Yang Trung nỗ lực về đích nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Yang Trung (huyện Kông Chro, Gia Lai) đang đồng lòng, chung sức với quyết tâm đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2020.
Người dân chung sức xây dựng NTM
Đầu năm 2016, để đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, UBND xã Yang Trung đã quyết định đầu tư kinh phí làm một con đường bê tông dài 550 m nối thôn 9 với các thôn còn lại của xã, thay thế cho con đường đất đầy ổ gà vốn ám ảnh người dân mỗi khi đi lại. Dù kinh phí đã có nhưng xã vẫn gặp khó vì không có quỹ đất để làm đường giao thông mới. 
Thấu hiểu khó khăn đó và mong muốn chung sức cùng địa phương xây dựng NTM, khi UBND xã vận động hiến đất làm đường giao thông, 26 hộ dân ở thôn 9 đã đồng lòng hưởng ứng. Họ không ngần ngại phá bỏ hàng trăm cây ăn quả đang thời kỳ kinh doanh để hiến hơn 23.000 m2 đất làm con đường mới. Trong số này, 2 hộ hiến nhiều đất nhất là ông Vũ Minh Châu và bà Vũ Thị Dự. “Biết là con đường mới sẽ chia vườn nhà làm đôi nhưng tôi vẫn đồng ý. Tôi hiến 2.300 m2 đất để xã làm đường giúp mọi người đi lại thuận lợi hơn. Tôi cũng nói với lãnh đạo xã, đất đai của tôi vẫn còn, nếu cần làm các công trình phúc lợi xã hội như trường học, nhà văn hóa… tôi sẽ tiếp tục hiến”-ông Châu chia sẻ.
 Nhân dân thôn 9 (xã Yang Trung) chung tay góp tiền làm hệ thống điện đường chiếu sáng dọc đường liên xã.                Ảnh: H.S
Nhân dân thôn 9 (xã Yang Trung) chung tay góp tiền làm hệ thống điện đường chiếu sáng dọc đường liên xã. Ảnh: H.S
Bên cạnh việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn, người dân thôn 9 còn tích cực đóng góp kinh phí để thực hiện các tiêu chí khác trong xây dựng NTM. Cụ thể, 247 hộ dân trong thôn đã đóng góp mỗi hộ 400 ngàn đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn kiên cố; 60 hộ dân sinh sống hai bên đường giao thông liên xã đã đóng góp mỗi hộ 400 ngàn đồng để làm hệ thống điện đường chiếu sáng giúp việc đi lại thuận tiện, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Ngoài ra, mỗi hộ dân còn đóng thêm 100 ngàn đồng/năm để chi trả tiền điện chiếu sáng. “Người dân thôn 9 rất ủng hộ chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước vì bà con biết sẽ được hưởng nhiều lợi ích khi xã đạt chuẩn NTM. Hiện nay, thôn đang vận động người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường quanh nhà ở, làm nhà vệ sinh, rào vườn. Đặc biệt, các hộ dân trong thôn đang tiến hành trồng các loại hoa trước cổng nhà để tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp”-Trưởng thôn Phạm Văn Liệm chia sẻ.
Quyết tâm đạt chuẩn NTM vào năm 2020
Khi bắt tay xây dựng NTM năm 2011, xã Yang Trung gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xã đã nỗ lực vượt khó triển khai nhiều giải pháp với quyết tâm đạt chuẩn NTM. 
Theo đó, cả hệ thống chính trị xã được huy động vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con hiểu được ý nghĩa, mục đích của chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, cán bộ, đảng viên trong xã gương mẫu đi đầu thực hiện trong mọi hoạt động để người dân làm theo. Qua đó, nhận thức của người dân trong xã từng bước được nâng lên. Người dân đã chung tay hiến đất, đóng góp công sức, tiền bạc để xây dựng đường giao thông nông thôn, hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng của địa phương.
Song song với đó, huyện Kông Chro cũng đã quan tâm đầu tư kinh phí hỗ trợ xã hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Cụ thể, huyện đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng một ngôi trường mới khang trang giúp cho việc dạy và học được thuận lợi hơn; đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Bên cạnh đó, gần 2 km đường giao thông liên thôn của xã đã được xây dựng theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn; 2 nhà văn hóa, 1 sân vận động, 1 khu thể thao thôn được xây mới và 1 nhà rông được sửa chữa bằng nguồn kinh phí của Nhà nước và nhân dân đã góp phần giúp xã thuận lợi hơn trong tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Ngoài ra, hàng trăm lượt người dân của xã được hỗ trợ kinh phí để phát triển sản xuất nhằm thoát nghèo. 
Ông Đặng Thế Quyền-Chủ tịch UBND xã Yang Trung-cho biết: “Đến nay, xã Yang Trung đã đạt 13/19 tiêu chí NTM. Trong 6 tiêu chí còn lại thì tiêu chí khó nhất là thu nhập vì 47% dân số của xã là người dân tộc thiểu số, trình độ sản xuất còn lạc hậu. Dù khó khăn là vậy nhưng chúng tôi quyết tâm phấn đấu để đến năm 2020 xã sẽ đạt chuẩn NTM”.
Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm

Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.