi nước mắt: “…Tay vít một nhành hoa/Níu áo mùa xuân hỏi:/Vì người công tác xa/Xuân ơi xuân có đợi?/Xin một nụ trên cành/Ủ kín vào thương nhớ/Em để dành mùa xuân/Đợi anh về mới nở…”.

Ngay sau khi được chia sẻ lên mạng, câu chuyện về bức ảnh người con gái “Đợi anh về” đã thu hút hàng ngàn lượt like, hàng trăm lần chia sẻ, bình luận của dân mạng. Những người trẻ viết tiếp một niềm hy vọng tìm lại được cô gái trẻ trong bức ảnh-thân nhân liệt sĩ. Dòng bình luận của một bạn trẻ khiến tôi thẫn thờ một lúc: “Đọc xong bài thơ cái cảm giác bồi hồi, nghèn nghẹn ở trong lồng ngực. Bỗng thấy cuộc sống bây giờ xô bồ nên tình yêu cũng sớm nở rồi sớm tàn. Yêu nhau chóng vánh, kết hôn chóng vánh rồi ly hôn cũng nhanh như tia chớp trên trời trong cơn giông. Không thể nào như ông bà ta lúc xưa. Một ánh mắt, một cái nhìn, một lời hứa sẽ trở về là có thể sắt son vẹn toàn”. Lời hứa và sự chờ đợi của cô gái trẻ ấy ngầm gửi gắm sau tấm ảnh hẳn đã tiếp thêm sức mạnh cho người lính trên chiến trường. Và giờ đây, bức ảnh ấy gián tiếp kể lại cho giới trẻ một câu chuyện tình yêu giản dị tuyệt đẹp dù người lính ấy đã mãi mãi nằm xuống.

2. Khi nói về niềm tin và sự hy vọng, tôi thường nghĩ ngay tới ông Nguyễn Đăng Khoa (tỉnh Nghệ An), người thường được gọi là nghệ sĩ tài hoa nhất khi là thương binh hạng nặng nhưng chơi được tới 4 nhạc cụ cùng một lúc. Những giải thưởng cao nhất của liên hoan ca múa nhạc dành cho thương binh toàn quốc năm nào cũng có tên ông. Mỗi sáng mai thức dậy, ông thường ngồi thổi kèn, thổi sáo trước nhà. Bên cạnh ông là dăm ba cháu nhỏ háo hức nghe nhạc, gần đó là người vợ tảo tần, gương mặt đầy chân chim nhưng ánh mắt ấm, tươi, rạng rỡ.

Nhưng ít ai biết, ở tuổi 20-giai đoạn đẹp nhất cuộc đời, ông từng sống trong những ngày chán nản cực độ khi mải miết chìm trong bóng đêm. Trước đó, học xong lớp 12, gác lại ước mơ trở thành kỹ sư điện tử, cậu học sinh giỏi Đăng Khoa đã tình nguyện nhập ngũ và lên đường Nam tiến. Cả tiểu đội hy sinh, chỉ còn lại ông với thân thể rách nát, 2 mắt mù lòa…

Những ngày ấy thật đáng sợ. Đêm nào ông cũng chói tai bởi tiếng la hét của những đồng đội bị thương nặng. Những tiếng hét ấy khiến cơn đau của ông quặn buốt. Ông nghĩ về quê hương, về người vợ vừa cưới sau một lần về phép. Càng nghĩ lại càng thêm đau khi mặc định mình là người vô dụng, thừa thãi trong xã hội.

Một sáng trở dậy, tiếng la hét bỗng lặng xuống, chỉ có tiếng kèn harmonica du dương với lời ca: “Ôi ngày ấy sẽ đến, anh sẽ về, sẽ về, phải không anh…”. Một niềm tin bất diệt trong một câu hát đầy cảm xúc. Khi những giai điệu dịu dàng ở câu ca cuối cùng: “Và anh nói tặng em mùa xuân”, thì ông nghĩ tới những nụ hoa tầm xuân dịu dàng vẫn mọc hoang bên hiên nhà. Chẳng ai tưới tắm, bón phân, chăm sóc nhưng những nụ hoa tưởng thừa thãi bên hàng rào ấy vẫn lặng lẽ tỏa hương, khoe chút sắc hồng làm mùa xuân thêm hương sắc, lòng người thêm rạo rực. Từ đó, ông Khoa và nhiều thương binh đã quyết tâm học nhạc. Họ tìm lại được niềm tin yêu vào cuộc sống. Họ cũng thấy nhẹ nhõm hơn khi lắng nghe những tiếng chim câu gù trên mái, khi hít hà một nụ hoa thơm vừa bung nở ban mai. Họ trở về với gia đình, bắt đầu những công việc mới trong tâm trạng yêu đời.

Tôi vẫn nghĩ về niềm tin của “Có biết bao người con gái, con trai/Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi/Họ đã sống và chết/Giản dị và bình tâm/Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra Đất Nước” (trích thơ Nguyễn Khoa Điềm). “Giản dị và bình tâm” từ trong mưa bom, bão đạn cho tới cả những ngày tháng thường nhật. Tôi nghĩ, để làm nên điều ấy không thể thiếu sức mạnh của niềm tin và hy vọng. 

 KHÔI NGUYÊN THẢO
 

Có thể bạn quan tâm